CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Hợp tác ASEAN trong lĩnh vực môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu

0

Trong thời gian qua, hợp tác ASEAN trong lĩnh vực môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi nhận nhiều kết quả tích cực.

Bộ đã duy trì việc tham gia các hoạt động trong khuôn khổ các nhóm công tác ASEAN về môi trường, khoáng sản, khoa học công nghệ, vật lý địa cầu…; tham gia đóng góp cho các khuôn khổ hợp tác khác trong nội khối và trong các khuôn khổ giữa ASEAN và các đối tác; thực hiện đầy đủ vai trò của nước thành viên tham gia ASEAN trong việc: chủ động phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để tiếp cận thông tin và đẩy mạnh hợp tác với các Nước đối thoại (Dialogue Partner); tận dụng lợi thế Việt Nam là nước điều phối quan hệ ASEAN – Nhật Bản giai đoạn 2018-2021, ASEAN – Hàn Quốc giai đoạn 2019-2022 để tăng cường hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc thông qua Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước khác về lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Đồng thời, tồng ghép triển khai được nhiều hoạt động liên quan đến việc rà soát hệ thống pháp luật, chính sách, chương trình, chiến lược về bảo tồn và đa dạng sinh học; thực hiện chương trình tăng cường năng lực thực hiện Nghị định thư Nagoya về tiếp cận và chia sẻ lợi ích; triển khai các hoạt động về tăng cường quản lý các loài ngoại lai xâm lấn; tăng cường sự phối hợp liên ngành giữa lĩnh vực đa dạng sinh học và các ngành có liên quan như du lịch, biến đổi khí hậu trong khuôn khổ hợp tác khu vực ASEAN…

Tiến hành lập hồ sơ và đề cử các Vườn quốc gia, khu bảo tồn là Vườn Di sản ASEAN (ASEAN Heritage Park). Việt Nam hiện có 10 Vườn Di sản và là quốc gia có nhiều Khu vườn Di sản ASEAN nhất trong ASEAN. Việc trở thành quốc gia có nhiều Vườn Di sản ASEAN nhất trong khu vực đã thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong thời gian quan, góp phần nâng cao vai trò và uy tín của Việt Nam trong khu vực. Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục xem xét, lựa chọn hồ sơ của các Vườn quốc gia có tiềm năng khác để đề cử ASEAN công nhận.

Triển khai nhiệm vụ trong nước về xây dựng tiêu chí các thành phố bền vững về môi trường của Việt Nam: đất sạch, nước sạch, không khí sạch. Trong những năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình hồ sơ đề xuất nhiều thành phố của Việt Nam nhận Giải thưởng và Chứng nhận thành phố bền vững về môi trường ASEAN.

– Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất các nội dung hợp tác với ASEAN và Đối tác trong lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu nhằm chuẩn bị tổ chức các hoạt động, cụ thể: (i) Đối thoại cấp cao EU – ASEAN về Môi trường và Biến đổi khí hậu; (ii) Đối thoại các-bon ASEAN – Hàn Quốc; (iii) Ủng hộ về mặt nguyên tắc trong ASEAN để bổ sung các đề xuất mới về Dự án PaSTI giai đoạn 2, ASEAN CI-ACA, Đại dương và BĐKH, Hợp tác giữa ASEAN và Vương quốc Anh về BĐKH…

Liên quan đến các lĩnh vực hợp tác liên ngành, bên cạnh khuôn khổ hợp tác ASEAN, hiện nay nhiều cơ chế cũng được hình thành để thúc đẩy đối thoại và điều phối các vấn đề liên ngành như Hội đồng điều phối Cộng đồng ASEAN; Hội nghị trù bị chung; Các Hội nghị điều phối ASEAN…

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (cơ quan đầu mối quốc gia kênh Hợp tác ASEAN về phòng chống thiên tai – ACDM) tiến hành các thủ tục cần thiết trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ thông qua dự thảo Tuyên bố chung ASEAN về tăng cường thích nghi với hạn hán (ASEAN Declaration on Strengthening of Adaptation to Drought). Dự thảo Tuyên bố này do ACDM chủ trì xây dựng, dự kiến sau khi trình cấp Bộ trưởng môi trường ASEAN (AMME) và Bộ trưởng phòng chống thiên tai (AMMDM) thông qua sẽ trình lên Hội nghị cấp cao ASEAN 37.

CTTĐT

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.