CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Thực trạng công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tỉnh Kiên Giang

0

Thực trạng công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đề cập đến công tác kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải; đối với Khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp; ác cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp; các nguồn thải lớn trên địa bàn tỉnh; về công tác xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; về công tác thanh tra, kiểm tra; các tồn tại, hạn chế và đề xuất kiến nghị trong thời gian tới.

Về công tác kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải

Chất thải sinh hoạt: Theo ước tính, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 672 tấn/ngày; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom đạt 89,4%, tỷ lệ xử lý, chôn lấp hợp vệ sinh đạt 38,43%. Lượng rác còn lại được thu gom về các bãi rác lộ thiên, không đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường. Riêng rác thải nông thôn phát sinh khoảng 440,05 tấn/ngày, trong đó chỉ có khoảng 26,85% (118,14 tấn) là được thu gom, một phần nhỏ được tái chế, tái sử dụng để sản xuất phân bón, thu hồi năng lượng, còn lại không được thu gom, xử lý nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước, đặc biệt là làm gia tăng tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 02 nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt hợp vệ sinh là: Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa tại xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất công suất 180 tấn/ngđ (xử lý rác thải của thành phố Rạch Giá; một phần của các huyện: Hòn Đất, An Biên, Tân Hiệp và Châu Thành) và Nhà máy xử lý rác Toàn Cầu, công suất 200 tấn/ngày đang vận hành thử nghiệm xử lý rác cho huyện đảo Phú Quốc; 01 lò đốt tại xã Tiên Hải – tp Hà Tiên; Các huyện còn lại trên địa bàn tỉnh đều có bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, nhưng các bãi chôn lấp này đều không đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường (hiện có 12 bãi rác thuộc danh mục gây ô nhiễm nghiêm trọng, trong đó có 3 bãi rác đã đóng cửa)

Chất thải công nghiệp nguy hại (CTNH): Lượng chất thải công nghiệp nguy hại phát sinh trên toàn tỉnh năm 2018 trên 240 tấn/năm được chủ nguồn thải ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng để thu gom, xử lý. Trên địa bàn tỉnh hiện nay chỉ có 01 cơ sở có giấy phép hành nghề xử lý chất thải nguy hại (Công ty INSEE Ecocycle Việt Nam), tuy nhiên còn giới hạn về chủng loại CTNH nên hầu hết các chủ nguồn thải phải ký HĐ với đơn vị có cơ sở xử lý trên địa bàn tp HCM thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý CTNH phát sinh

Chất thải rắn y tế nguy hại (CTRYT):Theo số liệu thống kê lượng CTRYT nguy hại phát sinh tại 19 bệnh viện đa khoa khoảng 1,025 tấn/ngày chủ yếu được thu gom, xử lý tại chỗ trong khuôn viên của các cơ sở y tế bằng lò đốt CTRYT. Đối với các cơ sở y tế nhỏ (các phòng khám tư nhân, các trung tâm y tế tuyến huyện, các trạm y tế tuyến xã): CTRYT nguy hại phát sinh rất ít và đang được xử lý bằng cách gửi vào các bệnh viện, trung tâm y tế có lò đốt để xử lý. Việc vận hành lò đốt CTRYT nguy hại của các cơ sở y tế hiện nay còn nhiều vấn đề tồn tại:công nghệ cũ, thiếu nhân viên vận hành và bảo dưỡng, … Nhiều nơi, lò đốt đã xuống cấp hoặc hư hỏng thường xuyên. Kỹ thuật vận hành lò cũng chưa được các cơ sở quan tâm đúng mức nên đốt không cháy được hoàn toàn chất thải cần đốt.

Nước thải chăn nuôi: Hoạt động chăn nuôi gia súc gia cầm ở hộ gia đình vùng nông thôn và thành thị cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là chăn nuôi heo với quy mô hộ gia đình trong khu dân cư. Theo số liệu điều tra đến hết năm 2018, trên địa bàn tỉnh có trên 365.599 con gia súc và trên 5.439.000 con gia cầm. Các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm,  dặc biệt là các cơ sở chăn nuôi lợn có lượng thải lớn (tổng lượng nước thải chăn nuôi phát sinh ước tính trên 80.270 m3/ngày.đêm) và có nguy cơ gây ô nhiễm lớn nhất, phần lớn nằm xen kẽ trong khu dân cư, không đảm bảo khoảng cách vệ sinh, trong đó lượng nước thải chăn nuôi được sử dụng sản xuất biogas chỉ đạt khoảng 1.012,96 m3/ngày, chiếm tỉ lệ 13%. Bên cạnh đó trên địa bàn tỉnh có 12 cơ sở giết mổ gia súc tập trung thuộc thị trấn, thành phố và 29 cơ sở giết mổ gia súc tập trung nhỏ lẻ thuốc tuyến xã.

Nước thải sinh hoạt: Các khu đô thị và khu dân cư nông thôn chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung là một trong những nguyên nhân làm cho chất lượng môi trường nước mặt ở các kênh, rạch có xu hướng gia tăng ô nhiễm hữu cơ và vi sinh.

Khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp

Khu công nghiệp: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 05 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 799,297 ha và 01 khu kinh tế (KKT) có diện tích 1.600 ha. Trong đó, 02 KCN đã đi vào hoạt động (KCN Thạnh Lộc, KCN Thuận Yên) nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, còn lại 03 KCN và KKT cửa khẩu Hà Tiên đang trong giai đoạn bồi thường, giải phóng mặt bằng và kêu gọi đầu tư.

Cụm công nghiệp: trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có 2 CCN lớn là CCN Kiên Lương – Ba Hòn – Hòn Chông và CCN Rạch Giá – Tắc Cậu – Bến Nhứt hoạt động tự phát từ rất lâu, gồm các nhà máy xí nghiệp thuộc ngành sản xuất xi măng, chế biến thủy sản, bao bì, chế biến rau quả xuất khẩu, cơ khí sửa chữa, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền,… Ngoài ra còn các cụm công nghiệp khác phân bố tại An Thới, Đảo Nam Du, Hòn Tre, Xẻo Nhàu, Hà Tiên, Thị trấn Hòn Đất, Tân Hiệp,…

Làng nghề: Theo Quyết định số 113/QĐ-UBND ngày 18/01/2019 của UBND, hiện nay trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có 14 nghề và làng nghề truyền thống tại 07 huyện: Châu Thành, Tân Hiệp, Gò Quao, Giồng Riềng, Giang Thành, Kiên Hải và thành phố Rạch Giá. Gồm các ngành nghề chủ yếu: Đan cỏ bàng, dệt chiếu, đan đát, vót đũa, rèn, chế biến khóm, làm bánh phồng, nấu rượu nếp, chế biến nước mắm.

Các cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp

Năm 2018, toàn tỉnh có khoảng 9.972 cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Ô nhiễm môi trường từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh công nghiệp nằm phân tán ngoài khu, cụm công nghiệp chưa đầu tư xử lý môi trường triệt để là một trong những vấn đề môi trường của tỉnh.

Các nguồn thải lớn trên địa bàn tỉnh

Tính đến hết năm 2018, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có 14 cơ sở sản xuất, kinh doanh có các nguồn thải lớn về nước thải từ 1.000m3/ngày.đêm trở lên, đã được cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước với tổng lưu lượng cấp phép thải ra 70.034 m3/ngày.đêm, tập trung chủ yếu là các cơ sở chế biến thủy sản, sản xuất xi măng, sản xuất bia, du lịch.

Về công tác xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có 03 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần phải xử lý triệt để, đến nay 01 cơ sở (Công ty Xi măng Hà Tiên 2) đã được chứng nhận hoàn thành; 02 cơ sở còn lại đã ngừng hoạt động. Theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg, tỉnh Kiên Giang không có cơ sở thuộc danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Về công tác thanh tra, kiểm tra

Trong năm 2018 đã tiến hành thanh, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với 586 cơ sở (cấp tỉnh: 229; cấp huyện: 357), phát hiện nhiều trường hợp vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với 37 trường hợp (cấp tỉnh: 12; cấp huyện: 25) với tổng số tiền xử phạt trên 1.992,7 triệu đồng (cấp tỉnh: 1.768,5 triệu đồng; cấp huyện: 224,2 triệu đồng).

Những tồn tại và thách thức

Hạ tầng kỹ thuật về môi trường ở các KCN, CCN, làng nghề chưa được đầu tư đồng bộ. 100% các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung

Hạ tầng kỹ thuật môi trường ở các đô thị và khu dân cư chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Tỷ lệ rác thải sinh hoạt ở các đô thị được xử lý hợp vệ sinh còn thấp, phần lớn vẫn là chôn lấp, một số ít được xử lý bằng phương pháp đốt trong lò đốt công nghiệp. Phần lớn nước thải sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý trước khi chảy ra sông, suối. Còn tồn tại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nằm xen kẽ trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường.

Các sông suối tiếp nhận nước thải từ các khu đô thị và khu công nghiệp và môi trường không khí xung quanh các cơ sở sản xuất công nghiệp còn bị ô nhiễm do tiếp nhận nước thải, khí thải chưa được xử lý hoặc chưa được xử lý triệt để.

Môi trường nông nghiệp, nông thôn chưa được quan tâm đúng mức, rác thải, nước thải sinh hoạt và chất thải nông nghiệp chưa được thu gom, xử lý đúng cách, đặc biệt là chất thải chăn nuôi đang là vấn đề rất bức xúc hiện nay; cơ sở chăn nuôi xen kẽ trong khu dân cư phát tán mùỉ hôi, thối ra xung quanh, vỏ bao bì hóa chất bảo vệ thực vật chưa được thu gom, xử lý triệt để nguy cơ làm ô nhiễm môi trường đất, nước trong tương lai.

Công tác bảo tồn đa dạng sinh học còn hạn chế; kiểm soát, quản lý việc khai thác chưa nghiêm dẫn đến các hoạt động xâm lấn các khu bảo tồn vẫn còn xảy ra; chính sách về khu bảo tồn còn thiếu, như chính sách đầu tư, quản lý vùng đệm, xã hội hóa công tác bảo tồn…; chưa có bộ phận chuyên môn cũng như cán bộ chuyên trách cho công tác quản lý đa dạng sinh học; chưa xây dựng được cơ chế điều phối, phân công trách nhiệm giữa các Sở, ban/ngành liên quan trong việc quản lý và bảo tồn – phát triển đa dạng sinh học.

Một số kiến nghị và yêu cầu bảo vệ môi trường trong thời gian tới

Để công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ chính như sau:

Quan tâm tổ chức tốt việc thu gom và xử lý rác thải đô thị, nông thôn, nước thải trong sản xuất và sinh hoạt; xử lý dứt điểm và có kế hoạch ngăn chặn, phòng ngừa, ứng phó, khắc phục ô nhiễm đối với các điểm nóng môi trường và các nguồn thải quy mô lớn, các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường, nhất là tại các cụm công nghiệp, làng nghề, các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc gia cầm; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm môi trường, kiểm soát tình trạng phát sinh mới các điểm nóng về môi trường, các điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm cao, khu vực nhạy cảm, các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguồn thải lớn để có kế hoạch kiểm soát chặt chẽ

Tăng cường công tác quản lý và bảo vệ môi trường tại các KCN, CCN, làng nghề, trong đó: Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại các KCN, CCN và làng nghề, đặc biệt hệ thống xử lý nước thải tập trung, đảm bảo nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn Việt Nam; Chỉ cho phép chủ đầu tư KCN được tiến hành mở rộng sau khi đã hoàn thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các công trình bảo vệ môi trường; Buộc đối tượng có quy mô xả lớn lắp đặt ngay các thiết bị kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải theo quy định của pháp luật và truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương.

Đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, giám sát thực hiện báo cáo ĐTM, Đề án BVMT, Kế hoạch BVMT cũng như các quy định khác của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tập trung vào các điểm nóng môi trường; kiểm soát chặt các hoạt động xả thải của các cơ sở đang gây ô nhiễm môi trường

Chỉ cấp phép đầu tư, xây dựng hoặc cho phép khởi công công trình xây dựng nhà máy đối với các dự án trong KCN khi đã có hồ sơ về môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận.

Tăng cường sự phối hợp giữa UBND tỉnh, Sở TN&MT với các cơ quan của Bộ, ngành và Tổng cục Môi trường trong việc giải quyết các vấn đề môi trường phát sinh.

Theo Monre.gov.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.