CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Trả lời kiến nghị về tăng cường công tác thanh, kiểm tra để phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường

0

Bộ TN&MT nhận được ý kiến của cử tri và Nhân dân đề nghị Bộ và các Bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm túc hơn nữa trách nhiệm quản lý về môi trường; tăng cường công tác thanh, kiểm tra để phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường, thực hiện công khai rộng rãi kết quả để Nhân dân biết và giám sát.

Phản ánh thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường tiếp tục được Chính phủ, các cấp, các ngành và Nhân dân quan tâm, ủng hộ. Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương đã quan tâm kiểm soát và xử lý các hành vi xả thải ra môi trường. Tuy nhiên, tình trạng xả thải chưa qua xử lý vẫn diễn ra ở nhiều đô thị, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh; lượng rác thải sinh hoạt, nhất là rác thải nhựa trong các khu dân cư còn nhiều; việc thu gom, xử lý rác, chất thải rắn còn nhiều khó khăn, bất cập; việc xả thải, đổ trộm chất thải, hóa chất độc hại gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt xảy ra ở nhiều nơi, như vụ đổ trộm hóa chất xuống sông Hồng trên địa bàn Huyện Thanh Trì, Hà Nội trong tháng 3/2020, vụ “đầu độc” sông Hồng bởi nước thải làng nghề dệt nhuộm tại Lý Nhân, Hà Nam… Cử tri và Nhân dân đề nghị Bộ và các Bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm túc hơn nữa trách nhiệm quản lý về môi trường; tăng cường công tác thanh, kiểm tra để phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường, thực hiện công khai rộng rãi kết quả để Nhân dân biết và giám sát.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ với những lo ngại của cử tri về tình trạng ô nhiễm môi trường trong giai đoạn hiện nay và xin được làm rõ thêm như sau:

Công tác bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm môi trường, nhất là vấn đề kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư nông thôn, làng nghề, lưu vực sông và đô thị được Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cũng như toàn xã hội hết sức quan tâm. Nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp quản lý đã được ban hành, tổ chức triển khai thực hiện. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường, theo đó đã bổ sung một loạt các trách nhiệm của doanh nghiệp, thắt chặt hơn các quy định về bảo vệ môi trường. Hiện nay, Bộ cũng đang trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, theo hướng bổ sung thêm các chế tài xử phạt đối với quy định mới được ban hành với mức phạt mang tính răn đe cao. Theo đó, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra nhưng xu hướng tăng mạnh như trước đây được giảm dần; đã xuất hiện nhiều mô hình đô thị, nông thôn, KCN, làng nghề, cơ sở sản xuất sinh thái, thân thiện với môi trường; nhiều chỉ tiêu môi trường đã đạt và vượt mức kế hoạch đặt ra.

Tuy nhiên, đúng như cử tri phản ánh, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn diễn ra tại một số khu vực, một số thời điểm, gây bức xúc, lo lắng cho nhân dân. Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp để hạn chế, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, cụ thể như:

Hoàn thiện hệ thống, chính sách pháp luật đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác quản lý, phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, đồng thời chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các xung đột, tranh chấp về môi trường gây mất ổn định chính trị, an ninh trật tự xã hội. Trước mắt, hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi nhằm hạn chế, khắc phục các hạn chế, bất cập trong quy định của Luật Bảo vệ môi trường hiện hành và các Luật có liên quan, kịp thời điều chỉnh các vấn đề quản lý mới phát sinh. Rà soát lại toàn bộ hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, tiến hành sửa đổi các quy chuẩn bảo đảm tiệm cận với quy chuẩn của các nước tiên tiến, trên cơ sở đó xem xét ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương về môi trường, đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật của địa phương phải cao hơn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Đẩy nhanh tiến độ ban hành Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, theo hướng kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường, tăng chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động của đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường của trung ương và địa phương; tập trung đẩy mạnh, làm tốt hơn việc tiếp nhận, xác minh và xử lý các thông tin; mở rộng hệ thống đường dây nóng đến cấp huyện, cấp xã nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc gây ô nhiễm môi trường, ngăn chặn đến mức thấp nhất các sự cố môi trường có thể xảy ra.

Tiếp tục chỉ đạo các địa phương duy trì hoạt động giám sát thường xuyên đối với các dự án lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Đẩy mạnh việc kết nối truyền số liệu quan trắc môi trường của các cơ sở phát sinh chất thải lớn trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với toàn bộ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, các khu xử lý rác thải, bãi chôn lấp, các nguồn thải lớn có xả thải ra các lưu vực sông và các sông nhánh; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, kể cả biện pháp đình chỉ hoạt động hoặc đóng cửa.

Tiến hành phân vùng để áp dụng công nghệ xử lý tích hợp đối với từng nguồn nước. Với những nguồn nước đã và đang bị ô nhiễm, sớm nghiên cứu, áp dụng công nghệ cải tạo phù hợp. Bên cạnh đó, phải chú trọng công tác xử lý tại nguồn thông qua việc triển khai thực hiện tốt quy định về hoạt động thoát nước và xử lý nước thải tại các đô thị, các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu dân cư nông thôn tập trung.

Không cho phép các dự án đầu tư chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải, biện pháp quản lý chất thải rắn đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường đi vào hoạt động; các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có xả thải ra nguồn nước phải đảm bảo xử lý nước thải theo quy định. Kiểm soát chặt chẽ việc thẩm định, cấp phép xả nước thải vào nguồn nước.

Thực hiện lộ trình đưa các cơ sở sản xuất trong làng nghề di dời vào các cụm công nghiệp để có thể tập trung thu gom và xử lý chất thải. Có biện pháp kiểm soát chặt chẽ nước thải, chất thải trong sản xuất nông nghiệp để giảm thiểu ô nhiễm nguồn tại khu vực nông thôn.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, đa dạng hóa nội dung và phương thức tuyên truyền các quy định về bảo vệ môi trường để người dân và doanh nghiệp biết và thực hiện tốt nhằm hạn chế hành vi vi phạm; thường xuyên cập nhật các thông tin về bảo vệ môi trường trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng; tạo điều kiện để người dân chủ động phát hiện, tố giác các vi phạm về bảo vệ môi trường tới cơ quan có thẩm quyền, cung cấp cho cơ quan thanh tra, kiểm tra các thông tin về ô nhiễm môi trường để kịp thời xem xét, xử lý. Tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân về phân loại chất thải rắn tại nguồn, tái sử dụng, tái chế chất thải rắn.

CTTĐT

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.