Nhằm cải cách thủ tục hành chính và thống nhất quản lý về môi trường, trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Bộ TN&MT đề xuất tích hợp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi vào Giấy phép môi trường.
Việc tích hợp các Giấy phép vào 1 Giấy phép môi trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp mà vẫn bảo đảm công tác BVMT |
Phân tích cơ sở của việc tích hợp này, Bộ TN&MT cho biết, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2014, Luật Tài nguyên nước 2012 và Luật Thuỷ lợi 2017, sau khi dự án được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và trước khi vận hành chính thức, chủ dự án phải tiến hành nhiều thủ tục hành chính về môi trường và lĩnh vực liên quan, gồm: Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường (BVMT), Giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, Giấy phép xử lý chất thải nguy hại, Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, Giấy phép xả khí thải công nghiệp; Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước (theo quy định tại Luật Tài nguyên nước), Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi (theo quy định tại Luật Thủy lợi).
Trong quá trình theo dõi việc thực hiện cấp giấy phép, giấy xác nhận về BVMT, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, Bộ TN&MT nhận thấy có 4 vướng mắc, bất cập.
Đó là, trên thực tế, các loại Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT, Giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, Giấy phép xử lý chất thải nguy hại, Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước hoặc Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi đều được cấp dựa trên báo cáo ĐTM được phê duyệt, kết quả vận hành công trình BVMT và quy chuẩn kỹ thuật về chất thải và chất lượng môi trường.
Cụ thể, như: tại điểm b khoản 2 Điều 15 Nghị định số 67/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thủy lợi quy định căn cứ cấp Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi là “Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước thải; các yêu cầu về BVMT đối với hoạt động xả nước thải đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”. Theo quy định, các loại Giấy phép, Giấy xác nhận này là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về BVMT của doanh nghiệp. Do vậy, đây là nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về BVMT các cấp (ở Trung ương là Bộ TN&MT, ở địa phương là UBND cấp tỉnh hoặc cấp huyện).
Nội dung quản lý nước thải trong các giấy phép này cơ bản giống nhau (đều yêu cầu về công trình xử lý, quy trình vận hành và quy chuẩn kỹ thuật về môi trường). Do đó, riêng 1 đối tượng xả nước thải hiện đang phải chịu 2 thủ tục hành chính (TTHC) có nội dung tương đồng. Thực tế đã xảy ra trường hợp yêu cầu của các cơ quan quản lý chưa thống nhất tại các giấy phép, làm doanh nghiệp lúng túng trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, việc phân cấp cấp Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi theo quy định của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang dựa trên phân cấp quản lý công trình, không theo quy mô xả thải của doanh nghiệp. Trong một số trường hợp, cơ sở xả thải với quy mô không lớn, thuộc thẩm quyền quản lý hồ sơ môi trường của UBND cấp huyện nhưng lại phải xin cấp Giấy phép xả thải ở Bộ NN&PTNT.
“Nếu tiếp tục thực hiện các TTHC này tại các cơ quan nêu trên sẽ khó thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ”, Bộ TN&MT cho hay.
Được biết, công trình thủy lợi chỉ là một bộ phận cấu thành của mạng lưới tài nguyên nước; việc quy định có nhiều cơ quan cấp phép xả thải như hiện nay (cơ quan quản lý TN&MT và cơ quan quản lý công trình thủy lợi) sẽ không bảo đảm nguyên tắc quản lý tổng hợp, một việc được giao nhiều cơ quan thực hiện sẽ gây chồng chéo, không rõ trách nhiệm của các cơ quan.
Trên thực tế, hoạt động xả thải của doanh nghiệp trên 1 đoạn sông (do cơ quan quản lý nhà nước về công trình thủy lợi quản lý) nhưng có thể tác động đến cả lưu vực (do cơ quan quản lý nhà nước về TN&MT quản lý), khi xảy ra ô nhiễm thì trách nhiệm lại thuộc về ngành TN&MT.
Do vậy, để bảo đảm thống nhất quản lý về BVMT nói chung, quản lý hoạt động xả nước thải vào nguồn nước nói riêng; nhằm đẩy mạnh cải cách TTHC, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và vẫn bảo đảm công tác BVMT, Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) đã đưa ra quy định tích hợp các loại giấy phép, giấy xác nhận về BVMT hiện hành với các loại giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, xả nước thải vào công trình thủy lợi bằng 1 GPMT. Nội dung này đã được Bộ TN&MT báo cáo và được Chính phủ đồng ý trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua.
Cũng theo Tờ trình số 252/TTr-CP của Chính phủ, để bảo đảm quản lý thống nhất vấn đề cấp phép xả thải ra môi trường và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Dự thảo Luật quy định về 1 loại GPMT để giảm bớt thủ tục hành chính về môi trường; bãi bỏ 2 thủ tục hành chính thực chất “thừa” là giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi; đồng thời bổ sung nội dung tham gia phối hợp của cơ quan quản lý công trình thủy lợi ngay từ giai đoạn ĐTM cho đến khi cấp GPMT của dự án, cơ sở.
Sau khi tiếp thu, chỉnh lý ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 47 về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Bộ TN&MT đề nghị giữ nguyên nội dung này như quy định tại dự thảo Luật.
Cùng với việc quy định 1 loại GPMT nêu trên, Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể về trách nhiệm chủ trì, cơ chế tham gia phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về BVMT với cơ quan quản lý về công trình thủy lợi. Theo đó, cơ quan quản lý công trình thủy lợi sẽ tham gia ngay từ đầu trong quá trình thẩm định báo cáo ĐTM để dự án triển khai, cho đến khi cấp GPMT để dự án đi vào hoạt động; quy định nội dung quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM cũng như nội dung GPMT đối với các dự án này phải có đánh giá và biện pháp bảo đảm an toàn và BVMT đối với công trình thủy lợi.
Theo Báo TNMT