Mục tiêu của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử là hết năm 2020, 100% Bộ, ngành, địa phương phải có nền tảng này kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Cuối tháng 7 vừa qua, Liên Hợp Quốc công bố Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử của 193 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu, ghi nhận kết quả trong giai đoạn từ tháng 8/2017 đến tháng 7/2020.
Theo đó, Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng 86/193 quốc gia, 24/47 châu Á và 6/11 Đông Nam Á. Chỉ số tổng hợp của Việt Nam là 0,6667, cao hơn chỉ số trung bình thế giới và khu vực, thuộc nhóm quốc gia ở mức Cao.
Chỉ số phát triển chính phủ điện tử 07/2020
Trong các chỉ số thành phần, Việt Nam có cải thiện vượt bậc ở Chỉ số Hạ tầng viễn thông (tăng 31 bậc), cải thiện ở Chỉ số Nhân lực (tăng 3 bậc) và tụt hạng đáng kể ở Chỉ số Dịch vụ trực tuyến (giảm 22 bậc).
Tình hình ứng dụng công nghệ thông tin và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu
Về xếp hạng chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng Công nghệ thông tin của Bộ, cơ quan ngang Bộ năm 2019, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Bộ Thông tin và Truyền thông là ba đơn vị dẫn đầu với chỉ số trên dưới 0,9, xếp cuối cùng là Bộ Nội vụ và Bộ Xây dựng. Trong khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên Huế dẫn đầu và là tỉnh duy nhất có chỉ số vượt 0,9, đứng cuối lần lượt là Bạc Liệu, Kon Tum và Cao Bằng.
Một trong những thành phần quan trọng của xây dựng, phát triển chính phủ điện tử là Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu LGSP, mục tiêu của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử là hết năm 2020, 100% Bộ, ngành, địa phương phải có nền tảng này và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Tính đến hết tháng 07/2020 đã có gần 83% đơn vị Bộ, ngành, địa phương hoàn tất triển khai nền tảng này, gấp hơn 3 lần so với năm 2019.
Về hệ thống trao đổi văn bản điện tử, mục tiêu là 90% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật) dưới dạng điện tử. Đến nay tỷ lệ này đã là 88,53%.
Về dịch vụ công trực tuyến, hiện đã có Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn tất 100% dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4. Có 9 bộ và 11 tỉnh, thành phố đạt chỉ tiêu 30% dịch vụ công mức độ 4. Mục tiêu đến hết năm 2020, tỷ lệ này trên cả nước sẽ đạt bình quân 50%.
Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam
7 điểm khác biệt của Chính phủ số với Chính phủ điện tử
Năm 2020 là lần đầu tiên thuật ngữ Chính phủ số được Liên Hợp Quốc sử dụng làm chủ đề của Báo cáo. Chính phủ số không phải là một khái niệm thay thế Chính phủ điện tử, cũng không phải là một khái niệm tách rời không liên quan đến Chính phủ điện tử. Chính phủ số bao hàm Chính phủ điện tử, nhưng thể hiện một sự thay đổi về mặt nhận thức, một mức độ trưởng thành lớn hơn, phát triển cao hơn so với Chính phủ điện tử.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ ra 7 điểm khác biệt giữa Chính phủ điện tử và Chính phủ số bao gồm: Chính phủ như một nền tảng; Tích hợp đa kênh trực tuyến và trực tiếp trong cung cấp dịch vụ; Khả năng linh hoạt; nhanh chóng cung cấp dịch vụ mới; Cho phép sự tham gia nhiều hơn của người dân, doanh nghiệp; Dữ liệu là trung tâm; Phát triển kỹ năng số và Ứng dụng các công nghệ mới.
Chiều 26/8, Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử sẽ họp phiên thường kỳ và sẽ thảo luận nhiều vấn đề xoay quanh việc phát triển Chính phủ điện tử, bàn về hướng giải quyết các vấn đề như Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Triển khai dạy và học trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19; Phát triển các nền tảng cốt lõi cho Chính phủ số và chuyển đổi số quốc gia… |
Theo mic.gov.vn