Cho rằng việc ứng dụng những cơ chế thử nghiệm, thí điểm trong phạm vi hạn chế (Sandbox) có thể là lựa chọn lập pháp, lập quy khôn ngoan trong CMCN 4.0, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương cũng khuyến nghị cần tính toán kỹ về trường hợp áp dụng cơ chế này.
Hội thảo cấp quốc gia “CMCN 4.0 và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam” do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 24/6 có sự tham dự, phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. |
Trong tham luận “Một số yêu cầu đổi mới tư duy pháp lý thích ứng với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0)” đóng góp cho hội thảo cấp quốc gia “CMCN 4.0 và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam”, TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp cũng cho hay, thực tế cho thấy, dùng luật để xác lập các quy tắc pháp lý xử lý các vấn đề mới phát sinh từ việc ứng dụng các công nghệ mới trong cuộc CMCN 4.0 là một thách thức.
Theo ông Cương, việc ứng dụng những công nghệ mới của CMCN 4.0 có thể đưa tới những tác động lan tỏa nhanh và mạnh mà hệ thống quản lý hiện hành có thể không theo kịp, nên việc ứng dụng những cơ chế thử nghiệm hoặc thí điểm trong phạm vi hạn chế (mà thế giới thường gọi là Sandbox) có thể là chọn lựa lập pháp, lập quy khôn ngoan.
“Tuy nhiên, cơ chế thử nghiệm trong phạm vi hạn chế này được áp dụng trong trường hợp nào thì cần được tính toán kỹ lưỡng các mặt lợi hại để làm sao vừa bảo đảm khuyến khích quá trình đổi mới sáng tạo nhưng vẫn bảo đảm được yêu cầu bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng theo tinh thần Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013”, ông Cương khuyến nghị.
Một số chuyên gia công nghệ cũng cho rằng, không nên áp dụng cơ chế Sandbox theo phong trào mà nên chọn lọc, có tiêu chí rõ ràng, phạm vi cụ thể, đồng thời cần có công cụ giám sát đủ mạnh và chế tài xử phạt nghiêm nếu doanh nghiệp được triển khai cơ chế thí điểm, thử nghiệm phạm luật, thực hiện không đúng với lĩnh vực, phạm vi được cấp phép.
Đề cập đến những ứng xử về chính sách pháp luật trong CMCN 4.0, với mô hình kinh doanh mới – kinh tế chia sẻ, TS.Trần Thị Quang Hồng, Trưởng ban Nghiên cứu pháp luật Dân sự – kinh tế, Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) nêu quan điểm, kinh nghiệm từ các cuộc CMCN trước cho thấy mọi ứng xử thành công về mặt chính sách và pháp luật đối với công nghệ đều phải dựa trên sự nhận diện đầy đủ những đối tượng có thể là winner (nhóm giành được ưu thế trong CMCN) hay loser (nhóm gặp bất lợi và bị thua thiệt từ CMCN) của cuộc cách mạng này.
Cụ thể, bà Hồng cho hay, trên thực tế, sự bùng nổ của thương mại điện tử và đặc biệt là sự phát triển của các ứng dụng phát triển kinh tế nền tảng (Uber, Grab, Airbnb, Netflix…) cũng như một thực tế nhãn tiền là sự chao đảo của ngành taxi truyền thống trước sự phát triển của taxi công nghệ cho thấy công nghệ sẽ ngày càng phát huy vai trò là thế mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo ra những winner là những doanh nghiệp có khả năng nắm bắt và ứng dụng nhanh công nghệ, đồng thời đe doạ biến nhiều doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình truyền thống thành các loser trên thị trường.
Vị chuyên gia này cho rằng, với các winner, tức là những doanh nghiệp nắm bắt và tận dụng được công nghệ, việc thiết lập một khuôn khổ pháp lý thích hợp cho các hoạt động kinh doanh theo mô hình mới ứng dụng công nghệ là nhu cầu thiết yếu. Cùng với việc quan tâm tới những ứng xử pháp lý với winner, pháp luật cũng không thể bỏ qua các doanh nghiệp có nguy cơ trở thành loser. Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật trên cơ sở nhận biết đầy đủ các khía cạnh pháp lý của công nghệ để đảm bảo doanh nghiệp theo mô hình mới hay mô hình truyền thống đều kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng.
“Việc phát huy vai trò của công nghệ chỉ để tạo ra những lợi thế về chất lượng và giá cả của hàng hoá dịch vụ, tránh tối đa nguy cơ pháp luật không thích ứng được bởi công nghệ, dẫn đến một môi trường pháp lý kinh doanh trở nên không bình đẳng do một số doanh nghiệp có thể dựa vào công nghệ để không phải tuân thủ những ràng buộc pháp lý nhất định trong khi những doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình truyền thống lại phải tuân thủ”, bà Hồng khuyến nghị.
Minh chứng cho nhận định của mình, bà Hồng nêu ví dụ về sự khác biệt trong quy chế quản lý giữa kinh doanh taxi truyền thống và taxi công nghệ trong giai đoạn đầu của taxi công nghệ ở Việt Nam (giai đoạn 2014 – 2017). Khi đó, taxi truyền thống phải chịu khá nhiều ràng buộc như không được đi vào một số tuyến đường, nhiều khu vực không cho phép taxi truyền thống vào cổng đón khách; trong khi đó, taxi công nghệ không hề phải chịu những ràng buộc này. Điều này đã khiến taxi truyền thống vốn đã bất lợi về mặt công nghệ lại càng trở nên bất lợi hơn trong cuộc cạch tranh.
“Pháp luật cần nhanh nhạy hơn về mặt công nghệ để tránh lặp lại những trường hợp như vậy, bảo đảm sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thực sự là cạnh tranh bình đẳng”, bà Hồng nhấn mạnh.
Theo ICTNews