“Nhân dân ủng hộ những nỗ lực của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương đã quan tâm kiểm soát và xử lý các hành vi xả thải ra môi trường. Tuy nhiên, tình trạng xả thải chưa qua xử lý vẫn diễn ra ở nhiều đô thị, làng nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh; lượng rác thải sinh hoạt, nhất là rác thải nhựa trong các khu dân cư còn nghiều; việc thu gom, xử lý rác, chất thải rắn còn nhiều khó khăn, bất cập và thiếu đồng bộ; việc xả thải, đổ trộm chất thải, hóa chất độc hại gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt xảy ra ở nhiều nơi, như vụ đổ trộm hóa chất xuống sông Hồng trên địa bàn Huyện Thanh Trì, Hà Nội trong tháng 3/2020, vụ “đầu độc” sông Hồng bởi nước thải làng nghề dệt nhuộm tại Lý Nhân, Hà Nam… Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan, chính quyền các địa phương tăng cường quản lý môi trường; đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường, công khai rộng tãi kết quả để nhân dân biết và giám sát.”
Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi nhận kiến nghị của nhân dân liên quan đến việc đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác quản lý môi trường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ môi trường, công khai rộng rãi kết quả để nhân dân biết và giám sát.
Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra theo hướng giảm số lượng các cơ sở thanh tra theo kế hoạch, tăng cường thanh tra đột xuất, tập trung vào các cơ sở có quy mô lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, xử phạt nghiêm các đối tượng vi phạm để răn đe và tạo dư luận buộc các cơ sở đang hoạt động sản xuất, kinh doanh phải quan tâm, đầu tư cho môi trường. Trong giai đoạn từ năm 2009 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thanh tra tổng cộng 6.768 cơ sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn các tỉnh/thành phố trên cả nước, qua đó đã phát hiện và xử lý gần 3.000 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính lên tới 446,258 tỷ đồng. Kết quả, các đoàn thanh tra đã phát hiện nhiều cơ sở xả hàng ngàn m3 nước thải không qua xử lý ra ngoài môi trường như: Công ty TNHH Phương Duy, Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông, Công ty TNHH Một thành viên Kaneshiro Việt Nam, Công ty TNHH thuỷ sản Đông Hải, Trung tâm xử lý nước thải Khu công nghiệp Phố Nối B … Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xử lý nhiều điểm nóng về môi trường, tiêu biểu như: Công ty Cổ phần Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 tại Bình Thuận; vụ sạt lở bãi Gyps thải của Công ty cổ phần D.A.P – Vinachem tại thành phố Hải Phòng; sự cố cá chết tại sông Bưởi Thanh Hoá; Công ty Cổ phần Tập đoàn Á Cường tại Bắc Giang; Công ty TNHH Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo tại Thái Nguyên; Công ty TNHH Dệt Pacific Crystal ở Khu công nghiệp Lai Vu tỉnh Hải Dương; Công ty Cổ phần kim loại màu Nghệ Tĩnh tại thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An; vụ việc tồn đọng hàng nghìn container phế liệu tại các cảng biển trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hải Phòng … Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã duy trì thường xuyên Tổ giám sát quá trình vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của Nhà máy Giấy Lee&Man Việt Nam; Dự án Nhà máy Bột – Giấy VNT19 tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi; Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn tại tỉnh Thanh Hóa; Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa – Hà Tĩnh; Công ty TNHH Giấy Lee&Man – Hậu Giang.
Kết quả thanh tra đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai trên các cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường và các phương tiện truyền thông, báo chí…tạo điều kiện cho tất cả người dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin.
Để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chú trọng vào việc xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ môi trường cũng như xây dựng chế tài xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt mang tính răn đe cao. Cụ thể, tại Dự thảo Luật bảo vệ môi trường sửa đổi hiện đang trình lấy ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng theo hướng cụ thể hóa trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của các Bộ, ban, ngành, trong đó sẽ phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương, làm rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp khi để xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Dự thảo Luật cũng quy định theo hướng tăng cường lực lượng tham gia công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường, cụ thể quy định trách nhiệm cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với các đối tượng thuộc thẩm quyền xác nhận, đăng ký và cấp giấy phép môi trường của mình theo quy định của pháp luật thuộc địa bàn quản lý; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình, cá nhân và đối tượng thuộc thẩm quyền tiếp nhận đăng ký môi trường theo quy định của pháp luật thuộc địa bàn quản lý; lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm môi trường tiến hành kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân khi có dấu hiệu hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm môi trường, khi có tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có tin báo, phản ánh về vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm môi trường … Đồng thời, Dự thảo Luật cũng dự kiến bổ sung hình thức thanh tra thường xuyên, quy định rõ nội dung kiểm tra về bảo vệ môi trường và quy định các trường hợp thanh tra đột xuất sẽ không công bố trước để khắc phục tồn tại tất cả các đoàn thanh tra đều phải thông báo trước cho đối tượng thanh tra theo quy định pháp luật về thanh tra trước đây. Để có căn cứ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật khi phát hiện vi phạm, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề xuất tăng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường lên là 05 năm thay vì 02 năm như quy định của pháp luật hiện hành. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang sửa đổi Nghị định số155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, các hành vi hành chính đã được cập nhật, bổ sung với các chế tài phù hợp với các quy định hiện hành và đặc biệt xử phạt nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, xả chất thải gây ô nhiễm môi trường.
Với các nội dung nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang nỗ lực cùng với Chính phủ và các cơ quan, ban ngành có liên quan nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng, góp phần ngăn ngừa, làm giảm các vi phạm về bảo vệ môi trường trong thời gian tới.
CTTĐT