Theo báo cáo tại cuộc họp, kế hoạch được Tổng cục Môi trường chủ trì xây dựng nhằm triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tiếp nhận và triển khai thực hiện phương án thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn theo Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2019, đảm bảo sự quản lý thống nhất, xuyên suốt từ trung ương đến địa phương về quản lý chất thải rắn; đồng thời, nhanh chóng tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý chất thải rắn, đặc biệt là đối với chất thải rắn sinh hoạt, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018.
Kế hoạch đề xuất 05 nhóm nhiệm vụ chính, gồm: Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn và đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung; rà soát, đánh giá thực trạng hiện nay và đề xuất giải pháp tăng cường công tác quản lý chất thải rắn; tổ chức Đoàn công tác đi học tập, nghiên cứu chính sách và quy định về quản lý chất thải rắn; tổ chức Hội thảo toàn quốc về chất thải rắn; xây dựng Đề án thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 9 năm 2019.
Trao đổi ý kiến nhằm hoàn thiện Kế hoạch, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ Bộ TN&MT Nguyễn Duy Hùng đề nghị: Cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác quản lý chất thải rắn; tổ chức các cuộc họp và lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan về nội dung báo cáo rà soát và các đề xuất sửa đổi, bổ sung.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh cho rằng: Cần rà soát chức năng, nhiệm vụ liên quan đến công tác quản lý chất thải của các Bộ, ngành và đề xuất sửa đổi nếu cần thiết; rà soát các quy định của các Luật hiện hành liên quan đến các nguồn lực quản lý chất thải và đề xuất sửa đổi nếu cần thiết.
Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài đề nghị phải xác định rõ hơn các nhiệm vụ, công việc quản lý chất thải giao cho cấp Trung ương và cấp địa phương.
Ông Hồ Kiên Trung, Chánh Văn phòng Tổng cục Môi trường đề nghị rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành đối với chất thải và đề xuất sửa đổi, bổ sung; bổ sung thêm nhiệm vụ đánh giá thực trạng công tác quản lý chất thải hiện hành từ trung ương đến địa phương, từ đó, điều chỉnh, bổ sung nhằm nâng cao chất lượng thực hiện công tác.
Một số ý kiến khác của các đại biểu cho rằng cần rà soát, giảm số lượng các nhóm nhiệm vụ; xác định rõ các nhiệm vụ cần thực hiện; phân công, giao trách nhiệm rõ ràng cho các đơn vị thực hiện.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân thống nhất với 05 nhóm nhiệm vụ chính của Kế hoạch đã đề ra. Thứ trưởng đề nghị cần tổ chức tổng hợp, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác quản lý chất thải rắn; phân tích hiện trạng và đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm thực hiện phương án thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn. Sau đó, tổ chức các cuộc họp và lấy ý kiến các Bộ Tư pháp và các Bộ ngành liên quan về nội dung báo cáo rà soát và các đề xuất sửa đổi, bổ sung.
Bên cạnh đó, cần yêu cầu các địa phương trên toàn quốc báo cáo về công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn để bước đầu nắm bắt thông tin tổng quát; tổ chức làm việc với các địa phương về công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn; rà soát, đánh giá hiện trạng các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương.
Tổng cục Môi trường tổ chức các đoàn công tác làm việc với các địa phương để rà soát, đánh giá công tác quản lý nhà nước của các địa phương, bao gồm: công tác lập quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch; năng lực thu gom, vận chuyển và xử lý của địa phương so với lượng chất thải phát sinh; tổ chức bộ máy, phân công trách nhiệm giữa các cơ quan chuyên môn về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; việc xây dựng và ban hành các quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; đơn giá thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, kinh phí phân bổ hàng năm; công tác thanh tra, kiểm tra…
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chỉ đạo Tổng cục Môi trường phối hợp với Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Hợp tác quốc tế và các chuyên gia quốc tế (Nhật Bản, Hàn Quốc) tiến hành rà soát, đánh giá các cơ sở xử lý chất thải tại các địa phương. “Các địa phương và các cơ sở xử lý chất thải sẽ được lựa chọn để rà soát, đánh giá căn cứ vào các tiêu chí như các địa phương lớn (các đô thị loại đặc biệt) đang quản lý tốt vấn đề chất thải, các địa phương lớn nhưng hiện đang tồn tại bất cập trong quản lý; các tỉnh nhỏ hiện đang quản lý tốt, các tỉnh nhỏ đang khó khăn trong công tác quản lý. Việc lựa chọn cũng sẽ căn cứ vào đặc điểm của các vùng miền, các địa phương có các cơ sở xử lý chất thải là điểm nóng về môi trường trong thời gian qua; có các khu liên hợp xử lý chất thải (sử dụng nhiều công nghệ, phương pháp xử lý khác nhau tại cùng khu xử lý); các cơ sở thiêu đốt có kiểm soát khí thải và các cơ sở thiêu đốt không thiêu đốt không có biện pháp khí thải; các bãi chôn lấp hợp vệ sinh và chôn lấp không hợp vệ sinh; các địa phương có các cơ sở xử lý áp dụng các công nghệ, phương pháp xử lý khác như sản xuất phân vi sinh, thiêu đốt thu hồi năng lượng…”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nói.
Ngoài ra, cần tổ chức Hội thảo về công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn. Nội dung hội thảo sẽ tập trung vào các dự thảo báo cáo rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm thực hiện phương án thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn. “Căn cứ vào các báo cáo của các địa phương về công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn và kết quả điều tra khảo sát, hội thảo cũng sẽ trao đổi, thảo luận về các đơn giá thu gom, vận chuyển và xử lý, cơ chế tài chính tại các địa phương, các tồn tại, bất cập trong công tác quản lý. Cùng với các ý kiến góp ý bằng văn bản của các Bộ, ngành liên quan, nội dung trao đổi, thảo luận tại các Hội thảo sẽ được sử dụng làm cơ sở để hoàn thiện báo cáo tổng hợp rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn.”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.
Đồng thời, tổ chức hội thảo về mô hình quản lý và công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Sau khi có báo cáo của các địa phương và kết quả điều tra, khảo sát, Hội thảo về mô hình quản lý và công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt do Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì sẽ được tổ chức với sự tham gia của các nhà quản lý, các nhà khoa học, các nhà đầu tư, các chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện các Bộ, ngành có liên quan và đại diện các địa phương trên toàn quốc. Nội dung hội thảo sẽ trao đổi, thảo luận về các mô hình quản lý chất thải rắn và danh mục các công nghệ xử lý chất thải rắn hiện nay; các ưu điểm, nhược điểm của các mô hình quản lý, công nghệ xử lý với mục tiêu đưa ra danh mục về mô hình quản lý và danh mục công nghệ khuyến khích áp dụng; các mô hình và công nghệ không khuyến khích áp dụng.
Bên cạnh đó, tổ chức đoàn công tác đi học tập, nghiên cứu chính sách và quy định về quản lý chất thải rắn tại Hàn Quốc; tổ chức Hội thảo toàn quốc về chất thải rắn; xây dựng Đề án thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 9 năm 2019.
Hội nghị toàn quốc về chất thải rắn dự kiến đề nghị Thủ tướng Chính phủ chủ trì tổ chức vào tháng 7 năm 2019 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Nội dung của Hội nghị sẽ được xây dựng căn cứ trên kết quả của hoạt động rà soát, đề xuất sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật; kết quả rà soát, đánh giá thực trạng quản lý chất thải của các địa phương hiện nay (bao gồm hiện trạng giảm thiểu, phát sinh; các mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý; quy hoạch xử lý chất thải rắn; rà soát các quy định về định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn; các cơ chế tài chính hiện nay đang áp dụng tại các địa phương); các mô hình quản lý, công nghệ và danh mục công nghệ xử lý chất thải rắn ưu tiên áp dụng tại Việt Nam; kinh nghiệm của Hàn Quốc trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Căn cứ vào kết quả của các nhiệm vụ nêu trên và kết quả của Hội nghị toàn quốc, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng Đề án thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.