CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Xử lý dứt điểm các điểm nóng môi trường: Nhiều đơn vị hoàn thành các yêu cầu bảo vệ môi trường

0

(TN&MT) – Thời gian qua, cùng với việc phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương thực hiện kiểm tra, khắc phục, xử lý kịp thời các điểm nóng về môi trường, Tổng cục Môi trường đã tập trung giám sát các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường cao. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT) tại các cơ sở.

Đẩy mạnh giám sát để hạn chế ô nhiễm, sự cố

Thực hiện nhiệm vụ Bộ TN&MT giao, từ năm 2017 đến nay, Tổng cục Môi trường triển khai thường xuyên nhiệm vụ giám sát đặc biệt đối với các cơ sở, dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS); Các dự án, Khu công nghiệp (KCN) thuộc Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn tỉnh Thanh HóaCông ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo; các cơ sở, chủ đầu tư hạ tầng KCN Tằng Loỏng; Làng nghề (LN) Phong Khê và Cụm công nghiệp (CCN) giấy Phong Khê; Nhà máy giấy Lee&Man; Trung tâm Điện lực Vĩnh TânTrung tâm Điện lực Duyên Hải, Trung tâm Điện lực Sông Hậu và Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên…

Đối với các dự án, KCN thuộc KKT Nghi Sơn tỉnh Thanh Hóa: Tổ giám sát tập trung giám sát thường xuyên công tác BVMT đối với Công ty lọc hoá dầu Nghi Sơn về vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải phục vụ vận hành; đôn đốc tiến độ thực hiện đầu tư, xây dựng các hạng mục cải thiện, bổ sung theo yêu cầu của Bộ TN&MT. Trong năm 2019, theo đề nghị của tỉnh Thanh Hoá, Tổ giám sát đã triển khai giám sát về BVMT với 3 cơ sở có phản ánh vi phạm môi trường thuộc KKT Nghi Sơn, qua đó đã yêu cầu 2 cơ sở khắc phục các tồn tại và tiếp tục thực hiện giám sát thường xuyên với 1 cơ sở có nhiều vi phạm về BVMT.

t8.jpg

Tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Theo ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, qua mỗi đợt giám sát, Tổ Giám sát đã kịp thời làm rõ, hướng dẫn các doanh nghiệp phương hướng giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong công tác BVMT của các cơ sở tại các đợt giám sát trước, tạo chuyển biến tích cực trong công tác BVMT tại các cơ sở.

Đến nay Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã khắc phục xong các hành vi vi phạm hành chính về BVMT; đồng thời đã hoàn thành các hạng mục cải thiện, bổ sung công trình BVMT theo kế hoạch đã được Bộ TN&MT phê duyệt. Trong tháng 4/2022, Tổng cục Môi trường đã xây dựng và hoàn thiện báo cáo Bộ và Thủ tướng Chính phủ kết quả giám sát quá trình khắc phục hậu quả vi phạm và thực hiện các cam kết về BVMT của Công ty.

Nhà máy giấy Lee&Man từ đầu năm 2017 là một dự án rất nóng về môi trường gây sự chú ý lớn của dư luận cả nước, nhưng với sự giám sát chặt chẽ của Tổng cục Môi trường, cơ sở này đã khắc phục nhanh và chuyển biến tốt trong công tác kiểm soát chất thải, từ năm 2019 đến nay đã không còn có ý kiến phản ánh của người dân về ô nhiễm môi trường.

Các trung tâm điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải từ khi đi vào vận hành, người dân đã thường xuyên phản ánh tình trạng ô nhiễm bụi, bụi than. Qua giám sát, Tổng cục đã yêu cầu các nhà máy thực hiện nhiều giải pháp thiết thực BVMT theo quy định, vì vậy, đến hết năm 2020, đã cơ bản khắc phục tình trạng nêu trên, được Đoàn Giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá cao.

Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo cũng đã cơ bản hoàn thành các yêu cầu như nâng cấp, cải tạo trạm xử lý nước thải; lót chống thấm các hồ PSRP, ROM-SP; lắp đặt các trạm quan trắc nước thải, không khí xung quanh tự động, liên tục; hoàn thành các yêu cầu, thủ tục, hồ sơ về tài nguyên nước, cải tạo phục hồi môi trường.

85% cơ sở hoàn thành xử lý triệt để

Bên cạnh việc giám sát các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố ô nhiễm môi trường cao, Tổng cục Môi trường còn tập trung quản lý có hiệu quả các khu vực tập trung nhiều nguồn thải như CCN, LN, lưu vực sông (LVS). Đến nay, 91% các KCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung; thu gom, xử lý 96,28% chất thải rắn khu vực đô thị, 90% chất thải nguy hại; tỷ lệ chất thải được tái chế liên tục tăng; 60 điểm ô nhiễm tồn lưu do hóa chất bảo vệ thực vật được xử lý hoàn toàn; hơn 400 khu vực môi trường bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu được phát hiện mới và kiểm soát chặt chẽ; 262 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, 53 bãi rác, 21 kho thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý; hiện trạng tồn lưu dioxin tại các vùng đất bị ảnh hưởng nặng nề cơ bản đều đã về ngưỡng an toàn.

Hiện nay, trong số 435 cơ sở có tên tại Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã có 370 cơ sở cơ bản đã hoàn thành xử lý triệt để, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chiếm tỷ lệ 85% (trong đó có 111 cơ sở sản xuất kinh doanh, KCN, CCN, 164 bệnh viện, 77 bãi rác, 16 cơ sở giáo dục, lao động và xã hội, 2 cơ sở khác). Hiện nay, cả nước còn 65 cơ sở chưa hoàn thành (hoặc đang thực hiện) các biện pháp xử lý triệt để. Trong đó có 5 cơ sở sản xuất kinh doanh, 1 KCN, 6 chợ, 3 lò giết mổ gia súc, 6 bệnh viện, 39 bãi rác, 5 cơ sở giáo dục, lao động và xã hội. 35/50 địa phương hoàn thành trên 70% việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg (trong đó có 24/50 địa phương hoàn thành kế hoạch 100%, chiếm tỷ lệ 48%). (Nguồn: Cổng TTĐT của Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Kết quả đạt được cho thấy ngành tài nguyên môi trường đã nỗ lực xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, góp phần nâng cao ý thức BVMT. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn, hoàn thành trước ngày 31/12/2022 mà Phó Thủ tướng đã đề ra, yêu cầu cần phải có sự vào cuộc, thống nhất, đồng bộ, quyết liệt hơn nữa của các cơ quan ban ngành, cần có những chính sách thu hút nguồn vốn xã hội hoá, bố trí nguồn lực, kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương.

Nguồn https://baotainguyenmoitruong.vn/

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.