CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Vùng đất Cảng xây dựng ngành công nghiệp môi trường

0

Từ năm 2016, thành phố Hải Phòng đã xác định phát triển công nghiệp môi trường, huy động nguồn lực cho bảo vệ môi trường là nội dung quan trọng. Điều này được thể hiện trong Kế hoạch số 2244/KH-UBND thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường,

Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường (CNMT) TP. Hải Phòng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 xác định ngành CNMT bao gồm các đơn vị sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ trong 3 lĩnh vực chính là thiết bị CNMT; dịch vụ CNMT (xử lý chất thải, thu gom chất thải, quan trắc, phân tích, đánh giá tác động môi trường…) và sử dụng bền vững tài nguyên, phục hồi môi trường.

Tuy nhiên, theo Sở TN&MT thành phố Hải Phòng, trên địa bàn thành phố mới có hơn 20 doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ thuộc ngành CNMT. Các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu lĩnh vực thu gom, xử lý chất thải và vệ sinh đô thị. Số doanh nghiệp hoạt động tư vấn và cung cấp các dịch vụ quan trắc môi trường rất ít. Hiện chỉ có 2 đơn vị cung cấp dịch vụ quan trắc môi trường đó là Trung tâm quan trắc môi trường (thuộc Sở Tài nguyên- Môi trường) và Trường đại học Hàng hải. Tp Hải Phòng có rất ít doanh nghiệp cung cấp hoạt động dịch vụ tư vấn môi trường. Đặc biệt, trên địa bàn thành phố chưa có doanh nghiệp cung cấp thiết bị CNMT.

Thực tế cũng cho thấy phần lớn doanh nghiệp trong lĩnh vực CNMT quy mô vừa và nhỏ, năng lực và tiềm lực còn khiếm tốn; chưa tương xứng với nhu cầu sử dụng các dịch vụ môi trường của thị trường thành phố. Ước tính các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNMT chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu xử lý nước thải, chất thải lẫn dầu, 30% nhu cầu xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại.

Theo ý kiến của đại đa số các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, thành phố Hải Phòng đang thiếu những cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư lĩnh vực CNMT kể cả về nguồn vốn, đất đai, công nghệ và các hỗ trợ khác.

TP.Hải Phòng. Ảnh: Internet

Trong khi đó, trên địa bàn thành phố Hải Phòng hiện phát sinh nhiều vấn đề môi trường cần giải quyết. Nhu cầu sử dụng dịch vụ môi trường của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ là rất lớn. Do đó, việc phát triển CNMT là vô cùng cần thiết.

Lãnh đạo thành phố Hải Phòng thừa nhận, để có được số lượng doanh nghiệp thuộc lĩnh vực CNMT đủ năng lực để giải quyết các vấn đề môi trường của thành phố cần có cơ chế thu hút hiệu quả cao hơn. Từ việc xây dựng, quy hoạch các loại hình dịch vụ môi trường thành tổ hợp, như tổ hợp thu gom, phân loại, tái chế và tập trung phát triển công nghiệp sản xuất thiết bị công nghệ phục vụ môi trường. Ngoài ra, Hải Phòng cần hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp dịch vụ môi trường; xây dựng kế hoạch phát triển mạng lưới doanh nghiệp dịch vụ môi trường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; sắp xếp lại, ưu tiên khuyến khích, thu hút đầu tư một số loại hình doanh nghiệp dịch vụ môi trường; triển khai các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp dịch vụ môi trường.

Trước mắt, thành phố sẽ xem xét hỗ trợ về vốn đầu tư xây dựng và ưu đãi về đất đai; hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp dịch vụ môi trường như hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp tái sử dụng, tái chế hoặc thu hồi năng lượng…

Theo Monre.gov.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.