CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp

0

Nhờ tiếp tục nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TN&MT để triển khai thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC) trong năm 2020, Bộ đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần hoàn thiện chính sách, tạo thuận lợi cho tổ chức, người dân.

Coi CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt

Theo Vụ Tổ chức cán bộ Bộ TN&MT, trong năm 2020, Bộ tiếp tục quán triệt, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, sự phối hợp của các tổ chức đảng, đoàn thể trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức, triển khai thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ CCHC; gắn trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ CCHC; coi CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, đưa nội dung, nhiệm vụ CCHC vào các cuộc họp giao ban định kỳ của Bộ để theo dõi, chỉ đạo thực hiện.

Ngay từ đầu năm, Bộ đã quan tâm xây dựng và ban hành 12 Chương trình, Kế hoạch thành phần, bao quát các mảng nhiệm vụ nhằm đẩy mạnh công tác CCHC của Bộ. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.

Bộ TN&MT cũng đã ban hành Chỉ thị nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ, tăng cường kiểm tra, thanh tra, thực hiện các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực TN&MT; ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc Bộ để cập nhật, sửa đổi, bổ sung các chuẩn mực ứng xử khi thi hành nhiệm vụ công vụ và trong  quan hệ xã hội nhằm xây dựng đội ngũ công chức, viên chức chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, sáng tạo, liêm chính, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phục  vụ nhân dân và xã hội.

Cụ thể trong năm 2020,  Bộ tham gia ý kiến về quy định TTHC, điều kiện đầu  tư kinh doanh tại các dự thảo văn bản thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ thuộc Chương trình năm 2020 và thẩm định 20 dự thảo Thông tư, trong đó, đã thẩm định TTHC tại các dự thảo Thông tư, theo đó, đã rà soát thực hiện không quy định TTHC tại dự thảo Thông bảo đảm tuân thủ khoản 4 Điều 14 Luật Ban hành VBQPPL.

Về kết quả ban hành TTHC: Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường, theo đó đã quy định tên các TTHC; các bộ phận tạo thành TTHC sẽ được Bộ quy định trong quá trình xây dựng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật; Chính phủ đã ban hành 02 văn bản để sửa đổi 10 TTHC và một số bộ phận tạo thành TTHC thuộc lĩnh vực khí tượng thủy văn, địa chất và khoáng sản.

Về kết quả rà soát, đề xuất cắt giảm các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP: Bộ thống kê, rà soát, cập nhật các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên Phần mềm; rà soát, đề xuất phương án cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ; đã dự thảo Báo cáo của Bộ về kết quả rà soát, phương án cắt giảm để trình Thủ tướng Chính phủ và hiện đang được gửi lấy ý kiến các bộ, ngành địa phương và cơ quan tổ chức có liên quan.

Bộ đang xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi các Thông tư của Bộ trưởng Bộ TN&MT về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư.

Bên cạnh đó, nhằm đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ 4; Ngày 19/5/2020, Bộ ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.

Đồng thời, để thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC của Bộ theo định hướng tập trung, thống nhất một đầu mối, đồng thời tạo cơ chế giám sát, theo dõi, đôn đốc, giải quyết công việc nhanh chóng, thuận tiện, đúng quy định, không gây phiền hà cho các tổ chức, cá nhân; bảo đảm bộ máy tinh gọn, hợp lý, giảm đầu mối trung gian và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; nâng cao chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức và chỉ số hài lòng của tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết TTHC, Bộ đã phê duyệt Đề án kiện toàn Văn phòng tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC của Bộ tại Quyết định số 1399/QĐ-BTNMT ngày 26/6/2020. Ban hành Quy chế tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông của Bộ TN&MT tại Quyết định số 1868/QĐ-BTNMT ngày 24/8/2020.

Bộ cũng công bố, công khai TTHC mới ban hành, TTHC được sửa đổi, bổ sung, TTHC bị bãi bỏ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, khí tượng thủy văn thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ TN&MT tại các Quyết định số 1756/QĐ-BTNMT ngày 11/8/2020 và 1183/QĐ-BTNMT ngày 27/5/2020. Vận hành các hệ thống tiếp nhận và trả lời ý kiến công dân, đánh giá mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công qua “Hệ thống tiếp nhận và trả lời ý kiến công dân” tại địa chỉ: hoidap.monre.gov.vn; đăng tải kịp thời các văn bản chỉ đạo điều hành trên trang tin Bộ trưởng; công khai các lĩnh vực TN&MT; lịch công tác; thông tin, dữ liệu về quản lý TN&MT địa phương.

Tính đến ngày 30/11/2020, Bộ tiếp nhận tổng số 1.063 ý kiến của công dân, đã trả lời được 1.058 ý kiến thuộc các lĩnh vực đất đai, môi trường, tài nguyên nước, địa chất khoáng sản, biển và hải đảo, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, đo đạc bản đồ và thông tin địa lý, công nghệ thông tin…

Cũng tính đến ngày 30/11/2020, Bộ thực hiện tiếp nhận tổng số 5.520 hồ sơ của các lĩnh vực: đất đai, tài nguyên nước, địa chất và khoáng sản, đánh giá, phê duyệt trữ lượng khoáng sản, môi trường, khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ, biển và hải đảo, biến đổi khí hậu, thực hiện xử lý và trả kết quả cấp phép cho 4.302 hồ sơ, đang xử lý 1.218 hồ sơ.

Ngoài ra, Bộ còn tiếp nhận và xử lý văn bản đến, văn bản đi với số lượng rất lớn.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp

Năm 2021 Bộ TN&MT tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, thực hiện toàn diện có trọng tâm các nội dung CCHC để công tác CCHC ngày càng đi vào nền nếp, thiết thực và hiệu quả hơn, cụ thể:

Cải cách thể chế: tích cực triển khai, đẩy nhanh việc thực hiện các nhiệm vụ thuộc chương trình xây dựng và ban hành VBQPPL bảo đảm hoàn thành chất lượng, đúng tiến độ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp; công bố VBQPPL về TN&MT hết hiệu lực, hết hiệu lực một phần, ngưng hiệu lực hoặc ngưng hiệu lực một phần; đổi mới phương pháp, tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật trong các lĩnh vực TN&MT.

Về cải cách thủ tục hành chính: tiếp tục kiểm soát quy định TTHC, điều kiện đầu tư kinh doanh trong dự thảo VBQPPPL; tổ chức thực hiện phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc  phạm vi chức năng quản lý của Bộ khi được Thủ tướng phê duyệt; đơn giản, cắt giảm các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại dự thảo các VBQPPL quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; tiếp tục duy trì việc tiếp nhận và xử lý phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính; kiểm tra việc giải quyết TTHC của các đơn vị trực thuộc Bộ; tiếp nhận, xử lý các phản ánh và kiến nghị của tổ chức, cá nhân đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ; công khai giải đáp chính sách, pháp luật TN&MT liên quan đến tổ chức, cá nhân; ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, đặc biệt trong giải quyết TTHC.

Hiện đại hóa hành chính: tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử; xây dựng Chính phủ điện tử trên cơ sở CCHC, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Vận hành có hiệu quả hệ thống thông tin phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của Bộ, ngành, sở TNMT địa phương và các hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp. Nâng cao tỷ lệ xử lý hồ sơ, trao đổi công việc trên môi trường mạng; tăng cường kết nối, liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp. Thực hiện tốt việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng Dịch vụ công của Bộ; tăng cường kết nối, liên thông điện tử giữa các cấp trong giải quyết hồ sơ; tiếp tục xây dựng và đẩy mạnh việc duy trì, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các đơn vị trực thuộc Bộ.

Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC: tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ và cấp ủy đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị đối với công tác CCHC, chú trọng chất lượng, hiệu quả; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, gắn trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC; tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp trong thực hiện CCHC; gắn kết quả thực hiện CCHC với đánh giá, bình xét thi đua, khen thưởng, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ…

Theo MONRE

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.