CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Thực trạng công tác quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn tỉnh Phú Yên

0

Đánh giá dưới đây tập trung khái quát về thực trạng công tác quản lý môi trường bao gồm: Công tác quản lý môi trường khu, cụm công nghiệp; Công tác quản lý môi trường làng nghề; Công tác thu gom, xử lý chất thải rắn; Công tác thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; Công tác quản lý CTNH; Công tác quản lý nước thải sinh hoạt; Về các nguồn thải lớn; Công tác xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường.

Công tác quản lý môi trường khu, cụm công nghiệp

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 03 Khu công nghiệp đang hoạt động, cả 3/3 khu đã xây dựng và đưa vào vận hành các trạm xử lý nước thải tập trung. 2/3 KCN đã lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động (KCN Hoà Hiệp, KCN An Phú)

Về cụm công nghiệp (CCN), hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 12 CCN đang hoạt động với 30 cơ sở đang hoạt động với các loại hình chủ yếu như: sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản, thức ăn gia súc, phân bón…, phát sinh ít nước thải sản xuất nên hầu hết các CCN chưa có hệ thống XLNTTT; chỉ có 01 cụm công nghiệp Hòa An được đầu tư xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung với công suất 60 m3/ngày đêm.

Công tác quản lý môi trường làng nghề

Hiện trên địa bàn tỉnh có 17 làng nghề được công nhận, chủ yếu thuộc loại hình chế biến thủy hải sản, chế biến nước mắm, bánh tráng, nấu rượu,…; Các làng nghề khác đều chưa có giải pháp, hạ tầng BVMT, nước thải phát sinh đều chưa qua xử lý và xả thải thẳng ra môi trường tiếp nhận và là nguyên nhân chính gây ô nhiễm MT nước ngầm tại một số làng nghề chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Công tác thu gom, xử lý chất thải rắn

Đối với chất thải rắn sinh hoạt, hoạt động thu gom, xử lý đã được đẩy mạnh triển khai. Đến nay, tỷ lệ thu gom chất thải ở khu vực đô thị chiếm 91%; tại khu vực nông thôn chỉ đạt tỷ lệ 64.5%, tỷ lệ thu gom rác toàn tỉnh đã có sự chuyển biến tăng từ 55% năm 2016 lên 76,5% năm 2018. Toàn tỉnh hiện nay có 20 bãi chôn lấp chất thải tập trung đang hoạt động, tuy nhiên chỉ có 02 bãi được đầu tư hợp vệ sinh (Bãi rác Thọ Vức tại tp Tuy Hòa; Bãi rác Long Bình, thị xã Sông Cầu); các bãi còn lại đang hoạt động đều chưa hợp vệ sinh, công nghệ xử lý chủ yếu là san gạt, đốt, chưa xử lý ô nhiễm môi trường do nước rỉ rác.

Công tác thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng

Khối lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng ước tính phát sinh khoảng 16 tấn/năm. Bước đầu đã xây dựng 500 bể để thu gom tập trung và đốt, hạn chế được tình trạng vứt bừa bãi trên đồng ruộng.

Công tác quản lý chất thải nguy hại (CTNH)

Năm 2018 khối lượng CTNH phát sinh tại các cơ sở SXKD trên địa bàn khoảng 844 tấn/năm. Trên địa bàn tỉnh hiện chưa có đơn vị thu gom, xử lý CTNH được cấp phép gây nhiều khó khăn cho cả doanh nghiệp và cơ quan QLNN.

Công tác quản lý nước thải sinh hoạt

Toàn tỉnh có 9 đô thị từ loại 4 trở lên, tuy nhiên mới chỉ có thành phố Tuy Hòa đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung với công suất 4.000 m3/ngày đêm, công suất vận hành thực tế hiện nay mới đạt 600 m3/ngày đêm do chưa hoàn thiện hệ thống đấu nối vào hệ thống thu gom tập trung. Do vậy, tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị từ loại 4 trở lên được thu gom, xử lý còn thấp, mới chỉ đạt 4.85%

Về các nguồn thải lớn

Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 nguồn nước thải lớn thuộc đối tượng lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục gồm: 3 KCN, nhà máy bia Massan Phú Yên, Nhà máy đường KCP Sơn Hoà, n/m tinh bột sắn Đồng Xuân. Hiện đã có 4/6 nguồn thải đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục; có 04 nguồn khí thải lớn thuộc đối tượng lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục, hiện các đơn vị này đang hợp đồng với các đơn vị có chức năng để lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động liên tục

Công tác xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, hiện nay, có 03/05 cơ sở đã hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để; Theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg, đến nay có 03/03 cơ sở đã hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để. Như vậy, tổng số có 6/8 cơ sở đã hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, còn 02 cơ sở là Bãi rác tp tuy Hoà và Bệnh viện phục hồi chức năng tỉnh Phú Yên đang tiếp tục hoàn thiện.

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường

Trong năm 2018, Sở TNMT đã chủ trì, tổ chức kiểm tra 38 đơn vị, qua công tác thanh kiểm tra đã kịp thời nhắc nhở, hướng dẫn, xử lý vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính 04 đơn vị với tổng số tiền 1.083 triệu đồng.

* Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác bảo vệ môi trường tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: cơ sở hạ tầng kỹ thuật về BVMT tại các khu đô thị, khu dân cư chưa được đầu tư đồng bộ; hầu hết các đô thị chưa có hệ thống XLNTTT; Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn còn thấp, đặc biệt là khu vực nông thôn; nhiều bãi chôn lấp quá tải gây ô nhiễm môi trường nhưng chưa đầu tư kinh phí để xử lý, đóng cửa; Tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chưa được xử lý triệt để, ảnh hưởng đến nguồn nước;… Để công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, tỉnh cần tập trung ưu tiên thực hiện các giải pháp sau: Thứ nhất, cần quan tâm đầu tư xử lý các bãi chôn lấp chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh, đảm bảo việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh, không gây ô nhiễm môi trường kéo dài; Thứ hai ban hành chính sách hỗ trợ các đơn vị thu gom rác thải trên địa bàn; tiến tới nhân rộng các mô hình thu gom rác tại các thị trấn, nhằm giảm áp lực về ngân sách nhà nước, để tập trung cho việc thu gom, xử lý rác tại khu vực nông thôn; triển khai xây dựng mô hình xử lý, quản lý tổng hợp chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện của tỉnh; Thứ ba, xử lý dứt điểm và có kế hoạch ngăn chặn, phòng ngừa, ứng phó, khắc phục ô nhiễm đối với các điểm nóng môi trường và các nguồn thải quy mô lớn, các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường, nhất là tại các cụm công nghiệp, làng nghề, các cơ sở nuôi trồng và chế biến thủy sản, các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc gia cầm; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm gây ô nhiễm môi trường, không để phát sinh mới các điểm nóng về môi trường; đẩy nhanh tiến độ xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg.

Theo Monre.gov.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.