CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Vườn quốc gia Vũ Quang, Hà Tĩnh đạt danh hiệu Vườn di sản ASEAN

0

Ngày 21 tháng 11 năm 2020, Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã phối hợp với Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường và Trung tâm truyền thông Tài nguyên và Môi trường tổ chức Lễ công bố danh hiệu Vườn di sản ASEAN (AHP) của Vườn quốc gia Vũ Quang.

AHP là danh hiệu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) triển khai từ năm 2003 với mục đích bảo tồn toàn diện các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, mang tính độc đáo của khu vực ASEAN. Việc công nhận danh hiệu AHP góp phần quan trọng đối với công tác bảo tồn các hệ sinh thái không chỉ có đa dạng sinh học cao mà còn có giá trị văn hóa, lịch sử đối với từng quốc gia và cả khu vực, đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức bảo tồn đa dạng sinh học của người dân các nước ASEAN.

Tại Hội nghị các Vườn Di sản ASEAN lần 6 diễn ra tại thành phố Pakse, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào từ ngày 21 đến 24 tháng 10 năm 2019, Vườn quốc gia Vũ Quang cùng 3 đại diện khác của Việt Nam là Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng), Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát (Tây Ninh) và Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (Kon Tum) được trao danh hiệu AHP, nâng tổng số khu AHP tại Việt Nam lên con số 10 trong tổng số 49 AHP của khu vực ASEAN.

Việt Nam là quốc gia có nhiều khu AHP nhất trong ASEAN (chiếm 1/5 số AHP trong khu vực). Sự kiện này đã thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần nâng cao vai trò và uy tín của Việt Nam trong khu vực, đồng thời là 1 trong 10 sự kiện nổi bật của ngành Tài nguyên và Môi trường năm 2019. Với sự kiện này, Việt Nam cũng đã hoàn thành mục tiêu của Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 về việc để cử danh hiệu AHP.

Vườn Quốc gia Vũ Quang nằm trong một vùng sinh thái quan trọng, có mức độ ưu tiên cao trong việc bảo tồn đa dạng sinh học của cả dãy Trường Sơn, thuộc địa phận hành chính của 3 huyện Vũ Quang, Hương Khê và Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh, với tổng diện tích được giao quản lý khoảng 57.000 ha, trong đó có gần 53.000 ha rừng tự nhiên. Tại đây, đặc trưng bởi một số hệ sinh thái độc đáo như: Hệ sinh thái ao hồ trên núi cao; Hệ sinh thái rừng mưa trên núi cao; Hệ sinh thái rừng lùn… là sinh cảnh sống của hàng ngàn loài động, thực vật, trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý hiếm cần được ưu tiên bảo tồn. Tại VQG Vũ Quang có sự hiện diện của nhiều loài đặc hữu cho cả Việt Nam và Lào. Trong số đó có những loài đặc trưng, quý hiếm như: Sao la (Pseudoryx nghetinhensis), Mang lớn (Megamuntiacus vuquangensis), Thỏ vằn (Nesolagus timinski), Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus), Vượn đen má trắng (Hylobates leucogenys)…. Vườn quốc gia Vũ Quang cùng với Khu bảo vệ Quốc gia Nakai-Nam Theun của Lào là khu vực bảo tồn lớn nhất, có hệ sinh thái tự nhiên còn lại ở gần với khu vực Bắc Đông Dương. Vườn quốc gia Vũ Quang được Chính phủ và các tổ chức Quốc tế nhìn nhận đánh giá cao về giá trị và tiềm năng để bảo tồn cho Việt Nam, khu vực và thế giới. Ngoài ra đây còn là địa chỉ du lịch sinh thái đầy tiềm năng, cũng như có vai trò rất quan trọng đối với cộng đồng dân cư vùng đệm.

TS. Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đại diện cho Bộ Tài nguyên và Môi trường trao danh hiện Vườn di sản ASEAN cho VQG Vũ Quang.

​Sự kiện công bố Vườn di sản ASEAN của Vườn quốc gia Vũ Quang có ý nghĩa lớn trong việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức tự giác bảo tồn đa dạng sinh học, giá trị của khu AHP nói chung và VQG Vũ Quang nói riêng. Sự kiện này góp phần tôn vinh những giá trị đa dạng sinh học đối với sự sống của con người, các thông điệp đến với cộng đồng để có những hành động thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị đa dạng sinh học cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Theo vea.gov.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.