Ai ở bên sông mà chẳng yêu sông từ thuở thiếu thời, với những bãi mía, bờ dâu xanh mướt, mà sắc diệp lục cứ làm nao lòng mỗi khi chúng ta về gặp mặt sông.
Sông quê cùng những cánh đồng đã thắp ước mơ nghề báo cho tôi. Nghề báo lại cho tôi thêm những chuyến đi xa, để lại gặp những dòng sông khác với muôn hình muôn vẻ số phận, mà ở đó tôi thỏa lòng đắm vào vẻ đẹp kỳ diệu của thiên nhiên. Sông khác – ngoài con sông quen thuộc tôi từng thầm thĩ chuyện trò là sông Kinh Thầy – mà bản thân cùng nhiều bạn trẻ ngày xưa từng gặp trong thơ. Chuyến rong ruổi bằng xe đạp ngày ấy đã đến từ một sự hối thúc của ký ức, để tôi tìm về tham quan Côn Sơn – Kiếp Bạc, rồi về địa phận huyện Nam Sách để “gặp” sông Kinh Thầy.
Dòng sông hiền hòa, với bao trầm tích văn hóa lịch sử đã nuôi nấng cho những cánh đồng, làm nên vẻ đẹp và sự bình dị của bao ngôi làng tuyệt đẹp. Ngày đó, chưa có nhiều nhà máy như bây giờ. Làng quê Nam Sách có những cánh đồng lúa tuyệt đẹp, thi thoảng xa xa lại điểm xuyết một quả đồi nhỏ xanh mướt. Vẻ đẹp của sông lại xui tôi về vùng Kinh Môn, nơi có sông Kinh Thầy và những nhánh sông khác bao bọc, để tôi được lặn vào trong trầm tích của làng mạc giản dị như quê hương tôi. Những bài viết, tản văn và cả thơ nữa đã ra đời trong chuyến đi này, cho tôi vui mừng hy vọng vào bao hành trình ở phía trước. Có lẽ, đó là chuyến thực tế viết báo đầu tiên của tôi, dù chỉ là tự phát và trong vai trò là một cộng tác viên.
Sau này, mảnh đất Xứ Đông với Văn miếu Mao Điền, đất học Mộ Trạch, núi An Phụ, đảo cò Chi Lăng Nam… tiếp tục cho tôi sự trầm lắng, gần gũi thiên nhiên và làm giàu có kho tàng của mình. Sống và làm việc ở Thủ đô, nhưng ngòi bút tôi luôn muốn được chạm đến các vùng đất văn hóa, nơi cuộc sống đầy sôi động và đầy hào phóng, nơi các con sông bị oằn lên vì ô nhiễm. Những con sông mảnh đất Xứ Đông có sự mời gọi, cho ngòi bút dạt dào cảm xúc và lúc nào sông cũng chứng minh sức sống mình bằng sự hiến dâng, nuôi dưỡng mùa màng. Đã hơn hai mươi năm kể từ lần đầu gặp sông Kinh Thầy ngoài đời thực, thi thoảng tôi vẫn về thăm lại sông. Ngày ấy, khi trò chuyện, tôi đã xin sông tiếp sức của mình trong bước đường gian nan sắp tới. Sông đã nói bằng sóng rì rào, bằng sự nhạy cảm cũng như sự mỏng manh, dễ tổn thương của các giá trị thiên nhiên. Sông dạy tôi cần mẫn, để nâng niu con chữ, biết cho đi và lan tỏa vẻ đẹp giản dị của cuộc đời này, biết đan dệt tấm thảm tình yêu thiên nhiên và làm giàu có hơn tấm thảm ấy. Đến giờ sông vẫn ấp iu cho tôi bao kỷ niệm. Và chắc có lẽ cũng đã dịu dàng thắm vào lòng những người bạn tôi vẫn đang cần mẫn sáng tạo, sống và làm đẹp cho làng, quê hương.
Người làm báo bao giờ cũng cần sự trải nghiệm, vốn sống, hiểu biết mà rất nhiều điều trong đó chỉ được chưng cất từ tâm sức của các chuyến đi. Những chuyến đi cho con chữ giàu cảm xúc, cho tâm hồn rộng mở, cho “gặp” được sự hào phóng của sông, thiên nhiên và rất nhiều điều nhân nghĩa.
Nguồn https://baotainguyenmoitruong.vn/