Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2024 được Liên hợp quốc tổ chức với chủ đề “Hãy là một phần của Kế hoạch Đa dạng sinh học” (Be part of the Plan).
Tài nguyên đa dạng sinh học được đánh giá là trụ cột để xây dựng nền văn minh nhân loại. Trong đó, các loài cá cung cấp 20% protein động vật cho khoảng 3 tỷ người, thực vật chiếm hơn 80% khẩu phần ăn của con người, tới 80% người dân sống ở khu vực nông thôn ở các nước đang phát triển sử dụng các loại thuốc truyền thống có nguồn gốc từ thực vật để chăm sóc sức khỏe cơ bản…
Sự mất đa dạng sinh học đang gây ảnh hưởng tới nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống con người, bao gồm vấn đề sức khoẻ. Các nhà khoa học đã chứng minh, mất đa dạng sinh học sẽ làm gia tăng các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Do đó, nếu chúng ta giữ nguyên được mức độ đa dạng sinh học, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội ngăn chặn nguy cơ bùng phát các đại dịch như COVID-19.
Dù đa dạng sinh học được công nhận là một vấn đề quan trọng toàn cầu nhưng hiện nay nỗ lực bảo tồn vẫn còn nhiều hạn chế. Để nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học, Liên hợp quốc đã chọn ngày 22/5 hàng năm là Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học.
Cùng tham gia Kế hoạch
Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2024 được Liên hợp quốc tổ chức với chủ đề “Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học” (Be part of the Plan)
Đây là thông điệp và là lời kêu gọi các bên liên quan cùng tham gia, đóng góp vào việc thực hiện Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal (GBF), còn được gọi là Kế hoạch Đa dạng sinh học, hướng tới ngăn chặn, giảm bớt sự suy giảm đa dạng sinh học trong thập kỷ “Phục hồi hệ sinh thái”.
Logo Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 2024. Ảnh: cdb.int
Kế hoạch Đa dạng sinh học mang lại cơ hội hợp tác giữa các chủ thể đa dạng, bao gồm Chính phủ, người dân bản địa và cộng đồng địa phương, các tổ chức phi chính phủ, nhà lập pháp, doanh nghiệp và cá nhân. Trong đó, các bên liên quan được khuyến khích tham gia để chia sẻ những cách thức mà họ phải đối mặt trong nỗ lực thực hiện Kế hoạch Đa dạng sinh học.
Lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm nay sẽ gồm 2 phần:
Đầu tiên, Ban Thư ký Công ước Đa dạng sinh học (CBD) sẽ hỗ trợ triển khai một chiến dịch tiếp cận toàn cầu, trong đó cung cấp các thông điệp định hướng hành động cho Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học. Các tổ chức quốc gia, đối tác, các bên liên quan và thành viên của công chung sẽ được mời tham gia tổ chức các sự kiện trực tiếp và nâng cao nhận thức về kỹ thuật số trên mạng xã hội.
Thứ hai, lễ kỷ niệm sẽ bao gồm các sự kiện vận động và phối hợp các bên để cung cấp thông tin về tiến bộ đạt được trong việc thực hiện Kế hoạch Đa dạng sinh học và ủng hộ hành động nhanh chóng của các bên liên quan khác. Hoạt động này bao gồm việc chuẩn bị các Kế hoạch hành động và Chiến lược đa dạng sinh học quốc gia (NBSAP) được tài trợ đầy đủ và lồng ghép, tạo thành phương tiện chính để thực hiện Kế hoạch đa dạng sinh học ở cấp quốc gia.
Bằng cách kết hợp truyền thông, nâng cao nhận thức và vận động toàn cầu, Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học dự kiến sẽ thúc đẩy cách tiếp cận của toàn chính phủ, toàn xã hội trong việc thực hiện Kế hoạch Đa dạng sinh học.
Hướng tới COP16
Bên cạnh thúc đẩy việc triển khai Khung GBF, thông điệp của Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 2024 còn nhằm nâng cao nhận thức của các bên liên quan về Khung GBF tại Hội nghị các bên tham gia Công ước về Đa dạng sinh học (COP16), dự kiến diễn ra từ ngày 21/10 đến 1/11 tới đây tại Cali, Colombia.
Trước đó, ngày 20/2/2024, Tổng thống Cộng hòa Colombia thông báo rằng Cali sẽ là thành phố đăng cai tổ chức COP16. Phát biểu tại sự kiện công bố, bà Susana Muhamad, người dẫn đầu nỗ lực đăng cai cuộc họp đa phương quan trọng nhất thế giới dành riêng cho đa dạng sinh học tại Colombia, đánh giá COP16 là cơ hội để thảo luận về các cộng đồng sống dựa vào đa dạng sinh học và tìm kiếm nỗ lực sống hoà hợp với thiên nhiên.
Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 2024 mang thông điệp “Hãy là một phần của Kế hoạch Đa dạng sinh học”. Ảnh: UNDP
Theo đó, COP16 dự kiến tập trung vào 3 nội dung chính:
Đầu tiên, hội nghị sẽ thúc đẩy triển khai Kế hoạch Đa dạng sinh học thành hành động cụ thể tại các quốc gia.
Kế hoạch Đa dạng sinh học đã đề ra nhiều mục tham vọng chưa từng có về bảo tồn đa dạng sinh học. Nó hỗ trợ việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững, xây dựng dựa trên các Kế hoạch Chiến lược trước đó của Công ước và vạch ra lộ trình sống hòa hợp với thiên nhiên vào năm 2050.
Tại Cali, các Bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học dự kiến sẽ chia sẻ các giái pháp lồng ghép giữa Kế hoạch hành động và Chiến lược đa dạng sinh học quốc gia (NBSAP) của họ với Kế hoạch đa dạng sinh học. Để đạt hiệu quả cao, NBSAP sẽ phải thể hiện cách tiếp cận của toàn chính phủ và toàn xã hội, như chính Kế hoạch đã thực hiện. Giám sát, báo cáo và đánh giá việc thực hiện sẽ là chìa khóa để thúc đẩy tiến độ triển khai kế hoạch.
Nội dung thứ hai được đề cập là vấn đề huy động nguồn lực và tăng cường các phương tiện thực hiện
Các phương tiện, bao gồm nguồn lực tài chính, xây dựng năng lực, hợp tác khoa học và kỹ thuật, tiếp cận và chuyển giao công nghệ là những phương tiện thiết yếu để thực hiện đầy đủ Kế hoạch Đa dạng sinh học.
Mục tiêu D của Kế hoạch Đa dạng sinh học đã đề cập tới việc đảm bảo các phương tiện thực hiện và giúp tất cả các bên tham gia có thể tiếp cận các nguồn lực này, đặc biệt là các nước đang phát triển, các nước kém phát triển nhất, các Quốc đảo nhỏ đang phát triển (SIDS) và các quốc gia có nền kinh tế đang chuyển đổi.
Trước thềm COP16, các bên hướng tới thu hẹp khoảng cách tài chính trong nỗ lực đa dạng sinh học khoảng 700 tỷ USD/năm và điều chỉnh các dòng tài chính phù hợp với Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal.
Cuối cùng, COP16 hướng tới đẩy nhanh tiến độ tiếp cận và chia sẻ lợi ích
Tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích (ABS) là cốt lõi của Kế hoạch Đa dạng sinh học. Theo đó, tại COP16, các Bên dự kiến sẽ đồng ý vận hành cơ chế đa phương để chia sẻ công bằng và bình đẳng lợi ích, bao gồm cả quỹ toàn cầu. Các cuộc đàm phán chuẩn bị cho việc này sẽ được tổ chức tại Montreal (Canada) vào tháng 8 năm nay.
Trích nguồn monre.gov.vn