Bắt nguồn từ việc người dân bản địa quần đảo Haida Gwaii (Canada) chặn đường khai thác gỗ, một thỏa thuận bảo tồn tự nhiên đã được lập ra giữa Chính phủ và chính quyền trên đảo. Sau 30 năm, khu vực này đã trở thành hình mẫu của thế giới về cách bảo tồn tự nhiên.
Thoả thuận bước ngoặt
Quần đảo Haida Gwaii là một hệ sinh thái tách biệt gồm các chuỗi đảo, cách đất liền hơn 95km, được bao phủ bởi các cột đá với sườn phía đông là đồi núi và rừng rậm. Vùng nước lạnh giá là một trong những vùng nước sống động nhất trên thế giới. Một số cây ở quần đảo này đã hơn 1.000 năm tuổi và có những khu rừng ẩn khuất gần như chưa có người ghé qua.
Người dân tộc Haida Gwaii trước đây là ngư dân, họ thường thu hoạch cá hồi, tảo bẹ, cá trích và nghêu. Họ buôn bán và khai thác hải sản ở cả những khu vực lân cận, nhờ vậy tích luỹ được lượng của cải đáng kể. Tới đầu thế kỷ 20, chính quyền cấp tỉnh và liên bang Canada đã coi quần đảo Haida Gwaii như thuộc địa và tăng cường khai thác tài nguyên.
Haida Gwaii là một trong những điểm du lịch đáng đến trên thế giới với hệ sinh thái đặc trưng và đa dạng sinh học. Ảnh: Guardian
Sau khi khai thác khoáng sản và cá, ngành công nghiệp của Canada sau đó đã chuyển trọng tâm sang khai thác gỗ với kế hoạch “dọn sạch” hoàn toàn cây cối trên quân đảo vào năm 1996. Trước vấn đề này, người Haida đã phản kháng. Năm 1985, hàng chục người đã tập trung tại Athlii Gwaii (Đảo Lyell) để chặn máy khai thác gỗ hạng nặng.
Chính quyền đã bắt một công dân của đảo là Roberta Olson vì tham gia vào nhóm cản trở hoạt động khai thác gỗ. Hình ảnh những người bản đại Haida Gwaii lớn tuổi bị bắt đã được lan truyền trên thế giới và gây ra một làn sóng phản đối toàn cầu. Trước tình hình đó, chính phủ liên bang Canada đã phải đồng ý thoả thuận với người Haida Gwaii. Kết quả đặc biệt kéo theo nhiều năm đàm phán căng thẳng giữa quốc gia Haida và chính phủ Canada và dẫn đến sự ra đời thoả thuận Gwaii Haanas vào năm 1993.
Thoả thuận Gwaii Haanas đã chính thức hoá việc bảo tồn gần 1.500 km2 đất. Khoảng 17 năm sau, Canada và Haida tiếp tục mở rộng thoả thuận về việc bảo vệ thêm 3.400 km2 đại dương, nâng tổng diện tích được bảo vệ lên khoảng 5.000 km2.
Một trong những thắng lợi của thoả thuận là việc bảo vệ 42 loài có nguy cơ tuyệt chủng, bao gồm cá voi lưng gù, sư tử biển Steller và cá mòi cổ đại. Quần đảo cũng là nơi sinh sống của một số loài sinh vật độc nhất như loài gấu đen lớn nhất thế giới và cú saw-whet. Rái cá biển cũng đang dần quay trở lại khu vực, sau thời gian rời đi hoàn toàn từ nhừng năm 1800. Gần 1,5 triệu con chim biển đang làm tổ tại Haida Gwaii và 5.000 loài sinh vật biển đang sống trong vùng biển quanh quân đảo.
Các cột gỗ tùng tuyết ở Haida Gwaii. Ảnh: Guardian
Nền tảng của thoả thuận
Sau hơn 30 năm, thỏa thuận Gwaii Haanas vẫn đang bảo vệ một trong những nơi duy nhất trên hành tinh coi “đáy đại dương đến đỉnh núi” là một hệ sinh thái duy nhất, liên kết với nhau, như một phần triết lý Haida. Đó được xem là một sự khác biệt đáng chú ý so với cách Canada quản lý quản lý khu vực bảo tồn.
Các giá trị khác được sử dụng làm nền tảng cho các quyết định và chiến lược của Gwaii Haanas bao gồm Yahguudang (tôn trọng đất và nước), ‘Laa guu ga kanhllns (trách nhiệm quản lý các thế hệ tương lai) và Gina k’aadang.nga gii uu tl’ k’anguudang (tìm kiếm lời khuyên khôn ngoan từ những người lớn tuổi).
Brady Yu, quyền giám đốc đơn vị Gwaii Haanas tại Công viên Canada, đồng chủ tịch của Ban quản lý quần đảo Haida Gwaii cho biết, tất cả các quyết định liên quan đến khu vực được bảo vệ (có tên chính thức là Khu bảo tồn Công viên Quốc gia Gwaii Haanas, Khu Bảo tồn Biển Quốc gia và Khu Di sản Haida) đều do hội đồng đưa ra, hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận và có sự phân chia ngang bằng giữa các đại diện từ chính phủ liên bang Canada và người dân Haida.
Một sự đổi mới quan trọng khác của Gwaii Haanas là giúp tiên phong xây dựng khu bảo tồn nơi người dân bản địa không cần xin phép để thu hoạch trên lãnh thổ truyền thống của họ.
Với thành công này, Gwaii Haanas đã nhận được sự chú ý của thế giới, đặc biệt trong nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái bản địa.
Nguồn: monre.gov.vn