CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

TP.HCM xây dựng trường học xanh

0

(TN&MT) – Bên cạnh phong trào thi đua dạy tốt – học tốt, tập thể cán bộ giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Việt (Quận 9, TP.HCM) còn đồng lòng tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng trường học xanh.

Cô Phạm Ngọc Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Việt cho biết: Trường Tiểu học Lê Văn Việt được đầu tư xây dựng và hoàn thành năm 2012 với 31 phòng học, quy mô 1.225 học sinh. Năm 2018, Trường Tiểu học Lê Văn Việt đã đạt Chuẩn Quốc gia mức độ II. Trong nhiều năm qua, bên cạnh việc tổ chức tốt các hoạt động giáo dục theo nội dung chương trình chính khóa, Nhà trường luôn ưu tiên xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục bảo vệ môi trường, hướng tới một môi trường giáo dục xanh và thân thiện, mang tính khoa học và đổi mới.

Học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Việt trong một tiết học thực tế tại vườn cây trong khuôn viên Trường

Trường học xanh – sạch – đẹp

Ấn tượng đầu tiên khi tới thăm Trường Tiểu học Lê Văn Việt là khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ và rất nhiều cây xanh. Được biết, ngay từ những ngày đầu thành lập, Ban Giám hiệu Trường đã quan tâm trồng nhiều cây xanh cho bóng mát phù hợp với trường học, như cây bàng lá to, bàng lá nhỏ, bàng quả vuông, cây phượng, cây hoàng nam, sa kê và một số cây dầu. Hàng năm, Nhà trường đều có Kế hoạch thực hiện việc chăm sóc, tỉa cành cây, hạ bớt ngọn để hạn chế chiều cao nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão và an toàn trường học. Vì vậy, cây xanh trong trường luôn xanh tốt, đơm bông tỏa hương sắc giúp cho cảnh quan nhà trường thêm đẹp và thân thiện.

Ngoài ra, Trường Tiểu học Lê Văn Việt có 2 khu vườn rộng rộng khoảng 1.000 m2, được trồng nhiều loại cây rau và hoa rất phong phú để học sinh xuống học tập ngoại khóa, học thực tế ngoài khuôn khổ lớp học. Đồng thời, Nhà trường đã đầu tư một hệ thống trồng rau bằng phương pháp thuỷ canh và một hệ thống vừa trồng rau xanh vừa kết hợp hệ thống nuôi cá (Aquaponics), giúp cho các em học sinh có thể học tập theo mô hình giáo dục STEM.

Đặc biệt, khi tới thăm Trường Tiểu học Lê Văn Việt, nhiều người không khỏi ngạc nhiên bởi hình ảnh rất nhiều vòi nước được đặt tại các gốc cây, chậu hoa trong khuôn viên trường. Được biết, đây là mô hình hệ thống vòi nước sạch kết hợp rửa tay với tưới cây giúp tiết kiệm nước, giảm nhân công lao động và đem lại sự thuận lợi trong sinh hoạt cho học sinh.

Theo cô Phạm Ngọc Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Việt, với mô hình vòi rửa tay kết hợp tưới cây này, mỗi năm Nhà trường đã tiết kiệm được một khối lượng nước đáng kể. Ngoài ra, các em học sinh còn được hướng dẫn cách sử dụng tiết kiệm nước, đơn giản chỉ là việc mở vòi nước đủ dùng, sau đó nhớ khóa lại, không để nước chảy tràn bừa bãi.

Mô hình vòi nước rửa tay kết hợp tưới cây giúp tiết kiệm nước tại Trường Tiểu học Lê Văn Việt (Quận 9, TP.HCM)

Bảo vệ môi trường không cần khẩu hiệu

Tại Trường tiểu học Lê Văn Việt, không có một biển báo nhắc nhở như “cấm xả rác bừa bãi”, “bỏ rác đúng nơi quy định”, vì theo cô Hiệu trưởng Phạm Ngọc Lan,  học sinh đã rèn được ý thức tự giác về bỏ rác đúng nơi quy định và biết phân loại rác đúng cách. Theo đó, hàng năm, Trường xây dựng Kế hoạch tổ chức tuyên truyền phân loại rác thải đúng cách cho 100% các em học sinh.

Không chỉ là những buổi tuyên truyền toàn trường, mà được tổ chức từng lớp, đảm bảo tất cả học sinh đều được thực hành phân loại rác đúng cách, bỏ rác đúng nơi quy định. Nhà trường cũng đã trang bị đủ hệ thống thùng rác 3 ngăn thuận lợi cho việc phân loại rác tại nguồn giúp cho học sinh dễ nhìn, dễ thực hiện. Cho nên, trong khuôn viên nhà trường luôn sạch sẽ, hầu như không có hiện tượng rác rơi vãi.

Bên cạnh đó, Trường Tiểu học Lê Văn Việt cũng hưởng ứng mạnh mẽ phong trào “Chống rác thải nhựa” bằng việc thực hiện hạn chế và từng bước nói không với túi ni lông và đồ dùng nhựa dùng một lần trong Nhà trường. Để làm được điều này, Nhà trường không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền về tác hại của túi ni lông đối với môi trường mà bằng những hành động cụ thể.

Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh thường mua đồ ăn sáng cho con được đựng trong các hộp xốp dùng một lần và kèm theo đó là muỗng nhựa, túi ni lông.Trung bình, có khoảng 20% học sinh đem đồ ăn sáng tới trường thì một khối lượng hộp xốp và túi ni lông không nhỏ được mang tới trường và thải ra môi trường.

Để giải quyết vấn đề này, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Lê Văn Việt đã lên kế hoạch vận động toàn thể giáo viên và học sinh sử dụng hộp đựng đồ ăn dùng nhiều lần để mang đồ ăn sáng tới trường. Đầu tiên, Ban Giám hiệu Nhà trường và toàn thể cán bộ, giáo viên đã gương mẫu, tiên phong thực hiện. Đến nay, hầu hết giáo viên, học sinh của Trường khi mang đồ ăn sáng tới trường đều dùng hộp đựng nhiều lần và bình nước chuyên dùng, không sử dụng hộp xốp và túi ni lông.  “Cuộc vận động hạn chế dùng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần bước đầu đã đạt hiệu quả”, cô Phạm Ngọc Lan khẳng định.

Ngoài ra, để giúp học sinh hiểu được giá trị và biết cách tái chế, tái sử dụng rác thải, Nhà trường đã phát động thi đua sáng tạo tái chế rác thải rắn trở thành vật dụng hữu ích. Theo đó, các thầy cô giáo và học sinh đã tận dụng vỏ lốp xe hơi cũ, vỏ can nhựa đựng xà bông, nước xả vải tái chế, sơn vẽ trang trí thành các sản phẩm phục vụ học sinh học tập môn thể dục, giáo dục thể chất, vui chơi và làm thành các bồn cây sinh động để trồng rau, trồng hoa…

Học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Việt với những chậu hoa được làm từ sản phẩm đã qua sử dụng

 “Thành quả lớn nhất trong công tác giáo dục bảo vệ môi trường là các em học sinh của Trường đã bắt đầu có sự thay đổi từ nhận thức đến hành động, thói quen và hình thành ý thức chuẩn mực bảo vệ môi trường vì một môi trường sống Xanh – Sạch – Đẹp và thân thiện. Những việc này dần dần trở thành thói quen, không cần sự giám sát của nhà trường, thầy cô, bố mẹ”, cô Phạm Ngọc Lan tự hào.

Được biết, Trường Tiểu học Lê Văn Việt đã được vào vòng chung kết Hội thi Trường học Xanh năm học 2019 – 2020. Đánh giá sau buổi khảo sát thực tế, bà Ngô Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (thuộc Sở TN&MT TP.HCM) cho biết: Trường Tiểu học Lê Văn Việt là một trong những điển hình trong xây dựng mô hình trường học xanh tại TP.HCM. Theo đó, Trường đã phát triển và chăm sóc mảng xanh hiệu quả, có giải pháp khuyến khích giảm rác thải nhựa nhựa cụ thể và nhiều giải pháp giáo dục học sinh về bảo vệ môi trường.

Hội thi “Trường học xanh TP.HCM năm 2019 – 2020”

Ngày 27/9/2019, Sở TN&MT TP.HCM và Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch tổ chức Hội thi “Trường học Xanh năm 2019 – 2020” dành cho các trường học trên toàn địa bàn thành phố. Đến nay, trải qua nhiều vòng thi, Ban Tổ chức đã lựa chọn được 41 Trường Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học phổ thông, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp được vào vòng chung kết cấp thành phố. Trên cơ sở kết quả Hội thi, Sở TN&MT và Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp tham mưu UBND TP.HCM ban hành Tiêu chí Trường học Xanh và triển khai Chương trình Xây dựng Trường học Xanh giai đoạn 2021 – 2025.

Theo baotainguyenmoitruong.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.