CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

TP.Hòa Bình về đích nông thôn mới, môi trường là tiêu chí quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống

0

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 269/QĐ-TTg ngày 8/3/2019 công nhận TP. Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2018. Sau 8 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay 7/7 xã của TP. Hòa Bình được công nhận đạt chuẩn NTM. Đây là địa phương đầu tiên của tỉnh Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

IMG 8086
Mô hình trồng hoa lan cho thu nhập cao tại xã Trung Minh.

Năm 2011, xã Yên Mông là một trong 11 xã được UBND tỉnh Hòa Bình chọn làm điểm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM của tỉnh. Xã Yên Mông, Dân Chủ, Sủ Ngòi triển khai đề án thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2011 – 2015, xã Thống Nhất, Hoà Bình, Trung Minh, Thái Thịnh triển khai đề án thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2018.

Chúng tôi về Yên Mông, Dân Chủ và Sủ Ngòi. Đây là 3 xã đầu tiên của TP. Hòa Bình được công nhận đạt chuẩn NTM (tháng 6.2015), diện mạo nông thôn ở đây thay đổi rõ rệt. Đường làng rộng thênh thang, những ngôi nhà cao tầng, nhà xây theo kiểu biệt thự “mọc lên” san sát; môi trường nông thôn sạch sẽ, khang trang.

a
Công trình nhà văn hóa trung tâm xã Dân Chủ được đầu tư xây dựng đạt chuẩn đáp ứng nhu cầu hội họp sinh hoạt của nhân dân.

Một trong những yếu tố tạo nên kết quả đó là do cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động được cả hệ thống chính trị, đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào thi đua “chung sức xây dựng NTM”. Xác định người dân đóng vai trò chủ thể và cũng là đối tượng thụ hưởng kết quả của phong trào, vì vậy, mỗi công trình đều mang đậm dấu ấn của người dân. Từ việc đóng góp tiền của, ngày công, hiến đất đến việc trực tiếp xây dựng, quản lý đều được người dân bàn bạc công khai. Nhiều công trình dân sinh, hay hoạt động phong trào ở địa phương đạt kết quả hơn mong đợi là do chính người dân đưa ra ý tưởng, tự vận động, tuyên truyền và triển khai thực hiện.

IMG 2106
Trạm y tế xã Hòa Bình được đầu tư xây dựng đạt chuẩn đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

Xác định phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân là đòn bẩy trong quá trình xây dựng NTM, thành phố đã thực hiện các giải pháp về phát triển nông nghiệp, nông thôn trọng tâm là chỉ đạo, hướng dẫn 7 xã lập các dự án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân dựa trên tiềm năng và lợi thế của mỗi địa phương nhằm dần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tạo ra sản phẩm lợi thế, đặc sản vùng, như: dự án chăn nuôi bò, dự án phát triển sản xuất rau màu, trồng nấm Linh Chi, trồng ổi, nhãn, cây ăn quả có múi, nuôi cá lồng vùng lòng hồ… Mỗi xã đã xác định sản phẩm chủ lực để triển khai thực hiện Đề án “Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2017-2020 định hướng đến 2030. Thành phố thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn và đầu tư thực hiện các mô hình nuôi thí điểm, nhân rộng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả, đã tổ chức 310 lớp tập huấn có 26.291 lượt người tham dự, nội dung tập huấn về áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển sản xuất với tổng kinh phí trên 3,9 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố và phát triển khoa học công nghệ của tỉnh… Việc phát triển sản xuất đúng hướng đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và giảm tỷ lệ hộ nghèo của khu vực nông thôn. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 15,8 triệu đồng/người/năm 2011 lên 38,84 triệu đồng/người/năm 2018; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,31%.

IMG 8086 (1)
Mô hình chăn nuôi bò thịt của HTX nông nghiệp xã Dân Chủ đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Là địa phương đầu tiên của tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, ông Nguyễn Thanh Huy, Chủ tịch UBND TP. Hòa Bình cho biết: Chính quyền xác định bảo vệ môi trường là tiêu chí nâng cao chất lượng cuộc sống nên ngay khi bắt tay vào thực hiện chương trình, trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, thành phố đã rà soát, đối chiếu với các tiêu chí, chỉ tiêu để có cách làm phù hợp, xác định được những tiêu chí quan trọng để ưu tiên làm trước; quan tâm đến tiêu chí nước sạch, vệ sinh môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

Qua 8 năm (2011-2018) thực hiện, tổng nguồn vốn huy động đầu tư cho xây dựng NTM trên địa bàn thành phố Hoà Bình là 775,6 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 42,22 tỷ đồng. Các tổ chức đoàn thể chính trị  – xã hội vận động hội viên, nhân dân trồng các tuyến đường cây, đường hoa, tạo cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp. Những con đường đã góp phần khoác lên một diện mạo mới cho nông thôn.

Theo baotainguyenmoitruong.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.