(TN&MT) – Với mục tiêu phát triển bền vững, thời gian qua, UBND TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã và đang thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, cải thiện, khắc phục ô nhiễm và tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác bảo vệ môi trường.
Kênh Bến Đình có lượng ghe tàu neo đậu lớn nên rất khó khăn trong việc kiểm soát tình trạng xả thải của người dân |
Xác định 3 “điểm đen” ô nhiễm môi trường
Thời gian qua, UBND TP. Vũng Tàu đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác rà soát, xác định các điểm đen về môi trường để tập trung xử lý triệt để. Theo đó, qua rà soát, TP. Vũng đã xác định có 03 “điểm đen” về môi trường cần triển khai ngay các giải pháp để phòng ngừa, cải thiện và khắc phục, bao gồm: Ô nhiễm nước thải và mùi hôi do hoạt động chế biến hải sản tại khu vực Trường mầm non Cỏ May và phường 12; ô nhiễm môi trường tại khu vực Cầu Rạch Bà, phường 11; tình trạng ngập úng và ô nhiễm môi trường tại một số dự án ven kênh Bến Đình.
Cụ thể, Trường mầm non Cỏ May, thuộc địa bàn phường 12 đi vào hoạt động từ tháng 8/2015. Mục tiêu là nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt trường học tại khu vực. Tuy cơ sở vật chất của trường được đầu tư xây dựng khang trang nhưng do điểm tọa lạc của trường giáp với 05 doanh nghiệp chế biến hải sản với quy mô lớn nên thường xuyên bị ảnh hưởng bởi mùi hôi, do đó số học sinh theo học tại trường chỉ đạt 1/3 công suất thiết kế.
Cũng trên địa bàn phương 12, hiện có 55 cơ sở chế biến hải sản hoạt động xen lẫn trong các khu dân cư. Hầu hết các cơ sở này đã hoạt động trước từ trước năm 2005; một số cơ sở quy mô nhỏ, hộ gia đình chưa có giải pháp xử lý nước thải nên nước thải chưa qua xử lý vẫn đang được thải ra môi trường, làm phát tán mùi hôi và gây ô nhiễm môi trường.
Còn đối với “điểm đen” ô nhiễm môi trường hồ Rạch Bà tại khu vực Cầu Rạch Bà, phường 11, nhiều năm qua, cũng luôn trong tình trạng ô nhiễm đáng báo động. Hiện hồ Rạch Bà có diện tích khoảng 90.000m2, với công năng tiếp nhận nước thải từ một số khu dân cư phía Nam, Tp. Vũng Tàu. Tuy nhiên, hiện nay hồ đang bị ô nhiễm nặng, nước hồ đã chuyển màu đen, bốc mùi hôi thối, đáy hồ tồn đọng nhiều bùn, xung quanh bờ hồ tồn dọng nhiều rác thải…
Nguyên nhân ô nhiễm được xác định là do các cơ sở chế biến hải sản nhỏ lẻ xả nước thải trực tiếp chưa qua xử lý ra tuyến kênh dẫn nước từ hồ. Ngoài ra, còn nhiều trại chăn nuôi lợn, cá, vựa ve chai cũng xả nước thải ra trực tiếp xuống kênh, hồ. Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm dòng kênh và xả rác thải sinh hoạt bừa bãi xuống kênh của các hộ dân đã gây ách tắc dòng chảy và xảy ra tình trạng ứ đọng, gây ô nhiễm môi trường.
Đối với tình trạng ngập úng và ô nhiễm môi trường tại một số dự án ven kênh Bến Đình, khu vực này có 08 dự án nhà ở, hầu hết các dự án đều thực hiện từ trước năm 2000. Do không được xây dựng đồng bộ, tính toán cao độ nền không chính xác tại một số dự án dẫn đến ngập úng khi thủy triều lên và khi có mưa lớn. Bên cạnh đó, tại khu vực còn bị tồn đọng rác thải do thủy triều mang vào bờ. Ngoài ra, dọc theo bờ kênh Bến Đình có khoảng hơn 600 hộ dân của 3 phường đang sinh sống; đây cũng là bến tàu, ghe để chuyển hải sản, nhiên liệu, vật tư phục vụ mỗi chuyến đi biển của ngư dân. Tuy nhiên, tình trạng xả rác của người dân đã gây ô nhiễm kênh Bến Đình trong nhiều năm qua.
Do nằm gần với 05 doanh nghiệp chế biến hải sản lớn, nên trường mầm non Cỏ May bị ảnh hưởng trực tiếp bởi mùi hôi từ hoạt động này |
Tăng cường các giải pháp xử lý
Nhằm cải thiện, khắc phục và xử lý dứt điểm 03 “điểm đen” ô nhiễm môi trường nói trên, đồng thời không để phát sinh mới các điểm đen ô nhiễm môi trường trên địa bàn, UBND TP. Vũng Tàu đã đề ra các giải pháp xử lý cụ thể.
Theo đó, đối với “ điểm đen’’ ô nhiễm nước thải và mùi hôi do hoạt động chế biến hải sản tại khu vực Trường mầm non Cỏ May và phường 12, thời gian tới UBND TP. Vũng Tàu sẽ chủ động khảo sát, nắm bắt thông tin, tiếp nhận các phản ánh có liên quan, kịp thời báo cáo, kiến nghị và phối hợp với các cơ quan trong tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử ý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường; trường hợp doanh nghiệp vi phạm nhiều lần và không có biện pháp khắc phục đảm bảo yêu cầu thì sẽ đề nghị tạm đình chỉ hoạt động.
Chủ động phối hợp với các sở, ngành chức năng tăng cường giám sát, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp chế biến hải sản cải tạo triệt để hệ thống thu gom và xử lý nước thải của cơ sở. Các đường thu gom nước thải về hệ thống xử lý nước thải tậ trung phải được xây dựng kín, các công đoạn của hệ thống xử lý nước thải tập trung không cần mặt thoáng để tiếp xúc không khí, đề nghị thiết kế kín với chiều cao phù hợp, sử dụng quạt hút thu khí thải trước khi thải khí thải ra môi trường để hạn chế phát tán mùi hôi.
Bên cạnh đó, yêu cầu UBND phường, xã tăng cường kiểm soát địa bàn, quản lý tốt các cơ sở thuộc thẩm quyền và đặc biệt là không để phát sinh các cơ sở chế biến hải sản mới trong khu dân cư. Về lâu dài, sẽ di dời các cơ sở vào khu chế biến hải sản tập trung để xử lý dứt diểm được ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.
Đối với “điểm đen” ô nhiễm môi trường tại khu vực Cầu Rạch Bà, UBND TP. Vũng Tàu sẽ nhanh chóng hoàn thiện chi tiết khu vực Cầu Rạch Bà đề xuất UBND tỉnh bố trí vốn để cắm mốc hành lang bảo vệ, xây dựng đường kè quanh hồ, nạo vét lòng hồ, trồng cây xanh quanh hồ; Yêu cầu UBND các phường xã thuộc khu vực tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của người dân sinh sống quanh hồ và dọc tuyến kênh thu gom nước chảy vào hồ; yêu cầu 100% dân cư sinh sống tại khu vực thực hiện thu gom và chuyển giao rác thải sinh hoạt để đưa đi xử lý theo đúng quy định; tổ chức thu gom rác thải tồn đọng trên mặt hồ và xung quanh hồ; tăng cường giám sát, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức xả thải xuống hồ, kênh thoát nước; tăng cương kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng công trình lấn chiếm kênh, hồ…
Ngoài ra, để xử lý tình trạng ngập úng và ô nhiễm môi trường tại một số dự án ven kênh Bến Đình, UBND Tp. Vũng Tàu cũng đã xây dựng giải pháp thực hiện như: tập trung nâng cao nhận thức của người dân dọc bờ kênh không xả rác xuống kênh, triển khai việc thu gom rác thường xuyên, vận động người dân tham gia đăng ký đổ rác, ngư dân trên các ghe tàu có thùng rác, khi neo đậu không xả rác xuống kênh; các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chấp hành nghiêm việc bảo vệ môi trường, không xả thải xuống kênh; lắp đặt camera giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý các cá nhân, tổ chức đổ rác thải không đúng nơi quy định…
Về lâu dài, UBND TP. Vũng Tàu sẽ trình UBND tỉnh xin chủ trương để thực hiện cải tạo, nâng cấp kè Bến Đình; đầu tư bổ sung thêm các cống thoát nước tại khu vực, lắp đặt hệ thống van ngăn triều cường tại các miệng cống để hạn chế ngập úng, cũng như ngăn chặn được tình trạng tồn đọng rác thải do thủy triều đem lại.
Theo baotainguyenmoitruong.vn