CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Tổng cục Môi trường và Hội Độc học môi trường và Hóa học khu vực châu Á – Thái Bình Dương ký kết hợp tác về lĩnh vực môi trường

0

Sáng nay, tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường đã diễn ra Lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tổng cục Môi trường và Hội Độc học môi trường và Hóa học khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy hợp tác giữa về đào tạo tập huấn, trao đổi thông tin về tăng cường năng lực quản lý môi trường và kiểm soát ô nhiễm môi trường.

Lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tổng cục Môi trường và Hội Độc học môi trường và Hóa học khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Tham dự lễ ký kết , về phía Tổng cục Môi trường có ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cùng đại diện các đơn vị trực thuộc Tổng cục. Về phía Hội Độc học môi trường và Hóa học khu vực châu Á- Thái Bình Dương có TS. Ross Smith – Thành viên Hội đồng Hội Độc học môi trường và Hóa học toàn cầu; đại diện Hội Độc học môi trường và Hóa học khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết: Chúng ta đang phải đối mặt với thách thức môi trường đang có nguy cơ ngày càng tăng cao, do sức ép từ phát triển kinh tế, sự thay đổi cơ cấu xã hội và những biến đổi trong tự nhiên. Vì vậy bảo vệ môi trường là vấn đề chung toàn cầu, đòi hỏi nỗ lực của các quốc gia, khu vực và toàn thế giới. Thực tế tại Việt Nam hiện nay, ô nhiễm môi trường đã và đang ảnh hưởng đến đời sống, tài sản và sinh kế của hàng triệu người dân, và sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai. Ô nhiễm môi trường đã tích tụ đến mức đáng lo ngại và cần có các giải pháp quyết liệt để xử lý.

Trong thời gian vừa qua, Tổng cục Môi trường và Hiệp hội Độc học môi trường và Hóa học Châu Á – Thái Bình Dương đã có những hoạt động hợp tác rất có ý nghĩa đã tạo ra một số diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà quản lý thảo luận về các vấn đề môi trường hiện tại và chia sẻ kinh nghiệm quản lý môi trường nhằm tăng cường hợp tác nghiên cứu và đào tạo giữa các nước phát triển và đang phát triển. “Việc ký kết Biên bản ghi nhớ này đánh dấu một bước tiến rất quan trọng để thể hiện hành động và nỗ lực cho việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai Bên” – ông Hoàng Văn Thức nhấn mạnh.

TS.Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường phát biểu tại Lễ ký kết

Với mục tiêu nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai Bên về đào tạo, tập huấn, trao đổi thông tin về quản lý môi trường và kiểm soát ô nhiễm, phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường, Tổng cục Môi trường rất mong muốn với kinh nghiệm lâu năm, cùng với đội ngũ các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới, thông qua các hoạt động cụ thể, SETAC sẽ phối hợp, hỗ trợ chúng tôi để xây dựng nguồn nhân lực là các nhà quản lý, nhà khoa học để phục vụ quản lý môi trường tốt hơn tại Việt Nam. Biên bản ghi nhớ ngày hôm nay là bước khởi đầu cho sự hợp tác lâu dài giữa Tổng cục Môi trường và SETAC. Để hoạt động hợp tác hiệu quả, Tổng cục Môi trường yêu cầu các đơn vị thuộc Tổng cục, đặc biệt là Viện Khoa học môi trường- đơn vị được giao chủ trì, chủ động đề xuất những nội dung hợp tác cụ thể, khả thi để cụ thể hóa nội dung đã ký kết.

TS. Ross Smith – Thành viên Hội đồng Hội Độc học môi trường và Hóa học toàn cầu, đại diện Hội Độc học môi trường và Hóa học khu vực châu Á- Thái Bình Dương phát biểu tại Lễ ký kết

Phát biểu tại Lễ ký kết, TS.Ross Smith – Thành viên Hội đồng Hội Độc học môi trường và Hóa học toàn cầu, đại diện Hội Độc học môi trường và Hóa học khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho biết: Hội Độc học môi trường và Hóa học là một tổ chức toàn cầu hoạt động theo nhiều khu vực khác nhau với triết lý quản lý môi trường thông qua khoa học. Nguyên tắc hoạt động 3 bên bao gồm Chính phủ – nhà khoa học và giới kinh doanh, hoạt động nhằm nâng cao chất lượng môi trường, hỗ trợ cơ quan quản lý môi trường trên cơ sở khoa học.

Chúng tôi rất vui mừng được tham gia hỗ trợ Việt Nam trong quản lý chất lượng môi trường. Đây là lần đầu tiên SETAC ký biên bản hợp tác lâu dài và tôi tin rằng đây là sự khởi đầu tốt đẹp“- .TS.Ross Smith nói.

Mục tiêu của Biên bản ghi nhớ (MOU) này nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai Bên về, đào tạo, tập huấn, trao đổi thông tin về tăng cường năng lực quản lý môi trường và kiểm soát ô nhiễm; tăng cường năng lực Việt Nam trong việc phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường; hỗ trợ và tăng cường năng lực Việt Nam trong việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; tăng cường hợp tác giữa các Bên trong nghiên cứu, giáo dục và đào tạo môi trường.

Theo Biên bản ghi nhớ, các bên có thể hợp tác trong các lĩnh vực sau: a) Tăng cường năng lực quản lý môi trường và kiểm soát ô nhiễm liên quan đến đánh giá tác động môi trường, đánh giá rủi ro môi trường và sinh thái do các tác nhân hóa chất độc hại; b) Tăng cường năng lực trong việc phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường; c) Tăng cường năng lực và hỗ trợ các hoạt động xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường; d) Tăng cường hợp tác giữa các Bên trong nghiên cứu, giáo dục và đào tạo môi trường, trong đó SETAC-AP giữ vai trò kết nối, tạo điều kiện hợp tác giữa Tổng cục Môi trường với các nhà nghiên cứu, giáo dục và đào tạo về môi trường phù hợp; e) Các lĩnh vực hợp tác khác do các Bên cùng quyết định.

Ngay sau Lễ ký kết, hai bên đã trao đổi về kế hoạch hợp tác giữa Tổng cục Môi trường và SETAC-AP; đồng thời được nghe TS. Ross Smith chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Các nội dung nghiên cứu hợp tác giữa Tổng cục Môi trường và Hội Độc học môi trường và Hóa học khu vực châu Á- Thái Bình Dương

I.Nghiên cứu đánh giá, xây dựng chính sách phục vụ công tác quản lý

1. Xây dựng các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường.

2. Điều tra, khảo sát xây dựng quy trình cảnh báo sớm sự cố ô nhiễm môi trường do khai thác khoáng sản (Ví dụ: bô-xit).

3. Đánh giá hiện trạng ô nhiễm môi trường không khí.

4. Áp dụng công cụ kinh tế trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường.

II. Nhóm các nội dung nâng cao năng lực

1. Thành lập mạng lưới các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực quan trắc môi trường giữa SETAC- AP và Việt Nam.

2. Trao đổi, hỗ trợ chuyên gia trong công tác xử lý số liệu, sự báo, cảnh báo chất lượng môi trường; hỗ trợ chuyên gia về kỹ thuật, nghiệm vụ quan trắc môi trường không khí.

3. Tổ chức các khóa tập huấn về “Nâng cao năng lực trong hoạt động quan trắc và phân tích thủy ngân, các hợp chất hữu cơ như VOCs và các độc chất trong môi trường.

4. Tổ chức các khóa tập huấn về “Nâng cao năng lực trong hoạt động quan trắc và phân tích thủy ngân, các hợp chất hữu cơ như VOCs và các độc chất trong môi trường.

5. Tăng cường năng lực quản lý và cải thiện chất lượng môi trường liên quan đến đánh giá rủi ro môi trường và sinh thái do các tác nhân hóa học độc hại.

6. Tăng cường năng lực quản lý môi trường và ứng phó, khắc phục sự cố môi trường từ khai thác bô-xit tại Việt Nam.

CTTĐT

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.