Chiều 17/4, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài đã có buổi làm việc với các đơn vị thuộc Tổng cục Môi trường nhằm triển khai Kế hoạch kiểm tra, đánh giá công tác quản lý chất thải rắn trên phạm vi cả nước.
Tham gia cuộc họp có các Phó Tổng cục trưởng: Hoàng Văn Thức, Nguyễn Hưng Thịnh; lãnh đạo, chuyên viên của các đơn vị trực thuộc Tổng cục.
Triển khai Kế hoạch kiểm tra, đánh giá công tác quản lý chất thải rắn trên phạm vi cả nước (Kế hoạch) được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phê duyệt tại Quyết định số 867/QĐ-BTNMT ngày 10/4/2019, Tổng cục Môi trường dự kiến thành lập 04 đoàn kiểm tra với sự tham gia của Bộ TN&MT, UBND và các Sở TN&MT, Xây dựng, Tài chính của các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học liên quan.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Thượng Hiền, Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải cho rằng: Trong công tác đánh giá quản lý nhà nước đối với chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), cần làm rõ việc địa phương có ban hành quy hoạch CTRSH hay không; nếu có thì cần làm rõ nội dung quy hoạch, công nghệ xử lý CTRSH, thực tế triển khai quy hoạch như thế nào, có đúng theo nội dung được duyệt không, từ đó, để từ có đưa ra những đánh giá cụ thể, thiết thực.
Ông Hồ Kiên Trung, Chánh Văn phòng Tổng cục nêu ý kiến: Theo yêu cầu về việc báo cáo tại Công văn số 825/BTNMT-TCMT của Bộ TN&MT, các địa phương đã gửi báo cáo công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn với khá đủ thông tin, chỉ có một số báo cáo thiếu thông tin về cơ chế tài chính, công tác quy hoạch, công tác cán bộ. Do đó, các đoàn kiểm tra cần làm việc với các địa phương để bổ sung thông tin cho các báo cáo, đồng thời, lấy thông tin từ các báo cáo này để phục vụ việc tiến hành kiểm tra cơ sở tại các địa phương.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hưng Thịnh đưa ra một số yêu cầu để hoàn thiện thêm Kế hoạch như: Làm rõ, xây dựng các nội dung chi tiết hơn; chuẩn bị thêm bảng hỏi chi tiết, trong đó cung cấp quy định pháp luật hiện hành.
Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức đề nghị: Để triển khai tốt hoạt động đánh giá công tác quản lý chất thải rắn trên phạm vi cả nước, cần xây dựng đề cương khung báo cáo để gửi các địa phương báo cáo số liệu; xây dựng tài liệu hướng dẫn cụ thể, mẫu phiếu điều tra/bảng hỏi có một số số liệu cần thiết, làm rõ hiện trạng của các tỉnh về tình hình phát sinh CTRSH như số lượng cơ sở xử lý, mô hình quản lý …để có bức tranh chung về hiện trạng CTRSH toàn quốc.
Kết luận cuộc họp, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài chỉ đạo một số vấn đề chính để triển khai thực hiện Kế hoạch, bao gồm: Các đoàn kiểm tra sẽ làm việc với toàn bộ 63 tỉnh, thành phố theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TN&MT. Thành phần đoàn kiểm tra sẽ gồm lãnh đạo, chuyên viên của các đơn vị thuộc Tổng cục phân chia thành 4 đoàn, trong mỗi đoàn có thành viên là lãnh đạo, cán bộ Sở TN&MT và chịu sự chỉ đạo của trưởng đoàn.
Nội dung làm việc sẽ thực hiện theo hướng dẫn trong kế hoạch đã lãnh đạo Bộ TN&MT phê duyệt; bổ sung bảng hỏi để thu thập được đầy đủ thông tin, bức tranh tổng quan về công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn. Cần thống nhất về cách thức làm việc với các tỉnh, gửi công văn thông báo và đề nghị tỉnh bố trí cán bộ và chuẩn bị báo cáo trước để làm việc với đoàn.
Các đoàn sẽ kiểm tra, lấy mẫu đối với 51 cơ sở đã có tên trong danh mục đã được Bộ duyệt, các cơ sở khác trên địa bàn thì giao cho Sở TN&MT thực hiện kiểm tra, đánh giá. Đối với việc phát hiện vi phạm trong quá trình kiểm tra, các đối tượng đánh giá sẽ được tổng hợp, báo cáo. Báo cáo làm việc của đoàn phải theo mẫu chung để thuận tiện cho công tác tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ TN&MT.
Các đơn vị được phân công nhanh chóng rà soát, hoàn thiện Kế hoạch, dự thảo công văn gửi các địa phương để trình báo cáo Bộ TN&MT.
Theo VEA