Cuộc họp Đối thoại chính sách về môi trường Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 5 được tổ chức tại Hà Nội chiều ngày 09/01/2019 ghi nhận nhiều kết quả hợp tác tích cực hiệu quả giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Môi trường Nhật Bản thời gian qua, đồng thời thống nhất sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa hai Bên trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tham dự cuộc họp về phía Nhật Bản có Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Ông Takaaki Katsumata và các thành viên là đại diện của: Cục Môi trường toàn cầu, Cục Tái chế vật liệu và Tái thiết môi trường, Văn phòng JICA tại Việt Nam, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.
Về phía Việt Nam có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân và đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ: Tổng cục Môi trường; Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; Cục Biến đổi khí hậu; Vụ Pháp chế; Vụ Hợp tác quốc tế; Văn phòng Bộ; Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường…
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội nghị
Đối thoại chính sách về môi trường Việt Nam – Nhật Bản đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Môi trường Nhật Bản phối hợp tổ chức trong nhiều năm qua. Kết quả thành công của các uộc họp đối thoại này được thể hiện rõ thông qua sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của hai Bên trong việc thực hiện các hoạt động hợp tác cụ thể đối với nhiều lĩnh vực mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đang quản lý.
Phát biểu khai mạc Đối thoại chính sách về môi trường Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 5, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đánh giá cao mối quan hệ, hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong thời gian qua.
“Trong quá trình làm việc giữa hai Bên thời gian qua, tôi đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Môi trường Nhật Bản hợp tác và hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong phát triển nguồn nhân lực, tăng cường đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam thông qua hỗ trợ phái cử chuyên gia sang Bộ, đồng thời qua các dự án hợp tác nhằm giúp Việt Nam giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách, quản lý môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Khi Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam đang được đề xuất sửa đổi và việc bảo vệ môi trường đi đôi với phát triển kinh tế ở Việt Nam đang được thực hiện theo hướng phát triển kinh tế xanh, phát thải các-bon thấp thì việc hợp tác bảo vệ môi trường với các đối tác phát triển, cụ thể hợp tác với Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam có thể tiếp cận được những kinh nghiệm và thế mạnh trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến quản lý môi trường.
Bên cạnh đó, vấn đề triển khai các nhiệm vụ liên quan đến biến đổi khí hậu được đặt ra như là một trong những trọng tâm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên hai Bên đồng tổ chức các sự kiện trong Tuần lễ Môi trường Việt Nam – Nhật Bản được tổ chức từ ngày 09/01 đến 11/01/2019, với nhiều nội dung phong phú: Hội thảo cơ sở hạ tầng và công nghệ môi trường; Hội thảo hợp tác quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm; Cuộc họp Ban công tác hỗn hợp Việt Nam – Nhật Bản về quản lý, xử lý chất thải phát điện; Hội thảo Dự án Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia SPI-NAM); Hội thảo Cơ chế tín chỉ chung JCM; Hội thảo các thành phố phát thải carbon thấp. Đây là sự kiện thu hút được sự quan tâm rất lớn của các các cơ quan, tổ chức và các doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường của cả hai nước.
Ông Takaaiki Katsumata, Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản phát biểu tại Hội nghị
Tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Phạm Phú Bình đã điểm lại nhữngkết quả cụ thể mà hai Bên đã đạt được trong khuôn khổ Đối thoại chính sách môi trường giữa Việt Nam – Nhật Bản trong thời gian vừa qua trong thực hiện Cơ chế tín chỉ chung (JCM); các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu; và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường 2014; quản lý chất thải; nước thải,…
Kết quả hợp tác trong khuôn khổ Đối thoại chính sách môi trường giữa Việt Nam – Nhật Bản trong thời gian qua
Về cơ chế tín chỉ chung (JCM): Việt Nam đã phối hợp với phía Nhật Bản thúc đẩy triển khai Cơ chế JCM tại Việt Nam; tổ chức thành công Cuộc họp song phương Ủy ban hỗn hợp JCM lần thứ VII tại Việt Nam. Hiện tại có 09 dự án JCM tại Việt Nam đang được triển khai; trong đó 04 dự án đã được cấp tín chỉ và 01 dự án đang trong quá trình đề nghị cấp tín chỉ VN005. Hai bên đã thành lập Ủy ban Hỗn hợp gồm đại diện của Việt Nam và Nhật Bản nhằm chỉ đạo, điều phối và quản lý các hoạt động thực hiện JCM theo Bản ghi nhớ hợp tác về Tăng trưởng các-bon thấp giữa Việt Nam và Nhật Bản. Thích ứng biến đổi khí hậu: Trên cơ sở hợp tác giữa Bộ Môi trường Nhật Bản (MOEJ) với Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, 02 Bộ ký kết thực hiện “Dự án Hỗ trợ Quy hoạch Thích ứng Biến đổi Khí hậu ở Việt Nam” cho tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Hải Phòng và Đà Nẵng. Dự án thúc đẩy nỗ lực xây dựng các hoạt động và chính sách thích ứng trong quá trình lập kế hoạch thích ứng tại các thành phố thí điểm Huế, Hải Phòng và Đà Nẵng. Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính: Các hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (SPI-NAMA). Trong giai đoạn 2015 – 2018, Dự án đã thực hiện các nội dung nhằm tăng cường năng lực cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ liên quan về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, xây dựng các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thông qua hỗ trợ xây dựng chính sách (Nghị định Lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính); Hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng hướng dẫn về kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm tra (MRV) các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; Xây dựng các khoá đào tạo, các hoạt động tham vấn, hội nghị hội thảo trong và ngoài nước có liên quan; Thực hiện Đánh giá công nghệ các-bon thấp phục vụ thực hiện hiệu quả NDC (TNA-NDC). Sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường 2014: Trong khuôn khổ các hoạt động nghiên cứu để đề xuất sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường, Tổng cục Môi trường đã hợp tác với JICA tổ chức hội thảo về đánh giá tác động môi trường và công cụ quản lý dự án theo vòng đời. Các Hội thảo này được tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia Nhật Bản, Việt Nam, các Sở Tài nguyên và Môi trường, đơn vị nghiên cứu, tư vấn và các doanh nghiệp. Các đại biểu tại Hội thảo đều thống nhất với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định về đánh giá tác động môi trường trong Luật Bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, cần có quy định cụ thể về các công cụ quản lý môi trường theo vòng đời dự án. Nội dung quản lý chất thải: Tổng cục Môi trường đã phối hợp với các đầu mối của Nhật Bản đề xuất thành lập Ban công tác hỗn hợp giữa hai bên, tổ chức làm việc với đại diện của Bộ Môi trường Nhật Bản thảo luận chi tiết về các vấn đề của Ban công tác chung cho mô hình xử lý rác thải phát điện (Waste to Energy) như thành viên của Ban (dự kiến gồm đại diện của Bộ Môi trường Nhật Bản và đại diện của các Bộ/ngành của Việt Nam như TNMT, Xây dựng, Công Thương, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Quản lý nước thải và công nghệ Johkasou: Tổng cục Môi trường đã phối hợp với JICA, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên, cùng các công ty có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực xử lý nước thải tại Nhật Bản, đã triển khai Dự án lắp đặt 02 bộ Johkasou xử lý nước thải sinh hoạt có công suất 6m3/ngày đêm tại Trường mầm non xã Đình Dù; 02 bộ Johkasou xử lý nước thải công suất 1,4m3/ngày đêm và 01 bộ Johkasou xử lý nước thải công suất 200m3/ngày đêm tại Khu đô thị Ecopark. Ngoài các hoạt động được hai Bên triển khai trong khuôn khổ Đối thoại chính sách môi trường giữa Việt Nam – Nhật Bản, Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện phối hợp với các đối tác Nhật Bản xây dựng và triển khai một số dự án hợp tác như: Dự án Tăng cường năng lực quản lý môi trường nước lưu vực sông; Dự án Khảo sát với khu vực tư nhân để phổ biến công nghệ Nhật Bản cho các thiết bị quan trắc nước đơn giản nhằm tăng cường năng lực quản lý môi trường nước; Tiếp nhận chuyên gia về chính sách môi trường do JICA phái cử làm việc tại Bộ Tài nguyên và Môi trường. |
Toàn cảnh Hội nghị
Phát biểu tại cuộc họp, Ông Takaaiki Katsumata, Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản, cho biết: Hai nước Việt Nam – Nhật Bản đã có 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, triển khai hợp tác ở nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực môi trường. Cuộc họp Đối thoại chính sách về môi trường lần thứ 5 này, trong đó có Tuần lễ môi trường Việt Nam – Nhật Bản lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội khẳng định hai Bên tiếp tục triển khai mối quan hệ hợp tác toàn diện hơn. Đây là dịp để hai Bên trao đổi, đưa ra được các giải pháp để giải quyết các vấn đề và thúc đẩy các hoạt động hợp tác tiếp theo một cách hiệu quả. Trước những kết quả đạt được của các Cuộc họp trước, Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản rất vui mừng vì những chính sách, công nghệ, giải pháp của Nhật Bản đã góp phần cho sự phát triển của Việt Nam.
Cũng tại cuộc họp, hai Bên đã thảo luận và thống nhất trong năm 2019 và các năm tiếp theo tiếp tục hợp tác toàn diện, chặt chẽ và hiệu quả, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai Bộ nói riêng và giữa hai quốc gia nói chung thông qua cụ thể hóa về các chương trình, dự án hợp tác về xây dựng thể chế chính sách pháp luật và các dự án trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; quản lý, ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm từ rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương; quản lý chất thải; quản lý nước thải…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân và Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Takaaiki Katsumata đều đánh giá cao và thông qua các kết quả đạt được của Cuộc họp cũng như thống nhất các nội dung sẽ hợp tác, triển khai trong thời gian tới và giao cho các đơn vị chức năng của hai Bên phối hợp xây dựng Biên bản ghi nhớ, Chương trình hành động cho năm 2019 và các năm tiếp theo để tổ chức triển khai, thực hiện.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân mong muốn: “Các cơ quan của hai nước tiếp tục thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa hai Bộ trong lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện có hiệu quả Biên bản ghi nhớ đã ký giữa hai Bộ, thông qua việc cụ thể hóa các lĩnh vực hợp tác thành Chương trình, dự án hợp tác cụ thể về xây dựng chính sách, tăng trưởng xanh, kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải, nước thải, xử lý các điểm ô nhiễm nghiêm trọng, thúc đẩy công nghệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với ưu tiên của hai bên và trên nguyên tắc hiệu quả, thiết thực, và đôi bên cùng có lợi”.
Hai bên chụp ảnh lưu niệm
CTTĐT