Ngày 24 tháng 5 năm 2019, Trung tâm Thông tin và Dữ liệu môi trường tổ chức sinh hoạt chuyên đề về “Định hướng ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 vào công tác Bảo vệ môi trường”, với sự tham gia đông đủ của tập thể Lãnh đạo và cán bộ của đơn vị.
ThS. Nguyễn Xuân Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dữ liệu môi trường đã giới thiệu về Cách mạng công nghệp 4.0 (CMCN 4.0) và nêu quan điêm, định hướng, mục tiêu của CMCN 4.0 trong lĩnh vực môi trường.
Cách mạng công nghiệp 4.0 (Cách mạng công nghiệp lần thứ tư) là sự kết hợp các công nghệ giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học. CMCN lần thứ 4 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; nhấn mạnh những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn nhất là công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy,… là xu hướng hiện tại của tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Nó bao gồm các hệ thống mạng vật lý, mạng Internet kết nối vạn vật và điện toán đám mây.
CMCN lần thứ 4 không chỉ là về các máy móc, hệ thống thông minh và được kết nối, mà còn có phạm vi rộng lớn hơn nhiều. Đồng thời là các làn sóng của những đột phá xa hơn trong các lĩnh vực khác nhau từ mã hóa chuỗi gen cho tới công nghệ nano, từ các năng lượng tái tạo tới tính toán lượng tử. Công nghiệp 4.0 tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra các “nhà máy thông minh” hay “nhà máy số”. Trong các nhà máy thông minh này, các hệ thống vật lý không gian ảo sẽ giám sát các quá trình vật lý, tạo ra một bản sao ảo của thế giới vật lý. Với IoT, các hệ thống vật lý không gian ảo này tương tác với nhau và với con người theo thời gian thực, và thông qua IoS thì người dùng sẽ được tham gia vào chuỗi giá trị thông qua việc sử dụng các dịch vụ này.
Quan điểm, định hướng của CMCN 4.0 trong lĩnh vực môi trường
– Phát triển và thay thế nguồn năng lượng hóa thạch bằng năng lượng sạch (năng lượng tái tạo). Các nguồn năng lượng sạch gồm năng lượng gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt, năng lượng sinh khối…;
– Phát triển các công nghệ ít phát thải, các sản phẩm thân thiện với môi trường và nguồn nguyên liệu mới thay thế cho tài nguyên đang cạn kiệt;
– Ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số trong quản lý tài nguyên và môi trường và các công nghệ giám sát môi trường đang phát triển nhanh được hỗ trợ bởi Internet kết nối vạn vật, giúp thu thập và xử lý thông tin liên tục 24/7 theo thời gian thực cũng như đưa ra cảnh báo sớm về các thảm họa thiên nhiên;
– Phát triển ngành công nghiệp môi trường là một nội dung quan trọng trong tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Phát triển đồng bộ các lĩnh vực cung cấp công nghệ, thiết bị, dịch vụ và sản phẩm phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường phù hợp với nhu cầu, điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và xu hướng phát triển của thế giới.
Mục tiêu của CMCN 4.0 trong lĩnh vực môi trường
– Phát triển các công nghệ xử lý, tái chế chất thải, phân tích, quan trắc, giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường; công nghệ sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường phù hợp với điều kiện của Việt Nam và xu hướng của thế giới; đẩy mạnh ứng dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ;
– Phát triển sản xuất thiết bị và sản phẩm đáp ứng cơ bản nhu cầu bảo vệ môi trường trong nước, từng bước tiến tới xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế và năng lực cạnh tranh; năng lực sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 70 – 80% nhu cầu thiết bị xử lý nước cấp và nước thải, 60 – 70% nhu cầu thiết bị xử lý và tái chế chất thải rắn, 70 – 80% nhu cầu thiết bị xử lý khí thải, khoảng 50 – 60% nhu cầu thiết bị thu gom, vận chuyển và phân loại chất thải, 40 – 50% nhu cầu thiết bị quan trắc môi trường; 60 – 70% nhu cầu sản phẩm bảo vệ môi trường; 40 – 50% thiết bị sản xuất năng lượng tái tạo; 60 – 70% thiết bị và công nghệ tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả; 20 – 30% thiết bị, phương tiện sử dụng năng lượng tái tạo; xuất khẩu được 20 – 30% các sản phẩm của ngành công nghiệp môi trường;
– Hoàn thành kiến trúc chính phủ điện tử, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, rút ngắn các quy trình thủ tục hành chính;
– Xây dựng cở sở dữ liệu quốc gia về môi trường đồng bộ, thống nhất đảm bảo khai thác hiệu quả, phục vụ yêu cầu quản lý.
CMCN 4.0 tác động đến lĩnh vực môi trường là tích cực trong ngắn hạn và hết sức tích cực trong trung và dài hạn. Đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức cho lĩnh vực, do vậy toàn thể các cán bộ lãnh đạo và nhân viên của TCMT nói riêng, các cán bộ làm công tác quản lý môi trường nói chung phải thấy và nhận thức được những cơ hội và thách thức mà cuộc CMCN 4.0 đưa lại để quán triệt, trăn trở trong suy nghĩ và trong họat động hàng ngày, không chỉ trong lời nói mà bằng các việc làm cụ thể. Có như vậy, chúng ta mới không lỗi hẹn với thời đại và với sự phát triển của dân tộc.
Tăng cường đảm bảo an toàn thông tin, đây là một trong lĩnh vực luôn được quan tâm bởi tính quyết định của vấn đề đối với sự phát triển bền vững của việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực môi trường. Tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm nhằm củng cố và tạo sức bật cho các công tác đảm bảo an toàn thông tin. Công tác đào tạo nâng cao nhận thức, kỹ năng, tổ chức diễn tập nâng cao khả năng chủ động phản ứng với sự cố, hỗ trợ rà soát các điểm yếu an toàn thông tin trong các hệ thống thông tin hay đầu tư giải pháp trọng điểm về phát hiện và phòng chống các nguy cơ tấn công sẽ được tiếp tục quan tâm và triển khai mạnh mẽ. Ngoài các giải pháp công nghệ cần phải đẩy mạnh đầu tư các yếu tố con người như nâng cao nhận thức, kỹ năng và tầm nhìn quản lý an toàn thông tin.
ĐTH