Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết với quyết tâm và nỗ lực của mình, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của bạn bè quốc tế, Việt Nam sẽ tạo sự bứt phá về xây dựng Chính phủ điện tử trong năm 2019.
Đây là phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa Văn phòng Chính phủ và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) về phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam vừa được tổ chức chiều nay, 30/5.
Đại diện cho hai cơ quan, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng và ông Jean-Pierre Marcelli, Giám đốc điều hành dự án của AFD ký kết văn bản này.
Thông tin từ Chinhphu.vn, tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là một hoạt động nhằm cụ thể hóa các nội dung mà hai bên đã thống nhất trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Pháp Édouard Philippe vào tháng 11/2018. Việt Nam và Pháp và hai quốc gia có quan hệ truyền thống tốt đẹp, ngày nay đã nâng lên quan hệ đối tác chiến lược. Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, Pháp là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử.
Xây dựng Chính phủ điện tử là nhiệm vụ quan trọng mang tính chiến lược trong triển khai một nền hành chính hiện đại của Việt Nam và cũng là yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. “Với quyết tâm và nỗ lực của mình, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của bạn bè quốc tế nói chung, nước Pháp nói riêng, tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tạo sự bứt phá về xây dựng Chính phủ điện tử trong năm 2019”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Thủ tướng đề nghị Đại sứ Pháp tại Việt Nam phát huy vai trò cầu nối quan trọng hợp tác song phương, bao gồm cả hợp tác xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Thủ tướng bày tỏ cảm ơn AFD đã sát cánh cùng các chuyên gia Việt Nam và các cơ quan của Việt Nam, đặc biệt là VPCP trong việc triển khai thực hiện Chính phủ điện tử.
Thời gian qua, trong khuôn khổ dự án, Pháp đã huy động nhiều chuyên gia đầu ngành về Chính phủ điện tử sang hỗ trợ Việt Nam. Việc hợp tác Việt – Pháp về Chính phủ điện tử dựa trên 3 trụ cột chính, phù hợp với ưu tiên của hai bên. Thứ nhất, đó là sự hỗ trợ của Pháp giúp Việt Nam xây dựng khuôn khổ chính sách, thể chế phục vụ việc vận hành Chính phủ điện tử. Thứ hai là chia sẻ năng lực, kinh nghiệm giữa các chuyên gia Pháp và Việt Nam trong các lĩnh vực khác nhau để xây dựng, vận hành Chính phủ điện tử. Thứ ba là việc hỗ trợ Việt Nam xây dựng cấu trúc cũng như xác định Cổng dịch vụ công quốc gia, tập trung vào phục vụ người dân, người sử dụng. “Các bạn có thể hoàn toàn tin tưởng vào nước Pháp, vào AFD”, Đại sứ nhấn mạnh.
Ngay trước lễ ký kết, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng và Giám đốc điều hành dự án của AFD, ông Jean-Pierre Marcelli đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi về xây dựng Chính phủ điện tử.
Đánh giá cao việc Pháp cử chuyên gia đầu ngành sang giúp đỡ Việt Nam, Bộ trưởng khẳng định quyết tâm vào cuối năm 2019, sẽ khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia. Ông Mai Tiến Dũng cho biết, trong chuyến khảo sát tại Pháp 2 năm trước, đoàn đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm của phía Pháp như khi ban hành một văn bản mới thì phải hủy 2 văn bản cũ, một việc làm cần thiết để giảm sự chồng chéo.
Ấn tượng trước nỗ lực của Chính phủ và VPCP trong xây dựng Chính phủ điện tử, ông Jean-Pierre Marcelli cho biết, “đây là một trong những dự án tốt nhất mà chúng tôi triển khai trên toàn thế giới”. Pháp rất quan tâm đến vấn đề Chính phủ điện tử để cung cấp dịch vụ hiệu quả hơn cho công dân, làm sao người dân không cần thiết phải đếp gặp cơ quan Nhà nước. Ông khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với VPCP trong triển khai dự án này.
Theo Bản ghi nhớ giữa VPCP và AFD, hai bên sẽ hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên gồm: Hỗ trợ Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chính phủ điện tử, trọng tâm là xây dựng các chỉ số chủ yếu về theo dõi và đánh giá kết quả; xây dựng giải pháp tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan chính quyền và bảo vệ dữ liệu; xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia ; xây dựng giải pháp xác thực định danh cá nhân và doanh nghiệp; xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử của VPCP.
Ngoài những hướng hợp tác ưu tiên vừa nêu, về lâu dài, quan hệ đối tác giữa các bên có thể hợp tác về các chủ đề có cùng quan tâm, như: Hỗ trợ thay đổi, hệ thống thông tin, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và an toàn thông tin mạng; Chính phủ số và dữ liệu mở; Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; Trục liên thông văn bản quốc gia…
Theo ICTNews