CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Các chính sách lớn trong đề nghị xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật BVMT

0

06 nhóm nội dung chính sách lớn đang được đề nghị xây dựng sửa đổi, bổ sung trong Luật Bảo vệ môi trường bao gồm: Tiêu chí sàng lọc dự án đầu tư; Đánh giá tác động môi trường; Giấy phép môi trường; Quản lý chất thải và công nghệ xử lý chất thải; Quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường; Công cụ kinh tế và nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường

Tiêu chí sàng lọc dự án đầu tư

Mục tiêu: Tăng cường tính chủ động phòng ngừa, giảm thiểu, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường.

Nội dung chính sách: Thể chế hóa chủ trương nêu trong Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường về thiết lập “cơ chế quản lý về bảo vệ môi trường theo từng loại hình và mức độ tác động đến môi trường  đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh”.

Nội dung chính sách bao gồm thiết lập cơ chế sàng lọc dự án đầu tư trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và cơ chế kiểm soát về môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn vận hành dự án dựa trên các tiêu chí về môi trường.

Các tiêu chỉ về môi trường đối với 01 dự án bao gồm: (1) Loại hình hoạt động phát triển (loại hình và đặc tính của chất thải); (2) Môi trường nơi thực hiện dự án (tính nhạy cảm về môi trường là đối tượng bị tác động); (3) Quy mô dự án (quy mô phát sinh chất thải).

Đánh giá tác động môi trường

Mục tiêu: Bảo đảm vị trí, vai trò, phát huy hiệu quả, hiệu lực của công cụ ĐTM trong quản lý môi trường, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật nhằm tăng cường tính chủ động trong việc phòng ngừa, giảm thiểu, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu đến môi trường.

Nội dung của chính sách: Quy định rõ về mục đích, yêu cầu, đối tượng, nội dung, quy trình ĐTM, tham vấn, thẩm định, chấp thuận báo cáo ĐTM theo hướng bảo đảm đúng bản chất, vai trò, cơ sở lý luận và thực tiễn, thông lệ quốc tế theo hướng hội nhập quốc tế và phù hợp với thực tiễn đất nước.

Giấy phép môi trường

Mục tiêu: Tích hợp, lồng ghép, kết hợp các loại giấy phép môi trường, loại bỏ các giấy phép không phù hợp, trùng lặp, không cần thiết theo hướng kết hợp cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các công cụ hành chính trong quản lý nhà nước về BVMT, góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thông thoáng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Nội dung chính sách: Sửa đổi, bổ sung, quy định thống nhất về giấy phép môi trường theo hướng sử dụng hệ thống giấy phép liên thông, tích hợp, thống nhất, giảm số lượng các thủ tục hành chính về môi trường đối với từng dự án đầu tư.

Quản lý chất thải và công nghệ xử lý chất thải

Mục tiêu: Tăng cường việc sử dụng chất thải, khai thác các giá trị của chất thải làm nguyên liệu, hàng hoá, sản phẩm và quản lý chặt chẽ đối với loại chất thải phải xử lý, thải bỏ, chôn lấp đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

Nội dung chính sách: Sửa đổi, bổ sung quy định về phân định, phân loại, phân nhóm chất thải; phương thức, mục đích, yêu cầu về phân loại tại nguồn, thu gom, tập kết, vận chuyển, sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng, xử lý, thải bỏ, chôn lấp chất thải; trách nhiệm quản lý chất thải của chủ phát sinh chất thải; xác định nội dung, phân định trách nhiệm và thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về quản lý chất thải giữa các Bộ, ngành, địa phương có liên quan; thúc đẩy xã hội hóa hoạt động xử lý chất thải, hỗ trợ phát triển công nghệ xử lý chất thải; thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn.

Quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường

Mục tiêu: Thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường (phát thải và công nghệ) tương đương với nhóm các tiên tiến trên thế giới, trước mắt là nhóm các nước dẫn đầu trong khối ASEAN để phù hợp với bối cảnh nền kinh tế có độ mở cao, trao đổi đầu tư, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các nước ngày càng lớn.

Nội dung chính sách: Hoàn thiện các quy định về hệ thống quy chuẩn kỹ thuật chung, quy chuẩn chuyên ngành về môi trường; các tiêu chuẩn môi trường phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam.

Công cụ kinh tế và nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường

Mục tiêu: Đẩy mạnh áp dụng các công cụ kinh tế, cơ chế tài chính, kết hợp với các công cụ hành chính và thanh tra, kiểm tra để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về BVMT phù hợp với cơ chế thị trường; tăng cường nguồn lực tài chính cho hoạt động BVMT.

Nội dung chính sách: Sửa đổi các quy định về các công cụ kinh tế, cơ chế tài chính hiện hành để nâng cao hiệu quả, tính khả thi trong quá trình thực hiện. Bổ sung một số công cụ kinh tế, cơ chế tài chính mới dựa trên cơ sở thể chế hóa nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, người hưởng lợi từ giá trị môi trường phải trả chi phí đã được áp dụng thành công ở các nước trên thế giới, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tăng cường nguồn lực tài chính cho hoạt động BVMT.

Theo Monre.gov.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.