Cụm từ “Chìa khóa vàng” giờ đây đã trở thành một thương hiệu sản phẩm chất lượng cao mang thương hiệu made in Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ an toàn thông tin (ATTT) và công nghệ thông tin (CNTT).
Vì mục tiêu để thương hiệu này luôn tỏa sáng, đạt thành tựu mùa sau cao hơn mùa trước, chiều qua 22/9, tại Hà Nội, Hội đồng bình chọn danh hiệu “Chìa khóa vàng” năm 2020 đã tổ chức phiên họp lần 1.
Đây là sự kiện quan trọng, thường niên (tổ chức từ năm 2015) do Bộ TT&TT, Cục ATTT, Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA) tổ chức. Dưới sự trụ trì của Chủ tịch VNISA Nguyễn Thành Hưng, Hội đồng gồm 21 thành viên, là các nhà quản lý, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực ATTT của Việt Nam đã cùng nhau đóng góp ý kiến, xây dựng các tiêu chí đánh giá, kế hoạch tổ chức, thẩm định hồ sơ và chấm điểm bình chọn các sản phẩm khách quan, công bằng, minh bạch, đạt hiệu quả, chất lượng cao nhất.
Bên cạnh đó, Giải thưởng còn có ý nghĩa nhằm phát hiện, tôn vinh các sản phẩm, dịch vụ ATTT và CNTT nội địa xuất sắc, tiêu biểu, góp phần hỗ trợ hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tăng cường năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường của Việt Nam với thế giới, đồng thời là hoạt động hưởng ứng chương trình Chuyển đổi số quốc gia và chiến lược “Make in Vietnam”.
Dự kiến bình chọn cho 49 sản phẩm, dịch vụ, giải pháp xuất sắc nhất
Phát biểu khai mạc họp hội đồng, Chủ tịch Nguyễn Thành Hưng cho biết, Giải thưởng năm nay, Hội đồng đề xuất bình chọn 05 hạng mục gồm (02 hạng mục sản phẩm, 01 hạng mục dịch vụ, 02 hạng mục giải pháp), trong đó 02 hạng mục sản phẩm gồm: hạng mục sản phẩm ATTT chất lượng cao xuất sắc; sản phẩm ATTT triển vọng suất sắc; 01 hạng mục dịch vụ: ATTT tiêu biểu; 02 giải pháp: CNTT an toàn tiêu biểu cho chuyển đổi số; hóa đơn điện tử an toàn.
Bên cạnh đó, hội đồng cũng thành lập 06 tiểu ban thẩm định và dự kiến bình chọn cho 49 sản phẩm, dịch vụ, giải pháp xuất sắc nhất.
Hội đồng họp cũng thống nhất, tập trung các nhiệm vụ chính, nhất là việc sớm xây dựng hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá, bộ tiêu chí đặc điểm, đồng thời chỉ đạo các cơ quan thường trực hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp (DN) nộp hồ sơ, hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ của mình để việc tiến hành, bình chọn nhanh, thuận lợi. Bên cạnh đó hội đồng làm việc trên nguyên tắc nhất quán công khai, minh bạch, kết luận đưa ra kết quả theo đa số.
“Đối với các trường hợp, nếu là thành viên hội đồng có quyền lợi liên quan tới chủ sở hữu hoặc đại diện đứng tên các sản phẩm, dịch vụ ATTT – CNTT khi đăng ký dự giải sẽ không được tham gia vào quá trình bỏ phiếu bình chọn. Khi có kết quả, hội đồng sẽ đề xuất Cục ATTT ra quyết định công nhận, cấp giấy chứng nhận DN đạt “chìa khóa vàng” đối với sản phẩm, dịch vụ của mình”, Chủ tịch Nguyễn Thành Hưng yêu cầu.
Hội đồng đã xây dựng các tiêu chí cơ bản đánh giá, bình chọn cho 5 hạng mục với các tiêu chí xét sơ tuyển và tiêu chí cơ bản theo các nội dung riêng, phù hợp trên thang điểm tối đa là 100 điểm (thông tin chi tiết, hướng dẫn, bảng mẫu trên website:www.vnisa.org.vn).
Có thể nói, điều đáng mừng của giải thưởng “Chìa khóa vàng” qua các năm tổ chức luôn tăng về số lượng các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp. Theo số liệu của Bộ TT&TT, tăng từ 15 sản phẩm (năm 2017) lên 22 sản phẩm (năm 2018) và dự kiến giải năm nay trao tặng cho 49 sản phẩm xuất sắc.
Để có con số tăng gấp đôi đó phải kể đến vai trò quan trò quan trọng của các cơ quan quản lý, trong đó có Bộ TT&TT, các cơ quan giúp việc thuộc Bộ luôn tạo điều kiện tốt cho các DN, tập đoàn công nghệ bằng các cơ chế, chính sách, giúp các đơn vị toàn tâm, toàn lực đầu tư, nghiên cứu, phát triển ra đời các sản phẩm công nghệ hiệu quả. Đây chính là hạt giống đỏ cần phát huy, là nhân tố cấp cơ sở quan trọng góp phần đảm bảo việc thực hiện cán đích sớm mục tiêu xây dựng Chính phủ số, quốc gia số Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước.
Cần nêu rõ hơn tiêu chí nhóm sản phẩm ATTT và CNTT
Theo bà Ngô Thị Ngọc Hà, Viện phó Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, Trưởng tiểu ban chấm thẩm định các giải pháp Hóa đơn điện tử an toàn, trong tiêu chí về công nghệ và chất lượng sản phẩm có quy định Quy trình quản lý chất lượng và ATTT cho sản phẩm, giải pháp được áp dụng sẽ được tính thang điểm 10. Nếu điều này không quy định rõ, chi tiết sẽ tạo cách hiểu DN chỉ cần nộp hồ sơ và hồ sơ có cập đến việc áp dụng hệ thống về quản lý chất lượng thì sẽ luôn đạt điểm tối đa nêu trên.
“Hiện nay trong hệ thống đánh giá chất lượng thương phẩm có 02 loại: quy chuẩn kỹ thuật của Bộ TT&TT và quy chuẩn chất lượng của Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam. Nếu áp dụng bộ quy chuẩn kỹ thuật của Bộ TT&TT, các sản phẩm phải tuân thủ, bắt buộc áp dụng. Trong khi đó nếu áp dụng quy chuẩn hệ thống tiêu chuẩn quốc gia thường theo cách tự nguyện, cưỡng bức, do đó khi đưa vào tiêu chí đánh giá cần làm rõ, không sẽ trở thành một rào cản, hạn chế, làm khó các DN”, bà Ngô Thị Ngọc Hà cho biết.
Đồng tình với quan điểm đó của bà Hà, Chủ tịch Hưng cũng cho rằng quy chế liên quan đến Quy trình quản lý chất lượng đối với lĩnh vực ATTT cho sản phẩm liên quan đến chuyển đổi số thực ra có nhiều vấn đề cần phải thực hiện. Đối với các sản phẩm công nghệ khi ra đời, đã phản ánh thuộc tính, đặc điểm, tính chất của mình và khi gắn, sử dụng trong hệ thống nào, tự sẽ phải tuân thủ theo quy trình đặt ra trong hệ thống đó. Ví dụ sản phẩm dùng cho hệ thống quốc phòng an ninh, nhất thiết phải đáp ứng chặt chẽ các quy định, quy chuẩn trong hệ thống quân sự, không thể như dân sự. Do đó, một mình một sản phẩm, dịch vụ không giải quyết được toàn bộ các vấn đề an ninh, an toàn của riêng mình, luôn cần quy trình để thực hiện.
Về tiêu chí trong hạng mục giải pháp CNTT an toàn tiêu biểu cho chuyển đổi số, theo ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Trưởng Tiểu ban chấm thẩm định các sản phẩm – giải pháp ứng dụng CNTT, cần thiết bổ sung các nhóm danh mục, nền tảng các sản phẩm hỗ trợ chuyển đổi số và áp dụng những văn bản hướng dẫn mà Cục tin học hóa đã xây dựng, công bố, ban hành các sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số an toàn.
Ông Đặng Vũ Sơn, Phó chủ tịch VNISA, Trưởng tiểu ban chấm, thẩm định các giải pháp hóa đơn điện tử an toàn cho rằng với mỗi nhóm sản phẩm, dịch vụ việc xây dựng tiêu chí là cần thiết. Tuy nhiên, có thể tùy vào từng trường hợp có thể xây dựng trên những tiêu chí kỹ thuật chia nhỏ, mang tính đặc thù riêng để phù hợp với nhóm sản phẩm đó. Ở Việt Nam, tiêu chí kỹ thuật được quy định để đánh giá ưu việt, chặt chẽ, cần coi đó là một tiêu chí khung chuẩn khi đánh giá.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Nguyễn Thành Hưng ghi nhận, tiếp thu những ý kiến đóng góp của các thành viên hội đồng và sớm điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện xây dựng các khung, tiêu chí của từng hạng mục.
Để việc đáng giá bình chọn đúng tiến độ thời gian (cuối tháng 10), đảm bảo khách quan, minh bạch, chất lượng tốt nhất, Chủ tịch VNISA yêu cầu các trưởng các tiểu ban được phân công sớm hoàn thiện cụ thể danh sách phân công các thành viên, thư ký trong tiểu ban của mình, tổng hợp bằng danh sách, gửi văn bản gửi đến Văn phòng VNISA.
Cũng để phát huy, nâng cao hơn nữa hiệu quả làm việc của các tiểu ban, Chủ tịch Nguyễn Thành Hưng yêu cầu các tiểu ban cần đăng ký số lượng các thành viên bộ phận kỹ thuật, đảm bảo đủ nhân lực đáp ứng tốt việc kiểm tra, đánh giá, thực hiện lượng khối lượng lớn công việc.
Chủ tịch Nguyễn Thành Hưng cũng khẳng định VNISA sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, là cầu nối gắn kết cộng đồng DN với các cơ quan quản lý để thực hiện mục tiêu chung đảm bảo ATTT, đặc biệt đáp ứng tốt công cuộc chuyển đổi số, cách mạng số, tất cả vì mục tiêu đưa đất nước phát triển, đi lên ngày một phồn thịnh.
Nguồn ictvietnam.vn