CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân tiếp và làm việc với Giám đốc ngành môi trường, tài nguyên và kinh tế biển khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới

0
Sáng ngày 02/10, tại Trụ sở cơ quan Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã có buổi tiếp và làm việc với ông Christophe Crepin, Giám đốc ngành tài nguyên, môi trường và kinh tế biển khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB).​
Tham dự buổi tiếp, về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có đại diện lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Môi trường, Văn phòng Bộ.

Về phía WB có bà Stefanie Stallmeister, Giám đốc điều hành Danh mục và hoạt động dự án của WB Việt Nam và một số cán bộ liên quan.

Mở đầu buổi tiếp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân hoan nghênh và chào mừng Đoàn công tác của WB đã tới thăm và làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam. Thứ trưởng đánh giá cao sự giúp đỡ, hợp tác tích cực, hiệu quả giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và WB trong thời gian qua.

Tại buổi tiếp, ông Christophe Crepin cảm ơn Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã dành thời gian tiếp và làm việc với Đoàn. Thông qua buổi làm việc này, ông Christophe Crepin mong muốn hai bên sẽ cùng nhau trao đổi, chia sẻ các nội dung liên quan đến công tác quản lý chất thải rắn, chất thải sinh hoạt và rác thải nhựa đại dương.

Ông Christophe Crepin, Giám đốc ngành tài nguyên, môi trường và kinh tế biển khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB)

Báo cáo “Đánh giá công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp nguy hại tại Việt Nam: các phương án và hành động”

Tại buổi làm việc, giới thiệu về Báo cáo “Đánh giá công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp nguy hại tại Việt Nam: các phương án và hành động”, ông Christophe Crepin cho biết, báo cáo là sản phẩm nghiên cứu độc lập của WB đã được công bố vào tháng 12/2018 tại Việt Nam. Nội dung chính của Báo cáo nêu ra đánh giá và nhận định về thực trạng quản lý chất thải rắn nguy hại tại Việt Nam, tập trung chủ yếu tại đô thị; cũng như là đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo, nhằm mục tiêu tiến tới một hệ thống quản lý chất thải rắn hiện đại, tổng hợp, bền vững với chi phí phù hợp và đạt được các mục tiêu dự kiến đề ra tại Chiến lược quốc gia về quản lý chất thải rắn.

Các nhóm khuyến nghị được xây dựng dựa trên các tiêu chí khác nhau, bao gồm: Cơ sở hạ tầng/cơ sở quản lý chất thải rắn; tài chính bền vững và chi phí chất thải; khung pháp lý và quy định, chính sách giảm thiểu chất thải và tổ chức thể chế, bao gồm cả sự tham gia của khu vực tư nhân; giáo dục, nhận thức, tăng cường sự tham gia của cộng đồng và tăng cường năng lực.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng đưa ra 04 phương án/kịch bản chính với mục tiêu cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Hà Nội, Phú Thọ và Hải Phòng được phân tích và ngoại suy ở cấp quốc gia, bao gồm: Hệ thống quản lý chất thải rắn cơ bản hiện đại; giảm khối lượng chất thải, tái sử dụng và tái chế tại nguồn (cấp hộ gia đình); xử lý chất thải tiên tiến với chi phí thấp; các công nghệ xử lý tiên tiến nhất.

Đánh giá cao những thông tin hữu ích của Báo cáo “Đánh giá công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp nguy hại tại Việt Nam: các phương án và hành động”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá Báo cáo như một tài liệu tham khảo có giá trị trong quá trình định hướng, xây dựng các hoạt động cụ thể của Việt Nam cũng như của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể đã đề ra trong Chiến lược quốc gia về quản lý chất thải rắn. Cùng với đó, trong thời gian tới, Bộ mong muốn sẽ có nhiều hoạt động hợp tác cụ thể với WB trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn, ví dụ như các chương trình, dự án mới sẽ được xây dựng, triển khai.

 Toàn cảnh buổi làm việc

Bộ Tài nguyên và Môi trường là đầu mối thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn

Trao đổi với Đoàn công tác của WB về công tác quản lý chất thải rắn, chất thải rắn sinh hoạt, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, đây là một trong những vấn đề trọng tâm của Chính phủ Việt Nam. Ngày 03/02/2019, Chính phủ đã ban hành  Nghị Quyết số 09/NQ-CP về thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn, trong đó có giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là đầu mối thống nhất quản ý nhà nước về chất thải rắn. Nhằm thực hiện Nghị Quyết số 09/NQ-CP, trong thời gian qua, Bộ đã tích cực triển khai nhiều hoạt động như: Tổng hợp, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác quản lý chất thải rắn, phân tích hiện trạng và đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm thực hiện phương án thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn; tập trung nghiên cứu nhằm đưa ra những mô hình quản lý và công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; đẩy mạnh việc nhân cao nhận thức, tuyên truyền mạnh mẽ nhằm lan tỏa tới cộng đồng phong trào chống rác thải rắn sinh hoạt.

Cùng với đó, Bộ cũng đã phối hợp với các địa phương rà soát, kiểm tra, đánh giá toàn diện thực trạng công tác quản lý chất thải rắn của các địa phương, bao gồm: công tác lập quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch, năng lực thu gom, vận chuyển và xử lý của địa phương so với lượng chất thải phát sinh, tổ chức bộ máy, phân công trách nhiệm giữa các cơ quan chuyên môn về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, đơn giá thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.

“Đặc biệt, trong thời gian sắp tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì Hội nghị toàn quốc về chất thải rắn để bàn về các chủ trương, giải pháp cấp bách về quản lý chất thải rắn. Việc tổ chức và nội dung của Hội nghị sẽ được xây dựng căn cứ trên kết quả của hoạt động rà soát, đề xuất sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật; kết quả kiểm tra, đánh giá thực trạng quản lý chất thải của các địa phương hiện nay; các mô hình quản lý, công nghệ và danh mục công nghệ xử lý chất thải rắn ưu tiên áp dụng tại Việt Nam” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết thêm.

Với 80% rác nhựa biển có nguồn gốc từ đất liền, quản lý việc sản xuất các sản phẩm nhựa và tiêu thụ nhựa là quan trọng

Trao đổi về vấn đề quản lý rác thải nhựa đại dương, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” quy mô toàn quốc với các thông điệp chính là các hành động đơn lẻ không thể giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa và cần tiến hành các hành động chưa từng thực hiện nhằm giảm thiểu tiêu dùng sử dụng một lần, khuyến khích tái sử dụng nhựa và nâng cao quản lý chất thải; thúc đẩy nghiên cứu các giải pháp thay thế và giải pháp bền vững góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi vì một thế giới sạch hơn.

Là một trong những Bộ, ngành tiên phong trong phong trào “nói không với rác thải nhựa”, ngay từ tháng 6/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã sử dụng bình nước kim loại thay thế cho chai nước nhựa dùng một lần tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo. Hầu hết, các cơ quan trong Bộ đã không sử dụng chai nhựa, túi nilon khó phân hủy trong các hoạt động hàng ngày. Bên cạnh đó, ngày 11/9/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động phong trào thi đua “Hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa và ni lông” kêu gọi mỗi cán bộ, công nhân viên chức và người lao động trong toàn Ngành hãy hành động và vận động gia đình, người thân cùng thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa và túi ni lông sử dụng một lần”.

Đặc biệt, phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Canada, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất nhiều sáng kiến, kêu gọi cộng đồng quốc tế cần có hành động hiệu quả, quyết liệt giải quyết vấn đề rác thải nhựa.

Gần đây nhất vào tháng 6/2019, “Lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa” với sự tham dự đông đảo của các Bộ, ban, ngành; các tổ chức chính trị – xã hội; tổ chức quốc tế; các Tập đoàn, Tổng Công ty, doanh nghiệp, ngành hàng bán lẻ, hàng tiêu dùng, Thủ tướng Chính phủ đã kêu gọi cần thiết phải tuyên truyền sâu rộng, khuyến khích các phong trào, mô hình, các hoạt động về chống rác thải nhựa; đề xuất các sáng kiến nhằm thay đổi thói quen sử dụng, giảm thiểu, phân loại, tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa; tăng cường khuyến khích người dân sử dụng bao bì, túi đựng nhiều lần và thân thiện môi trường; kịp thời biểu dương, tôn vinh khen thưởng các điển hình tiên tiến, mô hình hay, sáng kiến có giá trị.

WB cam kết hỗ trợ ASEAN và Việt Nam với vai trò chủ tịch ASEAN năm 2020 trong lĩnh vực quản lý rác thải đại dương

Cảm ơn nhưng thông tin chia sẻ đầy đủ, toàn diện và hữu ích của Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân về công tác quản lý chất thải rắn, chất thải rắn sinh hoạt, rác thải nhựa đại dương ở Việt Nam, ông Christophe Crepin đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam cùng với cộng đồng chung tay hành động chống rác thải vì một Việt Nam xanh.

“WB cam kết hỗ trợ ASEAN và Việt Nam với vai trò chủ tịch ASEAN năm 2020 cả về nguồn lực tài chính và nguồn lực chuyên gia, kỹ thuật với mục tiêu xây dựng kế hoạch hành động cấp khu vực về quản lý rác thải đại dương. Cùng với đó, WB tin tưởng rằng Việt Nam sẽ hoàn thành tốt vai trò chủ tịch ASEAN năm 2020, cùng với các nước trong khu vực, Việt Nam – chủ tịch ASEAN năm 2020 sẽ đề xuất được cơ chế điều hành, phối hợp cấp lãnh đạo với quy mô khu vực phù hợp bối cảnh và tình hình chung của khu vực nhằm chung tay giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương” – ông Christophe Crepin nhấn mạnh.

Trước những cam kết hỗ trợ của WB đối với Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân mong muốn hợp tác với WB trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn, chất thải sinh hoạt và rác thải nhựa đại dương và hy vọng trong thời gian tới hai bên sẽ có các hoạt động hợp tác cụ thể. Thứ trưởng cũng giao Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế và các đơn vị liên quan trao đổi, thảo luận đề xuất các hoạt động dự kiến có thể phối hợp, báo cáo Lãnh đạo hai bên xem xét, quyết định trong thời gian sớm nhất.

Theo vea.gov.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.