Có thể khẳng định với Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt; tích cực tuyên truyền, nhân rộng mô hình “Xử lý chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ làm phân bón vi sinh quy mô hộ gia đình” và sử dụng thùng rác hợp vệ sinh đã và đang đưa huyện đồng bằng ven biển Hoằng Hóa trở thành huyện “xanh”, góp phần cùng xây dựng “Vì một Thanh Hóa xanh”.
Huyện Hoằng hóa có 37 đơn vị hành chính cấp xã, dân số khoảng 236.415 người, diện tích 20.387,24 ha. Trong những năm qua, tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch… đã làm phát sinh nhiều vấn đề về môi trường trong đó có rác thải. Để khắc phục tình trạng này, 37/37 xã, thị trấn đã ký hợp đồng với tổ thu gom, các đơn vị đủ chức năng, điều kiện thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt về khu xử lý rác thải bằng lò đốt xã Hoằng Trường, và các khu xử lý tập trung. Tần suất thu gom rác thải trung bình 2 lần/tuần (khu vực thị trấn tần suất 3 lần/tuần), tỷ lệ thu gom đạt 98%.
Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số vấn đề như: vẫn còn hiện tượng tập kết rác thải tại một số điểm công cộng, gây mất mỹ quan, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường; một số bãi tập kết rác tạm không đảm bảo về mặt kỹ thuật vệ sinh môi trường (không được lót đáy, không có hệ thống thu gom nước rỉ rác, khoảng cách một số bãi đến khu dân cư, trục đường chính thấp: 100-150m…).
Đối với phụ, phế phẩm trong nông nghiệp: Vận động người dân thu gom, xử lý phế phẩm, phụ phẩm; tăng cường sử dụng phân xanh, phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp; tuyên truyền nhân dân thu gom phụ phẩm nông nghiệp sau mùa vụ (khoảng gần 25.000 tấn rơm) để sử dụng vào các mục đích khác như trồng nấm, trồng các rau mầm, cây vụ đông hoặc để bán cho các đơn vị ngoài tỉnh sử dụng vào chăn nuôi bò,…
Ngoài ra, trên địa bàn huyện hiện có 03 làng nghề chủ yếu sản xuất các mặt hàng mây tre đan (Mây tre đan Hoằng Thịnh), đồ gốm (làng nghề gốm Hợp Tiến) và đồ mộc (làng nghề mộc Đại An). Hiện các làng nghề sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường là chủ yếu, tác động từ nguồn thải là không lớn nhưng nếu không thực hiện nghiêm các quy trình hoặc các hệ thống xử lý thì sẽ ảnh hưởng đến môi trường và các hộ dân sống xung quanh.
Bên cạnh đó, huyện còn có khoảng 561 cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ và quy hoạch, xây dựng 03 cụm công nghiệp, với khối lượng nước thải bình quân hàng ngày khoảng 3.450 m3/ngày đêm. Hầu hết các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ và gia công, sản xuất cơ bản nên nước thải chủ yếu là nước thải sinh hoạt của cán bộ, công nhân viên các cơ sở. Để xử lý lượng nước thải này, các cơ sở mới chỉ xây dựng các hệ thống bể biogas nhằm xử lý nước thải trước khi thải vào hệ thống thoát nước của khu vực. Đối với lượng nước thải nhà vệ sinh được người dân thu gom, xử lý tại hệ thống bể biogas sau đó thải ra môi trường.
Trước thực trạng đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng và triển khai đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt; tích cực tuyên truyền, nhân rộng mô hình “xử lý chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ làm phân bón vi sinh quy mô hộ gia đình” và sử dụng thùng rác hợp vệ sinh. Đến tháng 12/2021, toàn huyện có 14.838 thùng đựng rác các loại đạt chuẩn. 6 tháng đầu năm 2022 hỗ trợ thêm các xã Hoằng Thanh, Hoằng Tiến, Hoằng Hải và Hoằng Trường 147 thùng rác để thu gom rác thải khu vực công cộng trong khu du lịch biển Hải Tiến. 100% các xã, thị trấn đã tổ chức thu gom và xử lý chất thải rắn theo quy định (trong đó: Chôn lấp chiếm 55%; Công nghệ cao 45%).
Theo ông Nguyễn Văn Tiệm, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoằng Hóa cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục kịp thời, cụ thể như: Lò đốt rác thải công nghệ BD-ANPHA có công suất xử lý 14 tấn/ngày đêm, đã hoàn thành đầu tư xây dựng và được bàn giao cho Công ty cổ phần đầu tư xây dựng công nghiệp HTH quản lý vận hành. Tuy nhiên, do không thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt khiến cho việc duy tu, bảo dưỡng gặp nhiều khó khăn.
Dự án bãi xử lý rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh thị trấn Bút Sơn và các xã phụ cận hiện đã đầy các ô chôn lấp, không đáp ứng được nhu cầu hiện tại của địa phương và đã dừng hoạt động từ năm 2020; Dự án lò đốt rác tại xã Hoằng Đức của Công ty TNHH Ecotech Thanh Hoá có công suất xử lý 15 tấn/ngày đêm (trong đó 10 tấn công nghiệp thông thường và 05 tấn rác sinh hoạt). Nhưng hiện nay công ty TNHH Ecotech Thanh Hoá chưa đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng để tiếp nhận rác sinh hoạt nên UBND huyện chưa định hướng chuyển lượng rác sinh hoạt phát sinh đến để xử lý theo quy hoạch. Hiện tại, các đơn vị thu gom, vận chuyển chủ động liên hệ với các điểm xử lý khác tại các địa phương xung quanh huyện để xử lý theo quy định.
Nói về nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Tiệm cho biết thêm: Để đưa Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 vào cuộc sống, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện sẽ tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện tăng cường công tác tuyên truyền, coi tuyên truyền giáo dục là giải pháp hàng đầu trong công tác bảo vệ môi trường, để toàn dân và các tổ chức, cá nhân nâng cao ý thức, tinh thần tự giác trong công tác bảo vệ môi trường, từ đó tạo sự đồng thuận trong cộng đồng về chung tay bảo vệ môi trường; Tham gia, hưởng ứng các cuộc thi, tuần lễ, lễ ra quân về bảo vệ môi trường để thông qua đó tuyên truyền đến người dân, du khách về một môi trường xanh – sạch – đẹp;
Đồng thời kiểm tra chặt chẽ việc chấp hành Luật bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân thuê đất sản xuất kinh doanh, trang trại, đặc biệt tại các khu vực có nhiều rác thải và nguy cơ ô nhiễm cao như Lò đốt rác thải tại Hoằng Trường, Hoằng Đức, khu chôn lấp rác thải tại Hoằng Đức và khu vực biển Hải Tiến…kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường. Tiếp tục chỉ đạo các xã mua sắm thùng rác. Mời gọi các nhà đầu tư tham gia xây dựng khu xử lý rác thải bằng công nghệ đốt hoặc công nghệ tiên tiến theo quy hoạch được duyệt.
Nguồn https://baotainguyenmoitruong.vn/