CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học

0

Nghiên cứu việc quản lý rừng tại huyện miền núi Sơn Dương – Tuyên Quang, một nhóm các nhà khoa học nhận định, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của cộng đồng dân cư địa phương sẽ mang đến hiệu quả trong quản lý tài nguyên rừng bền vững.

Sơn Dương là huyện miền núi tỉnh Tuyên Quang, có diện tích rừng là 40.652 ha, tỷ lệ che phủ cao (chiếm 52% tổng diện tích tự nhiên năm 2021), trong đó, phần lớn diện tích rừng tự nhiên tại huyện được sử dụng cho mục đích phòng hộ đầu nguồn (2.411ha) và đặc dụng (8.288 ha), bao gồm hơn 3.100 ha rừng đặc dụng thuộc địa bàn các xã vùng an toàn khu (ATK) như xã Tân Trào, Bình Yên, Lương Thiện, Trung Yên, Minh Thanh, còn lại là diện tích rừng sản xuất.

Trong đó, nguồn tài nguyên thực vật tại một số rừng phòng hộ tại đây đều có giá trị sử dụng cao, giúp đời sống của nhân dân phát triển ổn định, thuộc 9 nhóm: Nhóm cây làm thuốc chữa bệnh, chiếm 70,3%; nhóm cây cho gỗ chiếm 29,7%; nhóm cây ăn được (gồm cây cho quả và rau ăn) chiếm 26,2%; nhóm cây làm cảnh (9,7%) nhóm cây làm thức ăn cho gia súc (9%),… Ngoài ra, còn các nhóm cây làm đồ thủ công, mỹ nghệ, làm sợi, làm vật liệu xây dựng, bao gồm các loài dạng cây thân gỗ, thân bụi, thân thảo và thân leo,…

Theo đó, nghiên cứu của TS. Trần Thị Mai Phương – trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, những năm qua, tổng diện tích rừng của huyện có nhiều biến động theo hướng giảm nhẹ diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, tăng diện tích rừng sản xuất.

* Phần lớn người dân chưa tham gia vào bảo vệ rừng

Diện tích rừng tại huyện Sơn Dương đa phần do Ban Quản lý rừng đặc dụng tại địa phương quản lý và số ít giao cho các hộ gia đình quản lý bằng chính sách khoán rừng, bởi vậy, công tác bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học huyện Sơn Dương vẫn chưa phát huy được toàn diện, còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nạn phá rừng vẫn tiếp tục xảy ra, gây cản trở cho các nhóm cây trồng thực vật và các nhóm cây quý tại rừng.

Một phần do diện tích rừng lớn, lực lượng Kiểm lâm và ít cán bộ xã; phần còn lại, liên quan đến nhận thức và trách nhiệm của người dân sống gần rừng chưa cao, hiện tượng người dân vào rừng chặt cây, lấy gỗ, củi, đốt than, săn bắt động vật hoang dã vẫn tiếp diễn.

Cần tăng cường nhận thức của người dân trong bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học tại Sơn Dương (Tuyên Quang)

Khảo sát của nghiên cứu cho thấy, trên địa bàn huyện vẫn xảy ra những trường hợp sử dụng, khai thác tài nguyên rừng và đất rừng không hợp lý, gây suy giảm tài nguyên rừng. Đồng thời, do huyện Sơn Dương có địa hình đồi núi cao, dốc nên tình trạng sạt lở, trượt lở đất và lũ quét vẫn thường xuyên xảy ra nên tình trạng chặt phá, khai thác rừng đầu nguồn bừa bãi càng làm gia tăng các hiện tượng thiên tai như lũ quét, lũ lụt, tăng xói mòn, rửa trôi đất, sạt lở đất, mất đa dạng sinh học, gây biến đổi khí hậu, giảm mực nước ngầm, ảnh hưởng tới các ngành kinh tế và nhiều hậu quả khác…

Bên cạnh đó, vẫn còn 15,1% hộ dân tại Sơn Dương chưa quan tâm đến hoạt động bảo vệ rừng. Việc bảo vệ rừng, quản lý rừng dựa vào cộng đồng chưa đạt hiệu quả cao, bởi chỉ có 37,7% hộ dân tham gia vào các tổ chức cộng đồng này, còn lại, phần lớn người dân không tham gia (chiếm 62,3%). Nguyên nhân chủ yếu là do không có tiền hỗ trợ từ chính quyền và hầu hết người dân cho rằng nhiệm vụ bảo vệ rừng không phải là nhiệm vụ của họ.

Ngoài ra, người dân vẫn ưa chuộng và có thói quen sử dụng các sản phẩm gỗ và lâm sản phi gỗ phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày và sản xuất kinh doanh và chưa sẵn sàng thay đổi thói quen bảo vệ rừng; người dẫn vẫn chưa ý thức được việc khai thác quá mức các sản phẩm từ tài nguyên rừng có thể gây ra sự mất đa dạng sinh học, nên công tác vận động bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học vẫn chưa có sức lan toả sâu rộng trong cộng đồng.

* Đưa người dân trở thành chủ thể trung tâm bảo vệ, phát triển rừng

TS. Mai Phương đã đưa ra một số đề xuất nhằm hỗ trợ chính quyền huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) có thể tìm ra các giải pháp thiết thực trong việc giải quyết vấn đề này và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ rừng như: Chính quyền huyện cần thực hiện nhiều giải pháp về sử dụng bền vững tài nguyên rừng ở địa phương, trong đó, chú trọng thành lập thêm những tổ chức cộng đồng dân cư bảo vệ rừng, hướng đến các hoạt động: Không chặt phá rừng, trồng cây tăng độ che phủ rừng, không khai thác trái phép lâm sản,…

Đồng thời, đẩy mạnh những hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học trong cộng đồng người dân: Không săn bắn động vật rừng trái phép, không buôn bán, săn bắt động thực vật quý hiếm (thuộc Sách Đỏ), không phá rừng, phá huỷ môi trường sống của động vật hoang dã…

Cùng với đó, huyện cũng cần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước về quản lý bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo tồn đa dạng sinh học trong cộng đồng dân cư, cũng như cần hỗ trợ người dân các phương diện về tài chính, kỹ thuật, chính sách trong công tác bảo vệ, sử dụng bền vững tài nguyên rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.

Trích nguồn monre.gov.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.