Intel vừa chính thức giới thiệu các vi xử lý Intel Core thế hệ 10 Comet Lake để thay thế cho Whiskey Lake thế hệ 8. Đồng thời hướng đến các laptop mỏng nhẹ với thời lượng pin dài cùng khả năng đáp ứng xử lý đa luồng tối ưu.
Comet Lake, Ice Lake và Whiskey Lake
Comet Lake thực tế khá tương đồng với Whiskey Lake (thế hệ 8) khi cả hai đều dùng kiến trúc CPU 14nm. Comet Lake được tăng tốc độ xử lý cao hơn nhưng vẫn có cùng sự ràng buộc về nhiệt độ.
Cả hai thế hệ vi xử lý này chủ yếu áp dụng 4 nhân và 8 luồng xử lý, riêng Comet Lake có thêm tùy chọn 6 nhân 12 luồng xử lý. Và hơn hết, Intel giới thiệu Comet Lake (14nm) là chip Intel Core thế hệ thứ 10, cùng họ với Ice Lake (10nm) vừa ra mắt hồi đầu tháng.
Những mẫu vi xử lý Comet Lake mới này được kỳ vọng mang đến hiệu năng gấp đôi so với thế hệ tiền nhiệm. Đây cũng là lần đầu tiên Intel trang bị đến 6 nhân xử lý 12 luồng xử lý cho dòng U-series với tốc độ CPU cao hơn, tương tác bộ nhớ nhanh hơn cùng việc tái định nghĩa lại kết nối tương lai của ngành công nghiệp máy tính với Intel Wi-Fi 6 (Gig+) và cổng giao tiếp Thunderbolt 3 linh hoạt.
Được biết, sẽ có thêm 90 thiết kế dựa trên họ vi xử lý Intel Core thế hệ 10 lên kệ trong kì nghỉ lễ sắp tới.
Hiệu năng
Tận dụng lợi thế về công nghệ và sở hữu trí tuệ, vi xử lý Intel Core thế hệ 10 cung cấp nền tảng tối ưu hướng đến nhu cầu và trải nghiệm tính toán đa dạng.
Dòng vi xử lý Intel Core thế hệ 10 Comet Lake áp dụng các bước tối ưu hóa trên quy trình sản xuất nền bán dẫn 14nm. Thực tế cho thấy, thế hệ vi xử lý mới như mẫu Core i7-10710U cho phép nâng cao hiệu năng tổng hợp thêm 16% và hơn 41% về năng suất cũng như đa nhiệm với Microsoft Office 365 khi so sánh với thế hệ tiền nhiệm là Core i7-8565U (thế hệ 8) ra mắt hồi năm ngoái, trong khi vẫn đảm bảo thời lượng pin tốt.
Các CPU Comet Lake vừa được giới thiệu cũng chia sẻ chung nền tảng kết nối tiên tiến tương tự các CPU Ice Lake cùng họ Intel Core thế hệ 10 đồng thời mở rộng thêm các thành viên mới cho họ vi xử lý Intel Core Gen 10 để mở rộng việc đáp ứng yêu cầu về hiệu năng và tốc độ xử lý dành cho nhu cầu công việc đa dạng hiện nay.
Khả năng đồ họa của các chip Comet Lake cũng có sự gia tăng nhẹ nhàng so với Intel Core thế hệ 8 Whiskey Lake vì nó vẫn kết hợp với đồ họa UHD Graphics thay vì Iris Plus như Ice Lake.
Tính năng
Khả năng kết nối tốc độ cao và an toàn được tích hợp đồng đều trên toàn bộ các thành viên của họ vi xử lý Intel Core thế hệ thứ 10.
Chúng được tích hợp Intel Wi-Fi 6 (Gig+) mang đến khả năng bảo mật WPA3 nâng cao để người dùng an tâm khi sử dụng, cùng việc tăng tốc nhanh hơn 3 lần cho thao tác tải tập tin nhanh và hiệu suất phản hồi cao hơn trong toàn bộ không gian trong nhà.
Các hệ thống tích hợp dòng vi xử lý này cũng có thể hỗ trợ một trình điều khiển Thunderbolt 3 cho phép mở rộng đến 4 cổng Thunderbolt 3, mỗi cổng đều có thể cấp năng lượng, đạt tốc độ tải 40Gb/giây kèm khả năng kết nối với hàng ngàn dock phụ kiện, màn hình và thiết bị ngoại vị trên thị trường, tất cả đều thông qua một cáp kết nối duy nhất.
Vi xử lý Comet Lake cũng hỗ trợ thiết kế tối ưu với công nghệ Intel Adaptix, hỗ trợ chế độ chờ hiện đại để bật máy nhanh hơn và cho phép nhiều dịch vụ trợ lý giọng nói được tích hợp vào trong máy tính cá nhân.
Gắn với Intel Adaptix, công nghệ Intel Dynamic Tuning cho phép các đối tác OEM tinh chỉnh các hệ thống dựa trên vi xử lý Intel Core thế hệ thứ 10 đạt hiệu năng cao hơn từ 8% đến 12% so với một hệ thống điển hình.
Trên một vài mẫu thiết kế, công nghệ Intel Dynamic Tuning cung cấp các thuật toán trí tuệ nhân tạo được huấn luyện trước để dự đoán khối lượng công việc và cho phép tăng tốc xử lý (turbo burst) khi cần thiết và kéo dài thời gian hoạt động ở chế độ turbo nhằm đảm bảo công việc.
Các CPU Comet Lake cũng hỗ trợ tốc độ bộ nhớ LPDDR4x, LPDDR3 và DDR4 lên đến 2,666MHz và Intel Optane Memory H10 với SSD. Intel đã giới thiệu 8 mẫu vi xử lý Comet Lake với xung nhịp turbo đạt đến 4,9GHz bao gồm cả U-series (dành cho máy tính xách tay) và Y-series (dành cho máy tính bảng).
Nhận dạng CPU Comet Lake qua tên mã
Khác với Ice Lake, các CPU Comet Lake vẫn duy trì cơ chế đặt tên truyền thống qua nhiều năm của Intel. Thử lấy vi xử lý Intel Core i7-10710U làm ví dụ. Đầu tiên “Intel Core” đơn giản là tên thương hiệu.
Tiếp đến là “i7” để bổ trợ cho thương hiệu và đó có thể là i3, i5, hoặc i7 với con số càng cao tương ứng với vi xử lý càng mạnh mẽ. Tiếp đến là hai số đầu tiên “10” biểu thị cho vi xử lý thế hệ 10.
Và ba số kế tiếp – trong ví dụ là 710 – biểu thị cho mẫu vi xử lý cụ thể và cuối cùng là U (hoặc Y) để thể hiện dòng sản phẩm. Cách đặt tên này giúp người dùng có thể phân biệt Comet Lake với Ice Lake. Bởi vì Ice Lake sẽ kết thúc tên mã với hậu tố để chỉ rõ loại đồ họa tích hợp. Ví dụ Intel Core i7-1065G7 thì G7 chính là hậu tố để xác định thành phần đồ họa của chip.
Theo ICTNews