ĐIỀU TRA, KIỂM KÊ, QUAN TRẮC ĐA DẠNG SINH HỌC
-
1. Căn cứ pháp lý
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020
– Điều 21. Nội dung bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên;
– Điều 107. Hệ thống quan trắc môi trường;
– Điều 109. Trách nhiệm quan trắc môi trường;
Luật Đa dạng sinh học năm 2008
– Điều 5. Chính sách của Nhà nước về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học;
– Điều 63. Điều tra, thu thập, đánh giá, cung cấp, quản lý thông tin về nguồn gen;
– Điều 71. Điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, quản lý thông tin, số liệu về đa dạng sinh học;
– Điều 73. Tài chính cho việc bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học.
Luật Lâm nghiệp năm 2017
– Điều 33. Điều tra rừng;
– Điều 34. Kiểm kê rừng;
– Điều 35. Theo dõi diễn biến rừng;
– Điều 101. Trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
– Điều 102. Trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp của Ủy ban nhân dân các cấp.
Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo năm 2015
– Điều 43. Nội dung kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo;
– Điều 44. Trách nhiệm điều tra, đánh giá môi trường biển và hải đảo;
– Điều 73. Trách nhiệm quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ,…
Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính Phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT
– Điều 21. Điều tra, đánh giá, quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên.
Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính Phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN
– Điều 4. Quản lý nhà nước về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước;
– Điều 6. Thống kê, kiểm kê các vùng đất ngập nước ;
– Điều 7. Điều tra, đánh giá các vùng đất ngập nước;
– Điều 10. Quan trắc vùng đất ngập nước quan trọng;
– Điều 11. Cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước.
Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê uyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Tại điểm 4, mục II, nội dung, nhiệm vụ trọng tâm quy định “Tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án kiểm kê quan trắc lập báo cáo và xây dựng CSDL ĐDSH quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó ưu tiên thực hiện kiểm kê quan trắc các khu BTTN, khu vực ĐDSH cao, loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ”; Tạo lập môi trường điều kiện môi trường cho các tổ chức, cá nhân hoặc cộng đồng tham gia kiểm kê quan trắc, lập báo cáo và vận hành CSDL ĐDSH”.
Quyết định số 2067/QĐ-TTg ngày 08/12/2021 của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt Đề án “Kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng CSDL ĐDSH quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”
Mục tiêu chung: Thực hiện điều tra, kiểm kê, quan trắc, thiết lập, vận hành CSDL ĐDSH quốc gia nhằm đánh giá hiện trạng, giá trị, diễn biến ĐDSH phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ theo yêu cầu chuyển đổi số, tăng cường hiệu quả quản lý ĐDSH của các Bộ ngành, địa phương và hoạt động phát triển kinh tế, xã hội của các tổ chức, doanh nghiệp. Các mục tiêu cụ thể cho 03 giai đoạn 2022 – 2025, 2025 -2030 và giai đoạn sau 2030.
Phạm vi: Đề án được thực hiện trên phạm vi toàn quốc, tập trung vào các khu vực ưu tiên là đối tượng của quy hoạch bảo tồn ĐDSH quốc gia, bao gồm: Khu BTTN, hành lang ĐDSH, cơ sở bảo tồn ĐDSH, khu vực ĐDSH cao.
Đối tượng: Điều tra, kiểm kê, quan trắc là các hệ sinh thái (trên cạn, đất ngập nước, rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển) và loài (loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài đặc hữu, loài bị đe dọa).
Các nhiệm vụ và giải pháp:
– Xây dựng Chương trình kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học theo bộ chỉ tiêu kiểm kê, chỉ thị quan trắc;
– Thí điểm các phương pháp, quy trình, định mức kinh tế – kỹ thuật điều tra, kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học; hoàn thiện, phát triển bộ chỉ tiêu kiểm kê, chỉ thị quan trắc;
– Hoàn thiện hành lang pháp lý; phương pháp, quy trình, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế – kỹ thuật điều tra, kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia;
– Xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu, lập báo cáo đa dạng sinh học thống nhất từ trung ương tới địa phương;
– Tăng cường năng lực, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực;
Tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án ưu tiên về điều tra, kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo, xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học và cập nhật thông tin, dữ liệu.
Quyết định số 410/QĐ-BTNMT ngày 04/3/2022 của Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành Kế hoạch của Bộ TN&MT thực hiện Quyết định số 2067/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng CSDL ĐDSH quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”
Quyết định đưa ra kế hoạch, phân công triển khai cho các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT trong quá trình thực hiện Đề án Kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng CSDL ĐDSH quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với 6 nội dung thực hiện bao gồm:
– Hoàn thiện văn bản, hướng dẫn kỹ thuật thực hiện điều tra, kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng CSDL ĐDSH quốc gia;
– Tổ chức triển khai thực hiện kiểm kê, quan trắc ĐDSH tại các khu vực ưu tiên trên cả nước;
– Hoàn thiện, vận hành CSDL ĐDSH, lập báo cáo ĐDSH thống nhất từ trung ương tới địa phương;
– Đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị, hạ tầng phục vụ điều tra, kiểm kê, quan trắc và xây dựng CSDL ĐDSH; hình thành, vận hành trung tâm triển lãm, trưng bày về thiên nhiên và ĐDSH quốc gia;
– Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học, công nghệ hỗ trợ công tác điều tra, kiểm kê, quan trắc và xây dựng CSDL đa dạng sinh học quốc gia;
– Tăng cường năng lực, truyền thông, nâng cao nhận thức, điều phối, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Đề án.
Theo kế hoạch được phê duyệt, Bộ TN&MT cũng phân công trách nhiệm cho các đơn vị có liên quan triển khai 03/5 chương trình, dự án ưu tiên trong Quyết định số 2067/QĐ-TTg bao gồm:
+ Chương trình điều tra, kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn thiên nhiên có danh hiệu quốc tế trên phạm vi toàn quốc. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2022 – 2025;
+Dự án chuyển đổi số, tăng cường năng lực; hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị, công cụ thực hiện điều tra, kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng, vận hành CSDL đa dạng sinh học. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2022 – 2030;
+ Chương trình điều tra, kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn thiên nhiên, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học trên phạm vi toàn quốc. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2025 – 2030.
Quyết định của UBND các tỉnh/thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 2067/QĐ-TTg
Tính đến nay, đã có khá nhiều tỉnh/thành phố đã ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 2067/QĐ-TTg để triển khai tại địa phương, với mục tiêu chung “Thực hiện điều tra, kiểm kê, quan trắc, vận hành CSDL đa dạng sinh học cấp tỉnh,…” và các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn cụ thể. Một số kế hoạch đã được ban hành:
– Kế hoạch hành động số 78/KH-UBND ngày 17 tháng 01 năm 2022 của UBND tỉnh Quảng Bình về bảo tồn ĐDSH đến năm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình;
– Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 27 tháng 01 năm 2022 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về thực hiện Đề án kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng dựng CSDL ĐDSH quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi;
– Kế hoạch số 229/KH-UBND ngày 08 tháng 11 năm 2022 của UBND tỉnh Lạng Sơn về thực hiện Đề án kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng dựng CSDL ĐDSH quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn;
– Kế hoạch số 2981/KH-UBND ngày 10 tháng 8 năm 2023 của UBND tỉnh Bình Thuận về thực hiện Đề án kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng dựng CSDL ĐDSH quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận;
Phạm vi thực hiện Kế hoạch trên địa bàn tỉnh tập trung vào các khu vực ưu tiên là đối tượng của quy hoạch bảo tồn ĐDSH gồm: Khu BTTN; Hành lang ĐDSH; Cơ sở bảo tồn ĐDSH; Khu vực ĐDSH cao,…
Kế hoạch cũng đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện, kinh phí thực hiện và tổ chức thực hiện, trong đó phân công trách nhiệm cho Sở TN&MT, các Sở có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc.
2. Trách nhiệm của các cấp, phạm vi thực hiện
Bộ Tài nguyên và Môi trường
Bộ TN&MT có trách nhiệm thực hiện kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học đối với:
– Khu bảo tồn thiên nhiên có danh hiệu quốc tế trên phạm vi toàn quốc;
– Khu bảo tồn thiên nhiên trên phạm vi toàn quốc gồm 04 loại hình: Vườn quốc gia; Khu dự trữ thiên nhiên; Khu bảo tồn loài – sinh cảnh; Khu bảo vệ cảnh quan (Điểm a, điểm c Khoản 1 Điều 109 Luật BVMT 2020);
– Cơ sở BTTN trên phạm vi toàn quốc;
– Khu vực ĐDSH cao;
– Hành lang ĐDSH;
– Đất ngập nước trên phạm vi toàn quốc (Nghị định số 66/2019/NĐ-CP).
– Di sản thiên nhiên (Điều 21 Luật BVMT 2020; Điều 21 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP).
– Chỉ tiêu số 2104 (Số khu và diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên) thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia (Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 07/11/2022).
Các Bộ ngành có liên quan khác
– Bộ NN&PTNN có trách nhiệm: tổ chức thực hiện và công bố kết quả điều tra rừng toàn quốc 05 năm một lần; Kiểm kê rừng trên phạm vi toàn quốc (Luật Lâm nghiệp 2017).
– Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Bộ, cơ quan ngang bộ (Điều 167 Luật BVMT 2020). Cụ thể, thực hiện nội dung bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên (Điều 21 Luật BVMT 2020); tổ chức thực hiện chương trình điều tra, thu thập, đánh giá và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn gen thuộc phạm vi quản lý của mình và cung cấp thông tin về cơ sở dữ liệu về nguồn gen cho Bộ Tài nguyên và Môi trường (Điều 63 Luật Đa dạng sinh học 2008); Báo cáo về hiện trạng đa dạng sinh học của khu bảo tồn (Điều 33 Luật Đa dạng sinh học 2008).
– Bộ, cơ quan ngang Bộ, có trách nhiệm cung cấp thông tin về môi trường thuộc trách nhiệm thu nhận, lưu trữ và quản lý cho Bộ Tài nguyên và Môi trường thông qua hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia hoặc báo cáo theo quy định của pháp luật (Điểm b Khoản 3 Điều 114 Luật BVMT 2020).
– Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức triển khai cơ sở dữ liệu môi trường của mình; bảo đảm tích hợp, kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia (Điểm c Khoản 2 Điều 115 Luật BVMT 2020).
– Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm tổ chức thực hiện các yêu cầu về bảo vệ di sản thiên nhiên trong các hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch (Điểm d Khoản 8 Điều 21 Nghị định 08/2022/NĐ-CP).
UBND tỉnh/thành phố
– Tổ chức thực hiện điều tra, kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng tại địa phương (Điểm đ Khoản 1 Điều 102 Luật Lâm nghiệp năm 2017).
– Thực hiện Điều 21 Luật BVMT 2020, chi tiết tại Khoản 2 và điểm b Khoản 8 Điều 21 Điều tra, đánh giá, quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên của (Điều 21,Nghị định 08/2022/NĐ-CP và văn bản pháp luật liên quan).
– Tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc môi trường trên địa bàn, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp, Bộ TN&MT về kết quả quan trắc môi trường hàng năm (Khoản 6 Điều 109 Luật BVMT 2020) và trách nhiệm xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin cấp tỉnh đảm bảo đồng bộ với hệ thống thông tin môi trường quốc gia (Điểm c, Khoản 1, Điều 115 Luật BVMT 2020); tổ chức triển khai cơ sở dữ liệu môi trường của mình; bảo đảm tích hợp, kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia (Điểm c Khoản 2 Điều 115 Luật BVMT 2020) và điều tra, thống kê, cập nhật hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường, báo cáo môi trường theo quy định của pháp luật (Điểm d, điểm e Khoản 1 Điều 168 Luật BVMT 2020).
– Thực hiện điều tra, kiểm kê, quan trắc tại các khu bảo tồn, hành lang đa dạng sinh học; cơ sở bảo tồn ĐDSH; khu vực ĐDSH cao,… Theo Kế hoạch thực hiện Đề án kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng CSDL ĐDSH quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh (theo Quyết định số 2067/QG-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2021).
Ban quản lý Di sản thiên nhiên/Khu bảo tồn/Vườn quốc gia/Chủ rừng
– Ban quản lý hoặc tổ chức được giao quản lý di sản thiên nhiên thực hiện điều tra, đánh giá định kỳ di sản thiên nhiên (Điều 21 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP).
– Thực hiện theo quy định các nội dung liên quan thống kê, kiểm kê, điều tra, đánh giá và quan trắc các vùng đất ngập nước quy định tại Chương II tại Điều 6, 7, 10, 11 của Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2019.
– Chủ rừng có trách nhiệm thực hiện kiểm kê rừng do mình quản lý (Khoản 4 Điều 34 Luật Lâm nghiệp 2017).
– Nghiên cứu, đề xuất thực hiện nhiệm vụ, dự án, đề tài có liên quan theo lộ trình, báo cáo và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường thuộc trách nhiệm của địa phương (Mục 3 Điều 73 Luật Đa dạng sinh học và Điều 152 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, đảm bảo nguồn lực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường (Điều 153 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP).
– Thông tin, số liệu điều tra cơ bản, kết quả nghiên cứu khoa học về ĐDSH phải được thu thập và quản lý thống nhất trong CSDL ĐDSH quốc gia (Khoản 3 Điều 4 Luật Đa dạng sinh học năm 2008).
– Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện quản lý nhà nước về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN quan trọng trên địa bàn; xây dựng và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp quản lý vùng ĐNN quan trọng nằm ngoài KBT trên địa bàn (Khoản 1 Điều 24 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP).
1. Xây dựng các văn bản, hướng dẫn kỹ thuật về hoạt động kiểm kê, quan trắc ĐDSHĐể triển khai các hoạt động kiểm kê, quan trắc cần phải xây dựng và hoàn thiện các văn bản, hướng dẫn đối với hoạt động kiểm kê, quan trắc ĐDSH.
Hiện tại, dự thảo Quy trình kỹ thuật kiểm kê, quan trắc ĐDSH đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ trưởng ban hành dưới dạng Thông tư và kế hoạch ban hành trong quý I năm 2024.
2. Xây dựng và phê duyệt các Chương trình kiểm kê, quan trắc ĐDSH
Theo khoản 2 Điều 5 Luật Đa dạng sinh học 2008 quy định bảo đảm kinh phí cho hoạt động điều tra cơ bản, quan trắc, thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học và quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học; đầu tư cơ sở vật chất – kỹ thuật cho khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học của Nhà nước; bảo đảm sự tham gia của nhân dân địa phương trong quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã bước đầu có một số hoạt động liên quan đến điều tra, kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học phục vụ các mục tiêu khác nhau của các ngành, lĩnh vực, địa phương. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xây dựng được chương trình kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học tổng thể, bài bản, thống nhất; chưa hình thành được cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia có tính đồng bộ và kết nối; nguồn thông tin, dữ liệu đầu vào thiếu, việc lưu giữ dữ liệu đa dạng sinh học còn phân tán; nguồn lực cho công tác kiểm kê, quan trắc, xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học chưa đáp ứng được theo yêu cầu. Để đáp ứng yêu cầu thực tế, ngày 08 tháng 12 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 2067/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Điều tra, kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Chương trình điều tra, kiểm kê, quan trắc ĐDSH tại các khu bảo tồn thiên nhiên có danh hiệu quốc tế trên phạm vi toàn quốc
– Đối tượng: các chỉ tiêu/chỉ thị kiểm kê, quan trắc tại các KBTTN có danh hiệu quốc tế trên phạm vi toàn quốc với được quy định tại Phụ lục II của Quyết định số 2067/QG-TTg.
– Phạm vi thực hiện: 29 KBT có danh hiệu quốc tế và kế thừa dữ liệu từ Chương trình kiểm kê, quan trắc ĐDSH tại 02 KBTTN đất ngập nước Vân Long và KBTTN và văn hóa Đồng Nai (đã thực hiện năm 2021).
– Thời gian thực hiện: năm 2023-2025.
– Đơn vị chủ trì: Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Chương trình điều tra, kiểm kê quan trắc ĐDSH tại các khu bảo tồn thiên nhiên, các cơ sở bảo tồn ĐDSH trên phạm vi toàn quốc
– Đối tượng: các chỉ tiêu/chỉ thị kiểm kê, quan trắc tại các KBTTN, cơ sở bảo tồn ĐDSH trên phạm vi toàn quốc (khu chưa có danh hiệu quốc tế) được quy định tại Phụ lục II.
– Phạm vi thực hiện: các KBTTN, cơ sở bảo tồn ĐDSH trên phạm vi toàn quốc.
– Thời gian dự kiến thực hiện: năm 2025 – 2030.
– Đơn vị chủ trì: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Chương trình điều tra, kiểm kê quan trắc ĐDSH tại các hành lang ĐDSH, khu vực ĐDSH cao
– Đối tượng: các chỉ tiêu/chỉ thị kiểm kê, quan trắc tại hành lang ĐDSH và khu vực ĐDSH cao được quy định tại Phụ lục II.
– Phạm vi thực hiện: Hành lang ĐDSH; Khu vực ĐDSH cao tại các địa phương trên toàn quốc.
– Thời gian dự kiến thực hiện: sau năm 2030.
– Đơn vị chủ trì: UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Xây dựng mạng lưới các đơn vị thực hiện quan trắc ĐDSH
Quan trắc ĐDSH đóng vai trò rất quan trọng trong việc theo rõi được xu thế biến đổi của ĐDSH và phục vụ công tác quản lý nhà nước về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Quan trắc ĐDSH được lặp đi lặp lại trực tiếp hoặc gián tiếp một cách có hệ thống các chỉ thị phản ánh hiện trạng, xu hướng biến đổi của ĐDSH, các ảnh hưởng bất lợi đối với tài nguyên ĐDSH để từ đó giúp các nhà hoạch định chính sách có các hoạt động ưu tiên, cải thiện công tác quản lý các hệ sinh thái, các loài và nguồn gen. Trong thời gian qua, hoạt động quan trắc đa dạng sinh học được thực hiện thông qua một số chương trình, dự án nhỏ, lẻ trên một số đối tượng như: 1) Hoạt động giám sát, quan trắc chim ở Việt Nam tại VQG Ba Bể (Bắc Kạn), Khu BTTN Na Hang (Tuyên Quang), Khu BTTN Hoàng Liên – Văn Bàn, Khu BTTN Đông Sơn – Kỳ Thượng,…; Hoạt động giám sát, quan trắc các nhóm loài quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng như loài hổ, gấu (VQG Pù Mát- Nghệ An), thú linh trưởng VQG Phong Nha – Quảng Bình; quần thể Voọc đầu trắng Vườn quốc gia Cát Bà – Hải Phòng,…; Quan trắc đa dạng sinh học hệ sinh thái biển tại Khu bảo tồn biển Nha Trang (Dự án do GEF/Ngân hàng Thế giới tài trợ, các đợt khảo sát toàn diện nhất Việt Nam về các loài và sinh cảnh trong vùng vịnh Nha Trang).
Cấp Trung ương:
Đơn vị đầu mối: Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Trung tâm Điều tra, Thông tin và Dữ liệu về môi trường, đa dạng sinh học):
– Thực hiện kiểm kê, quan trắc ĐDSH theo phân cấp quản lý;
– Hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ các địa phương, cơ sở triển khai hoạt động kiểm kê, quan trắc ĐDSH;
– Đầu mối kết nối mạng lưới kiểm kê, quan trắc ĐDSH trên toàn quốc;
– Đề xuất nhiệm vụ, đề tài, dự án nhằm tăng cường năng lực (nhân lực, trang thiết bị, kinh phí) để đảm bảo triển khai được các nhiệm vụ được giao.
Cấp tỉnh:
Đơn vị đầu mối là Sở TN&MT/Sở NN&PTNN: thực hiện kiểm kê, quan trắc ĐDSH theo phân cấp quản lý; phối hợp với cơ quan đầu mối cấp trung ương thực hiện các hoạt động điều tra, kiểm kê ĐDSH trên địa bàn tỉnh; tăng cường năng lực để đảm bảo triển khai được các nhiệm vụ được giao.
Cấp cơ sở:
Gồm có: Ban quản lý Di sản thiên nhiên, Ban quản lý VQG/ KBTTN, Cơ sở Bảo tồn ĐDSH: thực hiện và phối hợp với cơ quan đầu mối cấp trung ương, Sở TN&MT, Sở NN&PTNN trong các hoạt động điều tra, kiểm kê ĐDSH trong phạm vi quản lý của mình; tăng cường năng lực để đảm bảo triển khai được các nhiệm vụ được giao (Khoản 2 Điều 21 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP).
Các đơn vị có liên quan khác:
– Một số Bộ ngành có liên quan: Bộ NN&PTNT, Bộ VHTTDL, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật,…),…;
– Các Trường Đại học và các đơn vị, tổ chức khác có liên quan như: Trường Đại học Lâm nghiệp, Viện Sinh học nhiệt đới, Viện Điều tra và Quy hoạch rừng, Viện Lâm nghiệp và đa dạng sinh học nhiệt đới,…
– Ban quản lý các KBTTN có danh hiệu quốc tế trong toàn quốc.
Thực hiện và phối hợp thực hiện các hoạt động điều tra, kiểm kê, quan trắc ĐDSH theo lĩnh vực được giao phụ trách.
4. Đầu tư năng lực cho các đơn vị thực hiện quan trắc ĐDSH
Nhân lực:
– Tuyển dụng, bổ sung nguồn nhân lực; Lộ trình tuyển dụng được thực hiện theo quyết định phê duyệt Đề án vị trí việc làm của đơn vị. Xây dựng cơ chế để thu hút nguồn nhân lực chất lượng được đào tạo từ các trường đại học uy tín để thực hiện nhiệm vụ. Tham gia phối hợp các hoạt động chuyên môn của các đơn vị có chuyên môn về điều tra, kiểm kê đa dạng sinh học để học hỏi kinh nghiệm qua các hội thảo, hội nghị tập huấn,… Tham gia các khóa đào tạo trong nước và quốc tế liên quan đến hoạt động kiểm kê và quan trắc ĐDSH.
– Tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực về kỹ thuật điều tra, kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo ĐDSH, xây dựng, vận hành, quản lý CSDL ĐDSH cho các cán bộ làm công tác kiểm kê, quan trắc ĐDSH từ Trung ương đến địa phương.
Đầu tư trang thiết bị:
– Bố trí nguồn kinh phí từ các nguồn ngân sách nhà nước để tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ đi hiện trường, công cụ, công nghệ phục vụ hoạt động điều tra, kiểm kê, quan trắc ĐDSH;
– Trang thiết bị đặt tại đơn vị quan trắc;
– Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin,…;
– Lộ trình đầu tư sẽ được triển khai theo từng giai đoạn cụ thể.
Kinh phí:
– Bố trí nguồn kinh phí chi thường xuyên từ nguồn chi sự nghiệp bảo vệ môi trường cho việc thực hiện xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch kiểm kê, quan trắc theo lộ trình đã được phê duyệt tại Quyết định số 2067/QĐ-TTg và các nguồn ngân sách nhầ nước khác để thực hiện điều tra, kiểm kê, quan trắc cơ bản về đa dạng sinh học và đảm bảo nguồn chi duy trì, bảo dưỡng, bảo trì, thay thế trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho hoạt động kiểm kê, quan trắc ĐDSH.
– Bố trí nguồn kinh phí đầu tư, xây dựng cơ bản mua sắm trang thiết bị và hạ tầng kỹ thuật.
5. Hoạt động liên quan khác
Tăng cường trao đổi, chia sẻ học hỏi kinh nghiệm liên quan đến kiểm kê, quan trắc với Diễn đàn đối tác về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái;
Tăng cường trao đổi kinh nghiệm với các nước, tổ chức quốc tế về Kiểm kê, quan trắc ĐDSH.
1. Giai đoạn 2023 – 2025– Xây dựng và trình ban hành văn bản pháp lý, hướng dẫn kỹ thuật về quy trình, phương pháp, định mức kinh tế – kỹ thuật về điều tra, kiểm kê, quan trắc ĐDSH.
– Xây dựng, phê duyệt và triển khai chương trình quan trắc ĐDSH tại các KBTTN có danh hiệu quốc tế trên toàn quốc với sự tham gia phối hợp của các đơn vị đã có kinh nghiệm triển khai (Bộ NN&PTNT, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam,…).
– Xây dựng mạng lưới các đơn vị thực hiện quan trắc từ cấp Trung ương, cấp tỉnh đến cấp cơ sở.
– Tăng cường, bổ sung nguồn nhân lực: xây dựng và triển khai đề án vị trí việc làm cho lĩnh vực kiểm kê, quan trắc ĐDSH, bổ sung nguồn nhân lực thông qua việc tuyển dụng và đào tạo tập huấn cho cán bộ, viên chức…
– Xây dựng dự án, đầu tư trang thiết bị cơ bản phục vụ hoạt động điều tra, kiểm kê, quan trắc ĐDSH.
2. Giai đoạn 2025 – 2030
– Xây dựng và triển khai các chương trình kiểm kê, quan trắc ĐDSH tại các KBTTB, cơ sở bảo tồn trên phạm vi toàn quốc.
– Tiếp tục triển khai các dự án đầu tư, tăng cường trang thiết bị phục vụ hoạt động kiểm kê, quan trắc ĐDSH cho các đơn vị thực hiện quan trắc.
– Tăng cường hợp tác, kết nối giữa các đơn vị trong mạng lưới và các bên liên quan.
3. Giai đoạn sau năm 2030
– Xây dựng và triển khai các chương trình kiểm kê, quan trắc ĐDSH tại các hành lang ĐDSH, khu vực ĐDSH cao.
– Triển khai định kỳ các chương trình kiểm kê, quan trắc tại các khu bảo tồn thiên nhiên, cơ sở bảo tồn ĐDSH trên phạm vi toàn quốc đã được phê duyệt trong giai đoạn trước.
– Tiếp tục tăng cường nguồn lực, năng lực của các đơn vị quan trắc đảm bảo cho hoạt động điều tra, kiểm kê, quan trắc ĐDSH được duy trì thường xuyên, ổn định, đáp ứng các quy định pháp luật hiện hành và yêu cầu thực tế đặt ra.