CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Trình Thủ tướng Chỉ thị về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn

0

Thực hiên chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện dự thảo Chỉ thị về một số giải 3 pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn và kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.

Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường nói chung, công tác quản lý chất thải rắn nói riêng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo và đạt được kết quả quan trọng. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn gây ra vẫn tiếp tục gia tăng, gây áp lực lớn đến công tác bảo vệ môi trường và sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tại một số địa phương đã xuất hiện các điểm “nóng” ô nhiễm môi trường do chất thải rắn, đặc biệt là do việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt (sau đây gọi là rác thải) dẫn đến nguy cơ mất an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do các địa phương chưa quan tâm đúng mức cho công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn; chưa có các cơ chế, chính sách phù hợp huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia vào công tác quản lý chất thải rắn, đặc biệt là rác thải; việc đầu tư hạ tầng thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý rác thải chưa đáp ứng với tình hình thực tế; việc phân loại rác thải tại nguồn chưa được thực hiện một cách đồng bộ; công tác truyền thông nâng cao ý thức của cộng đồng trong công tác quản lý chất thải nói chung và rác thải nói riêng còn hạn chế. Việc quy hoạch để lựa chọn địa điểm xử lý chất thải rắn còn nhiều bất cập; việc lựa chọn các mô hình công nghệ xử lý rác thải còn chưa đáp ứng các tiêu chí về công nghệ, kinh tế, xã hội và môi trường, đặc biệt là tại một số địa phương, rác thải vẫn chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hoặc bằng các lò đốt cỡ nhỏ không đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Quy định về đơn giá xử lý rác thải còn nhiều bất cập dẫn đến chưa thu hút được các nhà đầu tư trong lĩnh vực xử lý rác thải bằng các công nghệ tiên tiến, hiện đại. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước trong thời gian qua vẫn đang có sự giao thoa, chồng chéo giữa các cơ quan ở Trung ương và địa phương, chưa phù hợp với nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm. Các vấn đề nêu trên đã và đang làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý chất thải rắn, đặc biệt là quản lý rác thải.

Ngày 03 tháng 02 năm 2019, Chính phủ có Nghị quyết số 09/NQ-CP về phiên họp thường kỳ của Chính phủ, trong đó có nội dung giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan quản lý thống nhất nhà nước về chất thải rắn (CTR). Ngay sau khi có Nghị quyết số 09/NQ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhanh chóng ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện phương án thống nhất quản lý nhà nước về CTR, bao gồm các hoạt động cụ thể như rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến công tác quản lý nhà nước về CTR; đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung để thực hiện phương án thống nhất quản lý nhà nước về CTR; kiểm tra, đánh giá công tác quản lý CTR trên phạm vi cả nước; xây dựng Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn (dự kiến là sản phẩm của Hội nghị toàn quốc về chất thải rắn do Thủ tướng Chính phủ chủ trì). Trong quá trình xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 5673/BTNMT-TCMT ngày 01 tháng 11 năm 2019 gửi lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành và địa phương. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được ý kiến góp ý của 20 Bộ, ngành và 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Căn cứ vào các ý kiến góp ý, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện hoặc có giải trình phù hợp. Tuy nhiên, có một nội dung đáng chú ý là thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng có ý kiến đối với nội dung yêu cầu các thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ phấn đấu đến năm 2022 giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải xuống dưới 20% và cho rằng việc đặt ra yêu cầu này là quá cao, khó khả thi và đề nghị chỉ thực hiện theo mục tiêu của Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ rác thải tại khu vực đô thị xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp đạt tỷ lệ dưới 30% so với lượng chất thải được thu gom; không đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý rác thải có tỷ lệ chôn lấp sau xử lý quá 20% (thành phố Hồ Chí Minh, Hải phòng, Cần Thơ không có ý kiến về chỉ tiêu này). Về nội dung này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉnh sửa lại Chỉ thị theo hướng yêu cầu các địa phương nêu trên phấn đấu đến năm 2025 giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 20% để đảm bảo tính khả thi, đồng thời cũng thúc đẩy các địa phương nêu trên nhanh chóng chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải từ hình thức chôn lấp sang các công nghệ tiên tiến, hiện đại khác.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 4108/VPCPTH ngày 26 tháng 5 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ về việc đôn đốc tiến độ hội nghị chuyên đề năm 2020, trong đó giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Chỉ thị về kiểm soát ô nhiễm không khí và quản lý chất thải rắn, trình Thủ tướng Chính phủ để ban hành thay cho việc tổ chức hội nghị chuyên đề, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 3097/BTNMT-TCMT ngày 09 tháng 6 năm 2020 báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đề xuất xây dựng, ban hành riêng 02 Chỉ thị là Chỉ thị về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn và Chỉ thị về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí. Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 4963/VPCP-KGVX ngày 20 tháng 6 năm 2020 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý với đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện dự thảo Chỉ thị về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn và kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.

CTTĐT

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.