CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Bộ TT&TT ra mắt Cổng PayGov hỗ trợ người dân thanh toán dịch vụ công

0

Việc Bộ TT&TT sớm đưa vào vận hành Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia PayGov giúp cho người dân, doanh nghiệp thanh toán dễ dàng, thuận tiện khi sử dụng dịch vụ công. Hiện Cổng PayGov đã hợp tác, kết nối với 9 trung gian thanh toán.

Giải pháp gỡ nút thắt trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 4

Ngày 24/7, Bộ TT&TT tổ chức lễ ra mắt Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia PayGov, có kết nối truyền hình trực tuyến với 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết, tại Hội nghị trực tuyến của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương ngày 12/2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ TT&TT chủ trì xây dựng và triển khai Hệ thống hỗ trợ thanh toán dịch vụ công trực tuyến toàn quốc ngay trong năm 2020. Đây là một trong các giải pháp chủ yếu nhằm tháo gỡ nút thắt trong việc thúc đẩy triển khai và sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

“Việc Bộ TT&TT phát triển, sớm đưa vào sử dụng Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia PayGov, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương thực hiện kết nối, sử dụng PayGov sẽ là một trong các giải pháp chủ yếu để hoàn thành chỉ tiêu về dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020”, Thứ trưởng cho hay.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh, hệ thống PayGov sẽ không làm chức năng thanh toán mà thực hiện chức năng tạo lập nền tảng hỗ trợ cho các Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử kết nối với các hệ thống thanh toán trung gian; từ đó tạo thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp tra cứu, tìm kiếm, thực hiện thanh toán, mọi lúc, mọi nơi, mọi kênh. Đồng thời, hệ thống giúp các cơ quan cung cấp dịch vụ công có thể kết nối với mọi hệ thống thanh toán trung gian, thực hiện tra soát, đối soát và quyết toán thống nhất trên toàn quốc.

Bộ TT&TT ra mắt Cổng PayGov hỗ trợ người dân thanh toán dịch vụ công
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng và các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia PayGov.

Theo Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), hệ thống PayGov được thiết kế để giải quyết 3 vấn đề chính, trong đó có việc kết nối. Cổng dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành địa phương chỉ cần kết nối với Cổng PayGov với một giao điện thống nhất là có thể sử dụng các tiện ích của tất cả trung gian thanh toán. Các trung gian thanh toán cũng chỉ cần kết nối đến Cổng PayGov là có thể tiếp cận, cung cấp dịch vụ cho tất cả bộ, ngành, địa phương.

Cổng PayGov còn cung cấp công cụ hỗ trợ giải quyết vấn đề tra soát, đối soát, quyết toán giữa các bên liên quan; đặc biệt là hỗ trợ đối soát, quyết toán một cách tự động với kho bạc. Không chỉ đáp ứng nhu cầu thanh toán cho dịch vụ công trực tuyến, cổng này còn có thể mở rộng đáp ứng nhu cầu thanh toán trực tuyến của người dân đối với dịch vụ, tiện ích khác như y tế, giáo dục, điện, nước…  

Cổng PayGov sẽ giúp hiện thực hóa mục tiêu đặt ra trong “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”: đến năm 2025, tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%; đến năm 2030 tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%.

Tạo lập nền tảng để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam

Tại lễ ra mắt, Cục Tin học hóa cùng 9 trung gian thanh toán gồm NAPAS, Viettel Digital, VNPay, M_Service, Viet Union, VTC, Ngân Lượng, ViMass, FPT Telecom đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về việc triển khai Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia PayGov.

Đây là những đơn vị đã triển khai hợp tác và kết nối với Cổng PayGov. Thời gian tới, Cổng PayGov sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi, hướng đến kết nối với tất cả các trung gian thanh toán tại Việt Nam.

Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa Đỗ Công Anh và đại diện 9 trung gian thanh toán ký thỏa thuận hợp tác chiến lược triển khai Cổng PayGov.

Đến nay, Cổng PayGov đã hoàn thành kết nối thử nghiệm với Cổng dịch vụ công của Bộ TT&TT, Bộ VHTT&DL, UBND tỉnh Quảng Ninh và sẵn sàng đưa vào sử dụng chính thức; đang thực hiện kết nối thử nghiệm với cổng dịch vụ công các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, Long An, Thừa Thiên Huế, Hà Giang, Hà Nội…

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhận định, việc ra mắt, đưa vào sử dụng hệ thống mới là sự bắt đầu của quá trình thúc đẩy thanh toán điện tử cho dịch vụ công.

Để hệ thống PayGov sớm mang nhiều tiện lợi, nâng cao chất lượng dịch vụ công, hướng đến hiện thực hóa nguyên tắc “Lấy người dùng làm trung tâm”, Thứ trưởng đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung triển khai một số việc.

Cụ thể, các đơn vị chuyên trách về CNTT, các bộ, ngành, Sở TT&TT được đề nghị khẩn trương kết nối Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của bộ, địa phương với hệ thống PayGov bảo đảm đa dạng hóa kênh thanh toán và sự tiện lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Thông qua đó, các bộ, địa phương sẽ hoàn thành chỉ tiêu về tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020.

“Các trung gian thanh toán cần phối hợp chặt chẽ với Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT triển khai hiệu quả thỏa thuận hợp tác đã ký hôm nay, nhằm cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thanh toán trực tuyến chất lượng cao cho dịch vụ công tại Việt Nam”, Thứ trưởng đề nghị.

Thứ trưởng cũng lưu ý Cục Tin học hóa, việc xây dựng, phát triển và vận hành hệ thống PayGov ổn định, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ thanh toán trực tuyến dịch vụ công tại Việt Nam không đơn thuần là trách nhiệm của Cục mà là sứ mệnh, là giá trị Cục cần tạo ra trong tiến trình phát triển Chính phủ điện tử.

Hệ thống PayGov cần được phát triển để đáp ứng những nhu cầu về hỗ trợ thanh toán trực tuyến trong Chính phủ số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam, qua đó thực hiện vai trò của Bộ TT&TT trong tạo lập nền tảng để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn cho hệ thống PayGov, Thứ trưởng yêu cầu Cục Tin học hóa đánh giá cấp độ an toàn thông tin cho PayGov để có phương án bảo vệ, làm sao để hệ thống hoạt động thông suốt.

Ngoài các công việc liên quan đến nền tảng kỹ thuật, theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, Cục Tin học hóa cần nghiên cứu hoặc phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan thuộc Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định, chính sách về phí, giá sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến.

Theo ICTNews

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.