Xử lý kiến nghị tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Đài Loan tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có ý kiến trả lời về đề nghị cung cấp giải pháp thực hiện đồng bộ liên quan khi tiến hành sửa đổi Pháp lệnh về Bảo vệ môi trường.
Đối với hiệu lực thi hành
Việc sửa đổi Luật BVMT nhằm hướng đến các mục tiêu: Thiết lập một khung pháp lý dài hạn, phù hợp cho công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong giai đoạn mới; đạt được các mục tiêu Phát triển bền vững theo định hướng và chủ trương của Đảng và Nhà nước; đáp ứng yêu cầu và xu thế hội nhập quốc tế, đặc biệt là hội nhập quốc tế về kinh tế hiện nay và trong tương lai.
Vì vậy, quá trình rà soát, xây dựng các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường của Việt Nam đều xuất phát từ thực tiễn, yêu cầu bảo vệ môi trường của Việt Nam; trong đó, các đánh giá tác động, chính sách đưa ra đều được lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài và đều có lộ trình thực hiện.
Theo quy định của pháp luật ban hành văn bản quy phạm luật, hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trên cơ sở bảo đảm đủ thời gian để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện tiếp cận văn bản, các đối tượng thi hành có đủ điều kiện chuẩn bị thi hành văn bản. Ngày dự kiến có hiệu lực được ghi trong dự thảo VPQPPL. Đối với các VBQPPL do cơ quan nhà nước trung ương ban hành, ngày có hiệu lực không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành (Điều 151 Luật Ban hành VBQPPL).
Luật Bảo vệ môi trường năm 1993, thông qua ngày 27 tháng 12 năm 1993, có hiệu lực kể từ ngày công bố (10/01/1994).
Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, ngày 29 tháng 11 năm 2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2006.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, ngày 23 tháng 06 năm 2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội XIV, có hiệu lực thi hành ngày 01 tháng 7 năm 2020.
Đối với việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất
Chất thải nhựa đã và tiếp tục là vấn đề môi trường nóng, có tính toàn cầu. Năm 2018, Liên Hợp Quốc đã phát động chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông”, nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng cùng thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe con người. Nhiều quốc gia trên thế giới đã có những hành động cụ thể để giảm thiểu và cấm sử dụng một số sản phẩm nhựa không thân thiện môi trường, đồng thời tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa.
Cùng chung nỗ lực với các nước trên thế giới, Chính phủ Việt Nam đã tham gia tích cực đề xuất các cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực cũng như xây dựng các chính sách nhằm giảm phát thải rác thải nhựa, tăng cường tối đa tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa trong nước để hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Có thể khẳng định, các chính sách về quản lý chất thải nói chung và quản lý chất thải nhựa Việt Nam nói riêng là phù hợp với thông lệ chung của các nước trên thế giới, khu vực, đồng thời đảm bảo có lộ trình phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Hiện nay, quy định về điều kiện về bảo vệ môi trường để các tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu nhựa từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất thải và phế liệu (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường). Đồng thời, Danh mục các loại phế liệu nhựa được phép nhập khẩu được quy định tại Quyết định số 28/2020/QĐ-TTg ngày 24/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó một số mã phế liệu đã được loại bỏ khỏi danh mục được phép nhập khẩu so với Quyết định số 73/2014 /QĐ-TTg. Tuy nhiên, tại Điều 3 của Quyết định 28/2020/QĐ-TTg đã quy định đối với các loại phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài theo Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật được tiếp tục nhập khẩu đến hết hiệu lực của Giấy xác nhận. Quy định này nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp được tiếp tục nhập khẩu nhựa phế liệu, hoạt động sản xuất ổn định và thúc đẩy hoạt động thu gom, tái chế phế liệu trong nước.
Việt Nam đang sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường với tư duy mới đó là ưu tiên xây dựng nền kinh tế tuần hoàn; phân loại chất thải rắn tại nguồn; tăng cường tái chế chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện thay thế sản phẩm nhựa; triển khai đồng bộ trách nhiệm của nhà sản xuất; tăng cường nâng cao nhận thức của toàn xã hội về phòng chống rác thải nhựa. Việc ban hành và triển khai Luật bảo vệ môi trường sửa đổi sẽ khắc phục được những hạn chế, bất cập trong thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa trong thời gian vừa qua, đồng thời góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.
CTTĐT