CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Tình hình phát sinh chất thải rắn thông thường

0

Dưới đây tổng hợp đánh giá về tình hình phát sinh chất thải rắn thông thường bao gồm: chất thải rắn sinh hoạt; chất thải rắn công nghiệp; chất thải rắn nông nghiệp; chất thải rắn y tế thông thường.

Chất thải rắn sinh hoạt

Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hiện nay lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị (chủ yếu từ các hộ gia đình, khu vực công cộng như đường phố, chợ, văn phòng, trường học,…) khoảng 38.000 tấn/ngày, tại khu vực nông thôn khoảng 32.000 tấn/ngày. Ước tính lượng chất thải rắn sinh hoạt ở các đô thị phát sinh trên toàn quốc tăng trung bình 10 – 16% mỗi năm. Tại hầu hết các đô thị khối lượng chất thải rắn sinh hoạt chiếm khoảng 60-70% chất thải rắn đô thị (một số đô thị tỷ lệ này lên đến 90%).

Hiện nay, túi nilon và rác thải nhựa tử đang nổi lên như vấn đề đáng lo ngại trong quản lý chất thải rắn; theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon.

Chất thải rắn công nghiệp

Hàng năm, chất thải rắn công nghiệp phát sinh khoảng 25 triệu tấn, trong đó chất thải rắn từ các khu công nghiệp phát sinh khoảng 8,1 triệu tấn/năm; từ hoạt động khai thác khoáng sản khoảng 3 triệu tấn/năm. Chất thải rắn phát sinh từ ngành công nghiệp nhiệt điện than: Việt Nam hiện có 23 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động với tổng công suất lắp đặt khoảng 13.110 MW. Theo tính toán của Bộ Công Thương, chỉ riêng lượng tro, xỉ tích lũy của các nhà máy nhiệt điện hiện nay là 61 triệu tấn, dự kiến đến năm 2020 là 109 triệu tấn, đến năm 2025 là 248 triệu tấn và đến năm 2030 sẽ là 422 triệu tấn. Việc phải chuẩn bị một quỹ đất quá lớn để làm bãi chứa cho lượng tro xỉ này là thách thức rất lớn trong thời gian tới.

Chất thải rắn phát sinh từ ngành công nghiệp chế biến: Sự phát triển nhanh chóng của ngành chế biến cũng kéo theo những bất cập trong việc quản lý và xử lý chất thải sau chế biến, đáng kể nhất là phế liệu và chất thải rắn như đầu, xương, da, vây, vảy, vỏ tôm… những phế liệu dễ lên men thối rữa và phân hủy. Tỷ lệ phế liệu và chất thải rắn phụ thuộc vào mặt hàng sản xuất và vào loài cũng như chất lượng nguyên liệu… Hiện cả nước có hơn 35.000 cơ sở giết mổ (Số liệu tính đến tháng 1/2017). Tại các cơ sở giết mổ tập trung (tập trung chủ yếu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh), tuy đã xây dựng hệ thống xử lý chất thải nhưng nhiều cơ sở vẫn chưa đạt yêu cầu. Các điểm giết mổ nhỏ lẻ (phân bố rộng khắp cả nước) chủ yếu nằm trong các khu dân cư và phát triển một cách tự phát, cơ sở vật chất hầu như không có nơi dành riêng cho từng công đoạn, không tách biệt giữa khu sạch và khu bẩn; các loại chất thải xả tràn lan hoặc thải trực tiếp xuống sông, cống rãnh thoát nước.

Chất thải rắn nông nghiệp

Hàng năm, hoạt động nông nghiệp phát sinh khoảng 76 triệu tấn rơm rạ, 85-90 triệu tấn chất thải chăn nuôi, hơn 14.000 tấn bao gói thuốc bảo vệ thực vật, phân bón các loại sau sử dụng.

Chất thải rắn y tế thông thường

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tổng lượng chất thải rắn y tế thông thường phát sinh tại các bệnh viện, cơ sở y tế khoảng 403 tấn/ngày. Tỷ lệ gia tăng chất thải rắn y tế khoảng 7%/năm, phụ thuộc vào số giường bệnh, tình hình thực hiện các kỹ thuật y tế và sự tiếp cận của người dân đối với dịch vụ y tế. Chất thải rắn y tế phát sinh ngày càng gia tăng ở hầu hết các địa phương, xuất phát từ một số nguyên nhân như: gia tăng số lượng cơ sở y tế và tăng số giường bệnh; tăng cường sử dụng các sản phẩm dùng một lần trong y tế; dân số gia tăng, người dân ngày càng được tiếp cận nhiều hơn với dịch vụ y tế.

CTTĐT

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.