CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Tiềm năng và cơ hội tăng cường hội nhập quốc tế trong một số lĩnh vực liên quan

0

Những năm gần đây, vấn đề môi trường và phát triển bền vững đã và đang ngày càng được quan tâm lồng ghép trong các chiến lược và chính sách phát triển, điển hình là các chiến lược và chính sách phát triển kinh tế của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hiện nay có một xu thế phát triển các mô hình về kinh tế trong đó yếu tố về bảo vệ môi trường được đặc biệt coi trọng như Kinh tế các-bon thấp, Kinh tế biển xanh, Kinh tế tuần hoàn, Kinh tế xanh và Việt Nam hiện đang hướng theo xu thế này.

Các khuôn khổ, điều ước quốc tế về môi trường chưa tham gia

Hội nhập quốc tế về môi trường đã diễn ra một cách rộng rãi và đa dạng, được nhóm lại thành 5 lĩnh vực hay vấn đề liên quan bao gồm: Hội nhập quốc tế về phát triển bền vững, Hội nhập quốc tế về quản lý hóa chất và chất thải, Hội nhập quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, Hội nhập quốc tế về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên (tài nguyên đa dạng 103 sinh học, tài nguyên biển, tài nguyên nước nước,…). Hội nhập quốc tế về môi trường trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Đối với mỗi lĩnh vực hay vấn đề nêu trên, nhiều khuôn khổ quốc tế được hình thành và thiết lập ở nhiều khu vực và phạm vi khác nhau. Việt Nam đã và đang tham gia nhiều khuôn khổ quốc tế này dưới hình thức là thành viên chính thức hoặc chưa/không chính thức. Có thể thấy rằng vẫn còn nhiều lĩnh vực hay vấn đề được đánh giá là tiềm năng cho Việt Nam có thể xem xét tiếp tục tham gia hội nhập, đáp ứng xu thế và yêu cầu về hội nhập sâu rộng trong lĩnh vực môi trường. Lĩnh vực hay vấn đề về môi trường Việt Nam có thể tiếp tục mở rộng trong hội nhập quốc tế bao gồm: (i) Hội nhập quốc tế về quản lý hóa chất và chất thải, cụ thể là Công ước LONDON hoặc tham gia các khuôn khổ mới đang được thiết lập liên quan đến ô nhiễm rác thải nhựa đại dương,…, (ii) Hội nhập quốc tế về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, cụ thể là Công ước HELSINKI và tham gia và cam kết trong khuôn khổ BBNJ. Ngoài ra, hội nhập quốc tế cũng cần được xem xét mở rộng qua việc tham gia các hoạt động trong các khuôn khổ quốc tế khác như G7, G20, ASEM, APEC, ASEAN, WEF,…

Một số khuôn khổ quốc tế tiềm năng quan trọng mà Việt Nam có thể xem xét tiếp tục tham gia, gia nhập trong thời gian tới đây nhằm đáp ứng xu thế và yêu cầu về hội nhập sâu rộng về môi trường bao gồm:

Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm từ việc nhấn chìm chất thải trên biển (Công ước LONDON)

Công ước LONDON là một trong những công ước đầu tiên cho việc bảo vệ môi trường biển trước các hoạt động của con người. Công ước có hiệu lực từ ngày 30 tháng 8 năm 1975 và từ năm 1977 Công ước này được quản lý bởi Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO). Công ước LONDON đã ra một khuôn khổ pháp lý quốc tế nhằm kiểm soát và phòng ngừa ô nhiễm biển bằng cách nghiêm cấm nhận chìm một số vật liệu nguy hiểm. Ngoài ra, Công ước còn đề cập đến cấp phép cho việc nhận chìm các chất thải và các chất khác và cấp giấy phép đặc biệt cho việc nhận chìm một số vật liệu đặc thù. Trong Công ước London 1972, nhận chìm được định nghĩa là việc sự trút bỏ có ý thức xuống biển các chất thải và các chất khác từ tàu thuyền, tàu bay, giàn nổi hoặc công trình khác được bố trí ở biển. Danh mục các chất thải không được phép nhận chìm hoặc các chất thải yêu cầu có giấy phép đặc biệt cũng được quy định trong Công ước.

Công ước cũng đã được sửa đổi vào năm 1993 (có hiệu lực từ năm 1994) với việc cấm nhận chìm các chất thải phóng xạ được làm nghèo. Ngoài ra, Công ước còn sửa đổi bổ sung lần nữa vào 31 tháng 12 năm 1995 với việc cấm đốt các chất thải công nghiệp trên biển.

Vào năm 1996, các nước đã thông qua Nghị định thư về Công ước ngăn ngừa ô nhiễm đối với việc nhận chìm chất thải và các chất khác trên biển (được gọi là Nghị định thư London). Nghị định thư này có hiệu lực vào năm 2006. Nghị định thư này thay thế Công ước năm 1972. Nghị định thư có cách tiếp cận khác biệt so với trước về quy định việc sử dụng biển làm nơi lưu trữ các vật liệu thải. Cụ thể, thay vì quy định các vật liệu không được nhận chìm thì Nghị định thư cấm tất cả các hoạt động nhận chìm trừ một số chất được phép. Các chất thải được phép nhận chìm được quy định cụ thể trong Phụ lục của Nghị định thư.

Nghị định thư London nhấn mạnh đến “giải pháp phòng ngừa”, cụ thể là “Các biện pháp phòng ngừa thích hợp phải được thực hiện chặt chẽ khi nhận chìm, ngay cả khi chưa có bằng chứng thuyết phục chứng minh ảnh hưởng của việc nhận chìm tác động đến môi trường”

Nghị định thư cũng khẳng định “về nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả chi phí môi trường” và cũng nhấn mạnh việc nhận chìm trên biển không phải đơn giản là chuyển sự ô nhiễm từ môi trường này sang môi trường khác.

Trong thời gian gần đây, các bên tham gia Công ước và Nghị định thư London đã tiến hành các bước để giảm thiểu các tác động của việc tăng nồng độ CO2 trong khí quyển (cũng như trong môi trường biển) và các công nghệ mới được áp dụng để kiểm soát và điều tiết các tác động đến môi trường biển. Công ước và Nghị định thư London đã trở thành công cụ pháp lý tiên tiến nhất cho việc lưu trữ Cacbon trong các thành tạo địa chất dưới biển và cải thiện khí hậu biển ví dụ như việc nuôi biển (Ocean fertilization). Nghị định thư 1996 đã cấm việc nhận chìm các chất thải hoặc và các chất khác trừ một danh mục cho phép (việc nhận chìm này vẫn cần phải có giấy phép)

Tại điều 4 của Nghị định thư quy định: “Ngăn cấm việc nhận chìm bất kỳ chất thải và các chất khác ngoại trừ danh sách được liệt kê trong Phụ lục 1”. Các chất được cho phép là: vật liệu nạo vét, bùn thải, các chất thải từ cá hoặc các vật chất phát sinh từ hoạt động chế biến cá công nghiệp, tàu tuyền hoặc các kết cấu, công trình nhân tạo khác trên biển, các vật liệu trơ, vật liệu địa chất vô cơ, vật liệu hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên, các cấu trúc kích thước lớn được thành tạo từ sắt, thép, bê tông và các vật liệu không nguy hại mà ảnh hưởng vật lý của chúng gây nên các mối quan tâm và chỉ trong trường hợp các chất thải này được sản sinh tại các địa điểm như các đảo nhỏ với một cộng đồng biệt lập và không có khả năng thực tiễn tiếp xúc với các lựa chọn loại bỏ nào khác ngoài nhận chìm và CO2 từ quá trình thu gom CO2.

Tham gia Công ước LONDON sẽ là cơ sở để hoàn thiện thể chế, chính sách trong nước liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường biển, góp phần tích cực vào các hoạt động bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, đóng góp cho mục tiêu phát triển kinh tế biển của đất nước hiện nay.

Công ước về bảo vệ và sử dụng các nguồn nước xuyên biên giới và các hồ quốc tế (Công ước HELSINKI 1992)

Năm 1992, các quốc gia thành viên của Ủy ban kinh tế Châu Âu của Liên Hợp Quốc (UNECE) đã thông qua Công ước HELSINKI và Công ước có hiệu lực vào năm 1996. Sau đó, Công ước còn được củng cố thêm với hai nghị định thư sửa đổi: Nghị định thư 1999 và Nghị định thư 2003. Mục đích của Công ước là thúc đẩy việc quản lý chung và bảo tồn các hệ sinh thái của nguồn nước ngọt tại Châu Âu và các nước láng giềng, bao gồm cả Trung Á18. Công ước hiện có 40 thành viên – gần như toàn bộ các quốc gia chia sẻ nguồn nước xuyên biên giới tại khu vực UNECE19. Ban đầu, Công ước này được soạn thảo cho các quốc gia thành viên UNECE nhưng sự thành công của Công ước đã đưa đến việc thông qua một sửa đổi vào năm 2003 cho phép Công ước mở cho các nước không phải là thành viên UNECE tham gia. Sửa đổi này có hiệu lực kể từ ngày 3 tháng 2 năm 2013, làm cho Công ước từ cấp khu vực nâng lên thành khung pháp lý toàn cầu về hợp tác trong lĩnh vực quản lý nước xuyên biên giới. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có nước nào không phải là thành viên UNECE gia nhập Công ước này.

Công ước gồm 28 Điều và 2 Phụ lục, gồm những nội dung chính sau: (i) Về phạm vi điều chỉnh, Công ước “yêu cầu các bên ngăn chặn, kiểm soát hoặc giảm thiểu tác động xuyên biên giới, sử dụng nguồn nước xuyên biên giới theo cách hợp lý và công bằng và đảm bảo quản lý bền vững các nguồn nước này” (Điều 2). (ii) “Nguồn nước xuyên biên giới” là bất kỳ nguồn nước mặt hoặc nước ngầm chảy qua hoặc nằm trên biên giới giữa hai hay nhiều quốc gia (Điều 1.1). “Tác động xuyên biên giới” là bất kỳ ảnh hưởng có hại lớn đối với môi trường từ việc thay đổi các điều kiện của nguồn nước xuyên biên giới do hoạt động của con người gây ra, nơi bắt đầu của nguồn nước nằm một phần hoặc toàn bộ trong khu vực thuộc quyền tài phán của một Bên, trong khu vực thuộc quyền tài phán của Bên kia. Những ảnh hưởng đến môi trường đó bao gồm các ảnh hưởng đối với sức khỏe và an toàn của con người, động thực vật, đất, không khí, nước, khí hậu, quan cảnh và các công trình lịch sử hoặc các kiến trúc vật lý khác hoặc sự tương tác giữa các yếu tố này; cũng bao gồm các ảnh hưởng đến giá trị văn hóa hoặc các điều kiện kinh tế-xã hội là kết quả của việc thay thế những nhân tố đó (Điều 1.2). (iii) Các nguyên tắc chính – Nghĩa vụ chung đối với tất cả các thành viên: + Nghĩa vụ đưa ra các biện pháp phù hợp để ngăn chặn và giảm thiểu bất kỳ tác động xuyên biên giới nào, trên cơ sở các nguyên tắc cảnh báo sớm, trả phí gây ô nhiễm, bảo đảm lợi ích sử dụng cho thế hệ sau (Điều 2). + Nghĩa vụ ngặn chặn, kiểm soát và giảm thiểu tác động xuyên biên giới thông qua ban hành các biện pháp tương ứng về pháp lý, hành chính, kinh tế, tài chính và kỹ thuật (Điều 3). + Nghĩa vụ thiết lập các chương trình giám sát điều kiện của các nguồn nước xuyên biên giới (Điều 4), nghĩa vụ hợp tác trong nghiên cứu và phát triển các kỹ thuật hiệu quả nhằm ngăn chặn, kiểm soát và giảm thiểu tác động xuyên biên giới (Điều 5); trao đổi và bảo vệ thông tin (Điều 8). + Nghĩa vụ hỗ trợ các nỗ lực quốc tế trong việc tăng cường các quy tắc, tiêu chuẩn và thủ tục liên quan đến nghĩa vụ và trách nhiệm. – Ngoài các nghĩa vụ chung, các quốc gia thành viên sử dụng chung nguồn nước (Riparian Party) còn có các nghĩa vụ sau: + Ký kết các thỏa thuận song phương hoặc đa phương nhằm giảm thiểu các mâu thuẫn đối với các nguyên tắc cơ bản của Công ước này, hoặc nếu không có các thỏa thuận này thì thừa nhận (adapt) các nguyên tắc này nhằm xác định các mối quan hệ và hành vi của mình liên quan đến ngăn chặn, kiểm soát và giảm thiểu tác động xuyên biên giới (Điều 9). Nghĩa vụ tham vấn về các vấn đề thuộc phạm vi Công ước thông qua một cơ quan hỗn hợp thiết lập theo Điều 9 trên cơ sở có đi có lại, thiện chí và láng giềng thân thiện (Điều 10). Nghĩa vụ giám sát và đánh giá chung nhằm thực hiện các chương trình chung để giám sát các điều kiện của nguồn nước xuyên biên giới (lũ lụt và tác động xuyên biên giới), thỏa thuận về các thông số ô nhiễm và các chất gây ô nhiễm, thực hiện đánh giá chung về các điều kiện của nguồn nước xuyên biên giới và hiệu quả của các biện pháp ngăn chặn, kiểm soát và giảm thiểu tác động xuyên biên giới. Để thực hiện những điều này, các Bên sẽ hài hòa hóa các quy tắc thiết lập và thực hiện các chương trình giám sát, hệ thống đo lường, các thiết bị và kỹ thuật phân tích (Điều 11). + Nghĩa vụ trao đổi thông tin về các vấn đề thuộc phạm vi Công ước. (Điều 12). + Nghĩa vụ thông báo về hoàn cảnh cơ bản có thể có tác động xuyên biên giới, thiết lập và vận hành hệ thống thông tin liên lạc chung hoặc điều phối, cảnh báo (Điều 14). + Nghĩa vụ công bố các thông tin liên quan đến các điều kiện của nguồn nước xuyên biên giới, các biện pháp được thực hiện hoặc quy hoạch nhằm ngăn chặn, kiểm soát và giảm thiểu tác động xuyên biên giới và hiệu quả của các biện pháp đó. Tham gia Công ước quan trọng này sẽ tạo khung pháp lý quan trọng cho Việt Nam, góp phần giải quyết hiệu quả các vẫn đề ô nhiễm xuyên biên giới và các vấn đề liên quan đến an ninh nguồn nước của Việt Nam và khu vực.

Các Phiên họp liên chính phủ xây dựng văn kiện quốc tế có tính chất ràng buộc về bảo tồn và sử dụng đa dạng sinh học biển tại các vùng biển ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ)

Tại Nghị quyết số 72/249 ngày 24 tháng 12 năm 2017, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc quyết định triệu tập cuộc Họp liên chính phủ trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc để xem xét các khuyến nghị của Ủy ban trù bị thành lập theo Nghị quyết 69/292 ngày 19 tháng 6 năm 2015 về việc xây dựng một văn kiện quốc tế có tính chất ràng buộc trong khuôn khổ Công ước Luật biển (UNCLOS) về bảo tồn và sử dụng đa dạng sinh học biển tại các vùng biển ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ). Theo Nghị quyết 72/249, cuộc Họp sẽ giải quyết các vấn đề được xác định tại Văn bản được thông qua năm 2011 về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia, cụ thể về các nguồn gien biển, các vấn đề về chia sẻ lợi ích, các giải pháp như các công cụ quản lý theo chủ thể khu vực gồm các khu bảo tồn, đánh giá tác động môi trường, tăng cường năng lực và chuyển gia công nghệ về biển.

Việt Nam đã tham gia 03 Phiên Hội nghị BBNJ, Phiên thứ nhất đã diễn ra trong tháng 9/2018, tại Trụ sở Liên hợp quốc, New York, Hoa Kỳ. Tham gia đàm phán và cam kết trong khuôn khổ BBNJ sẽ củng cố thêm căn cứ pháp lý bảo vệ chủ quyền quốc gia thông qua các hoạt động bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học biển. BBNJ là tài nguyên đa dạng sinh học tại vùng biển ngoài quyền tài phán quốc gia là di sản chung của nhân loại, cần được quản lý và sử dụng bền vững và chia sẻ công bằng lợi ích. Quan điểm trong đàm phán của Việt Nam phù hợp với lợi ích chung của các nước đang phát triển. Thực hiện các cam kết và nghĩa vụ trong BBNJ cũng đồng thời là hình thức mở rộng chủ quyền trên biển một cách hợp pháp đóng góp vào nỗ lực chung đấu tranh về pháp lý bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển hiện nay. Với bối cảnh hiện nay trên Biển Đông, ta cần tiếp tục tham gia sâu vào quá trình thảo luận để bảo vệ lợi ích của ta trong việc quản lý, bảo tồn và chia sẻ lợi ích từ việc khai thác tài nguyên đa dạng sinh học tại các vùng biển ngoài quyền tài phán quốc gia.

Một số xu thế phát triển liên quan đến môi trường mà Việt Nam có tiềm năng hội nhập

Trong những năm gần đây, vấn đề môi trường và phát triển bền vững đã và đang ngày càng được quan tâm lồng ghép trong các chiến lược và chính sách phát triển, điển hình là các chiến lược và chính sách phát triển kinh tế của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hiện nay có một xu thế phát triển các mô hình về kinh tế trong đó yếu tố về bảo vệ môi trường được đặc biệt coi trọng như Kinh tế các-bon thấp, Kinh tế biển xanh, Kinh tế tuần hoàn, Kinh tế xanh và Việt Nam hiện đang hướng theo xu thế này. Đối với việc phát triển mô hình kinh tế biển xanh, trong xu thế phát triển mở cửa, đẩy mạnh khai thác các tiềm năng lợi thế của biển, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-2- 2007 về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Đây là chủ trương lớn, có tầm nhìn xa rộng, phù hợp với xu thế chung của thế giới và đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong thời gian tới, cần nghiên cứu tăng cường hội nhập với quốc tế theo xu thế này, đặc biệt là hội nhập để nâng cao năng lực khoa học – công nghệ hiện đại hướng tới phát triển bền vững biển Việt Nam trong giai đoạn mới.

Đối với việc phát triền mô hình kinh tế tuần hoàn, Theo Liên hợp quốc, đến năm 2030 nếu tiếp tục phát triển với mô hình kinh tế tuyến tính [Khai thác tài nguyên từ môi trường tự nhiên làm đầu vào cho hệ thống kinh tế, qua quá trình Sản xuất, Tiêu dùng và cuối cùng Thải loại ra môi trường], nhu cầu sử dụng tài nguyên sẽ tăng 3 lần so với hiện nay, vượt ngoài khả năng cung ứng của Trái Đất, lượng chất thải sẽ vượt giới hạn sức chịu tải của môi trường. Điều đó dẫn đến yêu cầu cấp bách để tìm ra mô hình kinh tế hiệu quả hơn về sử dụng tài nguyên, giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường. Kinh tế tuần hoàn là một trong những giải pháp được đề cập nhiều nhất, bên cạnh các mô hình kinh tế xanh, kinh tế phát thải các-bon thấp. Kinh tế tuần hoàn hiện nay còn khá mới mẻ không chỉ đối với Việt Nam mà còn nhiều quốc gia khác trên thế giới. Cùng với tiếp cận với mô hình kinh tế biển xanh, mô hình kinh tế tuần hoàn cũng cần được quan tâm và ưu tiên đặc biệt trong quá trình hội nhập với thế giới về các mô hình phát triển này.

Về phát triển mô hình kinh tế xanh, theo một số đánh giá và nhận thì Phát triển kinh tế xanh chính là chìa khóa để giải quyết những thách thức của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, thỏa mãn đồng thời nhu cầu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường của tất cả các quốc gia. Kể từ năm 2000, Việt Nam bắt đầu làm quen với xu hướng phát triển xanh của thế giới, với một số ít các dự án năng lượng xanh đã được triển khai ở dạng thử nghiệm. Đến nay, Việt Nam đang tiến hành triển khai dự án 3R (Reduce – giảm thiểu, Reuse – tái sử dụng, Recycle – tái chế) được quốc tế đánh giá tốt về mặt lý thuyết. Ở Việt Nam, xu hướng phát triển kinh tế xanh mới chỉ ở xuất phát điểm.

Với lợi thế của người đi sau, chúng ta hoàn toàn có thể tăng cường hội nhập sâu hơn nhằm phát triển một nền kinh tế xanh toàn diện, hướng tới sự phát triển bền vững, đạt mục tiêu hài hòa giữa tăng cường kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.