Các mô hình, sáng kiến thực hành không rác thải tại nhiều địa phương là tiền đề cho việc thực hiện quy định phân loại rác tại hộ gia đình có hiệu lực từ 1-1-2025.
Lâm Đồng: Duy trì hiệu quả mô hình phân loại rác thải tại nguồn
Từ tháng 7/2022 đến cuối năm 2023, Trung tâm Công nghệ và Dữ liệu kiểm soát ô nhiễm môi trường – Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng UBND TP Đà Lạt thực hiện trên địa bàn Phường 2, Đà Lạt phối hợp thực hiện Dự án thí điểm này là “Xây dựng Mô hình Thu gom, phân loại chất thải tại nguồn phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt và hạn chế sản phẩm nhựa, túi ni lông khó phân hủy”.
Đánh giá sau thời gian triển khai thí điểm, Trung tâm Công nghệ và Dữ liệu kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết, toàn bộ 100% các hộ dân trên địa bàn Phường 2, Đà Lạt đều biết và áp dụng rất tốt quy trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình. Rác thải sinh hoạt sau khi được vận chuyển về nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố (tại xã Xuân Trường, Đà Lạt) được xử lý theo từng loại, trong đó rác thải thực phẩm được dùng như là nguyên liệu để sản xuất phân vi sinh bón cho cây trồng.
Đánh giá cao hiệu quả của dự án, Trung tâm Công nghệ và Dữ liệu kiểm soát ô nhiễm môi trường cho rằng, cần nhân rộng Mô hình Phân loại rác thải tại nguồn. Để duy trì phân loại rác thải tại nguồn, Dự án đã đề nghị UBND Phường 2 tiếp tục tuyên truyền về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến các hộ dân trong thời gian đến, việc vận động thông qua các cuộc họp dân; tăng cường giám sát việc phân loại rác, bỏ rác đúng giờ, đúng túi theo màu quy định, đúng lịch thu gom đã thống nhất. UBND TP Đà Lạt tiếp tục chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện một số nội dung về phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; nhân rộng mô hình thu gom phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn toàn thành phố để thuận tiện cho đơn vị thu gom bố trí nhân lực và phương tiện thu gom phù hợp với chất thải đã phân loại.
Thành phố cũng cần thường xuyên giám sát và chỉ đạo đơn vị thu gom, đơn vị xử lý rác thải sinh hoạt thực hiện tốt công tác thu gom rác thải sinh hoạt đã được phân loại; xử lý rác thải sinh hoạt đã phân loại theo công nghệ phù hợp; nghiên cứu đầu tư các điểm tập kết rác thải sinh hoạt sau khi phân loại để thuận tiện cho công tác thu gom; đầu tư thêm phương tiện thu gom và kiểm tra thường xuyên công tác phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt sau phân loại.
Tạo tiền đề phân loại rác tại nguồn
Trên địa bàn tỉnh Phú Yên hiện có hàng chục sáng kiến giảm nhựa đi vào cuộc sống. Các sáng kiến này không chỉ góp phần thay đổi nhận thức người dân mà đây cũng là tiền đề để Phú Yên triển khai thực hiện phân loại triển khai phân loại rác tại hộ gia đình có hiệu lực từ 1-1-2025.
Thay vì cung cấp cho du khách những dây dầu gội hoặc sữa tắm thì ở khách sạn này lại đựng trong các chai lọ gốm sứ, thủy tinh. Các đồ dùng cá nhân từ lược, bàn chải đánh răng bằng nhựa được thay thế bằng những sản phẩm thân thiện với môi trường. Đây là 1 trong rất nhiều cách mà các chủ homestay ở Tuy Hòa chung tay thực hành không rác và cũng là một trong hàng chục sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa với sự tham gia các hội, đoàn thể mà Phú Yên đã và đang triển khai.
Đặc biệt, tỉnh đã phối hợp với các tổ chức bảo vệ môi trường để triển khai mô hình thực hành không rác thải tạo lối sống bền vững như: thí điểm phân loại rác tại các hộ gia đình ở thành phố Tuy Hòa, chợ và trong gần 10 trường học. Như tại, Hòn Yến – điểm nóng về rác thải ven biển đến nay đã xử lý dứt điểm. Hiện nay, tình hình thu gom rác thải nhựa trên biển bắt đầu từ ngư dân đã và đang khởi động.
Với các sáng kiến thực hành không rác thải triển khai tại Phú Yên là tiền đề để thực hiện có hiệu quả qui định phân loại rác thải tại các hộ dân có hiệu lực từ tháng 1 năm sau. Hiện, thành phố Tuy Hòa đã lấy ý kiến các chuyên gia môi trường để hoàn thiện hạ tầng thu gom và xử lý rác thải sau phân loại.
Trích nguồn monre.gov.vn