CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Xây dựng Trung tâm dữ liệu liên ngành vùng đồng bằng sông Cửu Long với nền tảng hiện đại tích hợp và chia sẻ thông tin

0

“Cần xây dựng phần mềm và CSDL dùng chung với nền tảng hiện đại để tích hợp, chia sẻ dữ liệu liên ngành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hướng tới đưa ĐBSCL thành Đồng bằng thông minh (Smart Delta) với nền tảng là công nghệ thông tin”. Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Lê Công Thành tại cuộc họp “Chuẩn bị dữ liệu khí tượng thủy văn, tài nguyên nước, viễn thám tích hợp vào Trung tâm dữ liệu liên ngành vùng ĐBSCL” ngày 13/9.

Thứ trưởng Lê Công Thành chủ trì cuộc họp

Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Đức Phú cho biết, thực hiện Tiểu dự án 4 “Đầu tư xây dựng Trung tâm dữ liệu vùng ĐBSCL tích hợp dữ liệu tài nguyên và môi trường của khu vực phục vụ phân tích, đánh giá và hỗ trợ ra quyết định về phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu” thuộc Hợp phần 1 Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long”, nhóm tư vấn được tuyển chọn đã phối hợp cùng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường khảo sát tại 17 đơn vị thuộc các Bộ, ngành, 12 đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Hà Nội và các cơ quan có liên quan tại ĐBSCL.

Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Đức Phú báo cáo tại cuộc họp

Qua khảo sát cho thấy, phần lớn CSDL được quản lý tại các cơ quan Trung ương được tập hợp từ địa phương; đa số các cơ quan này đều đang tiến hành xây dựng CSDL Quốc gia chuyên ngành. Đây là đầu mối tốt để cung cấp dữ liệu tập trung cho Trung tâm tích hợp dữ liệu.

Tại các địa phương, là nơi trực tiếp quản lý, xây dựng dữ liệu tại địa phương nên các thông tin thu được sát với hiện trạng khảo sát, tuy nhiên cách quản lý số liệu chưa đồng nhất, có địa phương đã có quản lý tự động, nhiều nơi quản lý thủ công hoặc bán thủ công. Đâycũng sẽ là thách thức cho việc kết nối dữ liệu với Trung tâm tích hợp dữ liệu sau này, do vậy cần xây dựng danh mục dùng chung; cũng như các cơ chế pháp lý cần thiết của việc chia sẻ dữ liệu đa ngành.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường Nguyễn Bảo Trung cho biết, Trung tâm dữ liệu liên ngành vùng sẽ được xây dựng hiện đại để tạo lập môi trường dùng chung, kết nối các dữ liệu hiện có ở các Bộ, ngành, địa phương, tích hợp và chia sẻ thông tin, do vậy rất cần sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, đơn vị và cần xây dựng khung pháp lý cấp Chính phủ để yêu cầu các Bộ, ngành cùng phối hợp, tham gia xây dựng, chia sẻ CSDL phục vụ Trung tâm dữ liệu liên vùng.

Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường Nguyễn Bảo Trung phát biểu tại cuộc họp

Về sự cần thiết tích hợp CSDL, đại diện các đơn vị tham gia cuộc họp đều cho rằng việc tham gia vào CSDL tích hợp là điều cần thiết và quan trọng. Các dữ liệu chuyên ngành do các đơn vị quản lý hiện đã sẵn sàng chia sẻ và tích hợp vào Trung tâm dữ liệu vùng phải kể đến như: dữ liệu mạng quan trắc nước dưới đất ĐBSCL của Cục Quản lý tài nguyên nước; dữ liệu tài nguyên nước trong 10 năm gần đây của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia; dữ liệu về kịch bản biến đổi khí hậu (một số yếu tố mưa, nhiệt độ và bản đồ nguy cơ ngập), bộ chuẩn khí hậu, đánh giá khí hậu, kịch bản biến đổi khí hậu, thông tin, dữ liệu về phát thải khí nhà kính của Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu; dữ liệu về tác động của thiên tai, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu và dữ liệu từ 306 Trạm tự động của Tổng cục Khí tượng thủy văn; dữ liệu viễn thám 4 thời kỳ của Cục Viễn thám quốc gia….

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, hiện nay ở Việt Nam chưa có trung tâm tích dữ liệu đa ngành nào được xây dựng, nên sẽ là một thách thức lớn cho việc xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu liên ngành vùng ĐBSCL và cần sự vào cuộc tích cực của các đơn vị. Thứ trưởng đề nghị Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường trình Bộ chủ trương chung về chuẩn hóa dữ liệu và trách nhiệm các đơn vị trong việc kết nối dữ liệu; rà soát lại các công việc cần làm để kết nối dữ liệu từ các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ; rà soát, tổng hợp hiện trạng và nhu cầu xây dựng CSDL tại các đơn vị, đặc biệt là các dữ liệu dự kiến sẽ tích hợp với dữ liệu liên vùng ĐBSCL. Đồng thời, tham mưu đề xuất xây dựng và ban hành quy định về chuẩn dữ liệu số; phân loại dữ liệu có phí và dữ liệu miễn phí; nghiên cứu, đề xuất tạo giá trị gia tăng đối với các dữ liệu; tạo lập môi trường chia sẻ và xã hội hóa,…

“Cần xây dựng phần mềm và CSDL dùng chung với nền tảng hiện đại để tích hợp, chia sẻ dữ liệu liên ngành vùng đồng bằng sông Cửu Long, hướng tới đưa ĐBSCL thành Đồng bằng thông minh (Smart Delta) với nền tảng là công nghệ thông tin”. Thứ trưởng nhấn mạnh.

Toàn cảnh buổi làm việc

Theo monre.gov.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.