(TN&MT) – Với thời tiết nắng nóng gay gắt đang diễn ra, hầu hết các diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nguy cơ xảy ra cháy rất cao và nguy hiểm. Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 19/CT-UBND về việc tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.
Theo dự báo thời tiết vẫn tiếp tục nắng nóng gay gắt diễn ra trên diện rộng, nguy cơ cháy rừng rất cao; một số địa phương khu vực Miền Trung như tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã xảy ra cháy rừng lớn, thiệt hại về tài nguyên rừng, môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Tại tỉnh Thanh Hóa, mặc dù có trên 641.000 ha rừng với trên 48.000 ha rừng thuộc vùng trọng điểm cháy, nguy cơ cháy cao và rất cao, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, chủ rừng trong triển khai, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng cháy rừng nên không để xảy ra cháy rừng trên địa bàn tỉnh.
Trong thời điểm nắng nóng, công tác phòng phòng cháy, chữa cháy rừng được xem là nhiệm vụ trọng tâm của các địa phương |
Để tiếp tục chủ động thực hiện quyết liệt, đầy đủ, hiệu quả các biện pháp PCCCR; thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 776/CĐ-TTg.
Yêu cầu, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các phòng chuyên môn, các đơn vị liên quan, tập trung mọi nguồn lực để thực hiện quyết liệt hơn nữa công tác PCCCR; tiếp tục thực hiện ngay công tác kiểm tra, hướng dẫn, giám sát UBND các xã, chủ rừng thực hiện nghiêm túc công tác PCCCR, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương.
Nghiêm cấm các hoạt động có sử dụng lửa trong, ven rừng như: Sử dụng lửa đốt ong, đốt bãi rác, dọn vườn…; tạm dừng hoạt động xử lý thực bì trồng rừng, làm rẫy, vệ sinh rừng sau khai thác và những hành vi dùng lửa khác, nhất là sử dụng lửa gần khu vực rừng giáp khu dân cư, nghĩa trang, nghĩa địa, các khu di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, tín ngưỡng trong và ven rừng…
Giao Sở Nông nghiệp và PTNT khẩn trương chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và các chủ rừng nhà nước khác thực hiện nghiêm túc, triệt để các biện pháp về PCCCR. Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tăng cường tối đa lực lượng, bám sát địa bàn trực PCCCR và tham mưu tích cực, kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các chủ rừng thực hiện quyết liệt các biện pháp PCCCR.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, các phòng nghiệp vụ, Công an cấp huyện, xã tăng cường phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, chính quyền địa phương để kiểm tra, đôn đốc địa phương, chủ rừng thực hiện nghiêm các biện pháp PCCCR; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, chỉ huy chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thực hiện nghiêm công tác PCCCR khi hoạt động huấn luyện, diễn tập ngoài thao trường tại các khu vực trong và ven rừng; chỉ đạo lực lượng dân quân tự vệ địa phương phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm, chính quyền địa phương tổ chức lực lượng tuần tra canh gác lửa rừng vào thời điểm có nguy cơ cháy cao; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, dụng cụ, hậu cần sẵn sàng hỗ trợ địa phương, cơ sở chữa cháy rừng.
Giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các Đồn Biên phòng, các đơn vị trực thuộc chủ động thực hiện công tác PCCCR trên diện tích rừng được giao quản lý; tăng cường trinh sát ngoại tuyến để phát hiện sớm đám cháy từ các huyện thuộc tỉnh Hủa Phăn (Nước CHDCND Lào) có nguy cơ cháy lan sang các huyện biên giới thuộc tỉnh Thanh Hóa, để chủ động tham mưu kịp thời cho UBND các huyện biên giới phòng chống hiệu quả.
Theo baotainguyenmoitruong.vn