(TN&MT) – Để hoàn thành mục tiêu giảm 50% rác thải nhựa trên biển vào năm 2025, giảm 75% vào năm 2030, TP.HCM đã đề ra và thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả…
Theo Sở TN&MT TP.HCM, chất thải nhựa chiếm khoảng 1.800 tấn trong tổng số hơn 9.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt thải ra mỗi ngày trên địa bàn thành phố, trong đó, chỉ có khoảng 200 tấn được tái chế, còn lại được xử lý chôn lấp cùng các loại chất thải rắn khác. Bên cạnh đó, một lượng không nhỏ rác thải nhựa trôi dạt trên vùng biển Cần Giờ chưa được thu gom, xử lý triệt để.
UBND huyện Cần Giờ tặng giỏ đi chợ dùng nhiều lần cho người dân nhằm hạn chế sử dụng túi ni lông |
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Những năm qua, TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát ô nhiễm do chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy theo hướng tiết giảm (giảm sử dụng và phát sinh chất thải nhựa), tăng cường tái sử dụng, tái chế. Nhiều chương trình đã được các Sở, ngành triển khai, nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, trường học, cơ quan thực hiện nhằm hạn chế chất thải nhựa.
Ngày 29/7/2019, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch về thực hiện phong trào Chống rác thải nhựa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019 – 2021. Theo đó, các cơ quan hành chính Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn thành phố phải có kế hoạch cắt giảm các sản phẩm nhựa dùng một lần trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác của cơ quan, đơn vị; không sử dụng ly nhựa, ống hút nhựa sử dụng một lần trong tất cả các hoạt động hàng ngày. Trong đó, từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hội viên các tổ chức đoàn thể, nhân dân thành phố đã được vận động thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa; giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa, tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Đặc biệt, cuối tháng 7/2020, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn thành phố đến năm 2030. Kế hoạch trên nhằm mục tiêu tăng cường công tác quản lý và ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển; góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, nâng cao ý thức về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường biển, giúp hình thành thói quen giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy trong mọi hoạt động trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy. Đến năm 2030, TP.HCM sẽ giảm 75% rác thải nhựa trên biển; 100% các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy. Để thực hiện được mục tiêu trên, TP.HCM đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, phân định rõ trách nhiệm của từng Sở, ngành, đơn vị.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Để hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch, Sở TN&MT sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện việc xây dựng các nội dung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử của cộng đồng với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương.
Đồng thời, Sở TN&MT phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Sở Công Thương, Sở Du lịch… thực hiện việc điều tra, thống kê, phân loại các nguồn thải nhựa phát sinh từ đất liền, từ các hoạt động trên biển; thực hiện tốt mô hình phân loại chất thải, rác thải nhựa tại nguồn; xây dựng, hoàn thiện hệ thống thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý rác thải nhựa tại các khu công nghiệp, đô thị, khu du lịch ven biển, ven sông, cảng theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa từ các hoạt động khu vực ven biển và trên biển. Theo đó, huyện sẽ tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào, chiến dịch thu gom, làm sạch bãi biển (tối thiểu 2 lần/năm); việc tổ chức này có thể lồng ghép vào các chương trình, sự kiện về bảo vệ môi trường, biển và hải đảo như: Ngày Môi trường Thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam…
Cũng theo lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ, huyện sẽ huy động sự tham gia của người dân trong thu gom, phân loại rác thải nhựa đại dương. Đồng thời, huyện sẽ thực hiện nhiều giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu cũng như có biện pháp xử lý đối với các hành vi thải bỏ, làm thất lạc ngư cự khai thác thủy sản ở trên biển không đúng quy định.
Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ tổ chức xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu về rác thải nhựa đại dương thống nhất, phù hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải. Thành phố cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về xử lý rác thải nhựa đại dương.
Nguồn baotainguyenmoitruong.vn