CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

TP.HCM cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu Chương trình giảm ô nhiễm môi trường

0
(TN&MT) – Sau 5 năm triển khai Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 – 2020 với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung tay đồng lòng của người dân, đến nay TP.HCM đã hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu đặt ra.

Hơn 94% tỷ lệ người dân cam kết BVMT

Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 – 2020 là 1 trong 7 chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 – 2020. Ngày 11/11/2016, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 5927/QĐ-UBND về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X về Chương trình giảm ô nhiễm giai đoạn 2016 – 2020. Đến ngày 11/6/2017, HĐND TP.HCM ban hành Nghị quyết số 03/NQ-HĐND về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn thành phố.

Đặc biệt, để kêu gọi toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, ngày 19/10/2018, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU về thực hiện cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Sở TN&MT là cơ quan quản lý Nhà nước trực tiếp, đầu mối triển khai Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 – 2020; Nghị quyết số 03/2018 của HĐND TP.HCM và Chỉ thị 19 của Ban Thường vụ Thành ủy. Nhận thức được vai trò, trách nhiệm, Đảng ủy Sở TN&MT đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo Ban Giám đốc Sở và thủ trưởng các phòng, ban chuyên môn trong việc triển khai các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình giảm ô nhiễm.

“Hàng năm, Sở TN&MT đều giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tập thể, cá nhân trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình giảm ô nhiễm. Đây là cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức cuối năm” – ông Nguyễn Toàn Thắng chia sẻ.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT đã tập trung tham mưu cho HĐND, UBND TP.HCM ban hành nhiều văn bản trong công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố. Đồng thời, Sở TN&MT đã phối hợp với các Sở, ngành, đoàn thể và UBND các quận, huyện đẩy mạnh tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường, vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch. Đến nay, 100% phường, xã, thị trấn của TP.HCM tổ chức 7.324 cuộc đối thoại với người dân, vận động hơn 94% ký cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác ra đường và kênh rạch.

Các lực lượng tham gia xóa điểm đen ô nhiễm môi trường

Cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM, sự tham gia phối hợp của các Sở, ban, ngành, UBND 24 quận huyện, đặc biệt là sự chung ta của đông đảo người dân thành phố, đến nay Chương trình giảm ô nhiễm giai đoạn 2016 – 2020 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu đề ra.

Theo đó, TP.HCM đã hoàn thành chỉ tiêu 100% chất thải rắn thông thường, chất thải rắn công nghiệp nguy hại, chất thải y tế được thu gom, lưu giữ và xử lý an toàn; 100% các khu Công nghiệp được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung và vận hành đảm bảo các quy chuẩn môi trường Việt Nam…. Tỷ lệ cơ sở công nghiệp đầu tư hệ thống xử lý khí thải tại nguồn hoặc sử dụng nhiên liệu ít gây ô nhiễm (điện, DO, CNG…) đạt chỉ tiêu đề ra (98%). Tất cả các bệnh viện đều được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Tỷ lệ năng lượng tái tạo hiện nay đạt khoảng 1,8%, vượt chỉ tiêu 0,06%.

Để hoàn thành mục tiêu hết năm 2020 giảm tỷ lệ chôn lấp rác xuống dưới 50%, TP.HCM đã khởi công xây dựng 2 nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt phát điện tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc với tổng công suất 4.000 tấn/ngày và 1 nhà máy xử lý, tái chế chất thải công nghiệp – chất thải nguy hại tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước công suất 500 tấn/ngày… Dự kiến, sắp tới, TP.HCM sẽ khởi công xây dựng Nhà máy xử lý chất thải chất thải rắn sinh hoạt – công nghiệp – nguy hại tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc với tổng công suất 1.120 tấn/ngày.

Đặc biệt, đến nay, TP.HCM có 317/322 phường, xã, thị trấn được công nhận đạt tiêu chí “sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch”, đạt tỷ lệ 98,44% (vượt chỉ tiêu Kế hoạch là 90%). Trang bị thêm hơn 34.000 thùng rác công cộng; xã hội hóa lắp đặt, bổ sung hơn 28.000 ca-mê-ra an ninh kết hợp giám sát chất lượng vệ sinh môi trường trên đường phố và dọc các tuyến kênh rạch.  Đến nay, TP.HCM xử lý được 814/824 (đạt 98,78%) điểm ô nhiễm về rác thải, chuyển hóa 142 điểm thành khu vực sinh hoạt cộng đồng.

Tuy vậy, Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 – 2020 có 2 chỉ tiêu khó có thể hoàn thành trong năm 2020 bao gồm: 80% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý tập trung đạt quy chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường; giảm 90% tải lượng chất ô nhiễm vượt chuẩn thải vào nguồn nước mặt.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục vận động người dân tham gia cùng chính quyền trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Trong đó, tập trung vào thành phần học sinh, sinh viên và lao động nhập cư để thay đổi thói quen bảo vệ môi trường trong sinh hoạt hằng ngày…

Ngoài ra, Sở TN&MT TP.HCM sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm của các cơ sở sản xuất kinh doanh, các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, các cơ sở hoạt động vận tải thủy, phương tiện vận tải thủy. Đồng thời, vận hành thường xuyên hệ thống quan trắc nước thải tự động tại cửa xả nước thải của hệ thống xử lý nước thải tập trung ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

Theo baotainguyenmoitruong.vn
Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.