Nhiều vấn đề cần được xử lý
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Tạ Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, để triển khai Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu, tỉnh Hải Dương đã ban hành nhiều chính sách để bảo vệ môi trường lưu vực sông như xây dựng các quy hoạch môi trường, bảo vệ môi trường, quản lý chất thải rắn, hệ thống quan trắc, phân vùng xả thải…
Tỉnh đã xây dựng mạng lưới các điểm quan trắc TN&MT, trong đó có 170 điểm quan trắc môi trường nước. Kết quả quan trắc cho thấy, so với môi trường không khí, môi trường nước có mức độ ô nhiễm lớn hơn và phổ biến hơn. Trên các tuyên sông Thái Bình, sông Hương, hệ thống sông Bắc Hưng Hải, kênh mương nội đồng, khu nuôi trồng thủy sản, nước mặt làng nghề… hầu hết chất lượng nước kém, nhiều thông số vượt quy chuẩn cho phép.
Các bãi chôn lấp rác thải khu vực nông thôn địa bàn các huyện cũng không bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường. Rác thải sinh hoạt mới xử lý được 50%. Nước thải sinh hoạt của khu dân cư, hiện tại Hải Dương mới thực hiện thu gom, xử lý nước thải khu vực trung tâm thành phố Hải Dương cũ. Còn lại toàn bộ nước thải sinh hoạt chưa được thu gom xử lý mà xả trực tiếp xuống kênh, mương, hồ, gây ô nhiễm nặng. Nước thải được bơm cưỡng bức ra sông, gây ô nhiễm cho hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Trước thực trạng trên, tỉnh Hải Dương kiến nghị Bộ hỗ trợ địa phương tổ chức kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải lưu vực sông; hàng năm dành một phần kinh phí cho các tỉnh thuộc lưu vực sông Cầu; ban hành thông tư về quản lý chất thải rắn thông thường và các văn bản khác liên quan đến lĩnh vực môi trường; cập nhật dự báo biến động chất lượng sông theo theo kết quả quan trắc tự động của Bộ TN&MT; …
Trên cương vị là Phó trưởng đoàn kiểm tra UBBVMTLVS Cầu, ông Nguyễn Anh Cương cho biết thêm, Hải Dương là tỉnh nằm cuối lưu vực sông, diện tích thuộc lưu vực sông ít nhưng lại chịu ảnh hưởng rất lớn từ nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở khu vực thượng lưu và trung lưu. Các nguồn thải chính trên địa bàn tỉnh Hải Dương là nước thải từ các KCN, CCN và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Tuy nhiên, nước thải của các KCN, CCN không thải ra LVS Cầu. Nước thải từ các khu đô thị, khu tập trung dân cư: hiện tại, chưa có điều tra, thống kê cụ thể và không xả thải ra lưu vực sông Cầu. Nước thải từ các làng nghề có 66 làng nghề và không xả thải ra lưu vực sông Cầu.
Mới đây, UBBVMTLVS Cầu đã phối hợp với các địa phương đi kiểm tra tình hình triển khai Đề án tại tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Kết quả cho thấy, hiện công tác BVMT LVS được các tỉnh rất quan tâm, tỉnh Bắc Cạn triển khai BVLVS rất tốt, Bắc Ninh cũng đã đầu tư lớn cho môi trường. Tuy nhiên, nổi cộm chung của cả 6 tỉnh là vấn đề xử lý rác thải. Việc xử lý gặp nhiều khó khăn do không có sự đồng thuận của người dân. Bên cạnh đó nổi lên những nóng môi trường cần nhanh chóng xử lý như: Làng giấy phong khê – Bắc Ninh, ô nhiễm do khai thác khoáng sản ở Thái Nguyên…
Nước thải, rác thải sinh hoạt là vấn đề cần quan tâm nhất
Theo ông Nguyễn Hưng Thịnh, thời gian qua chúng ta đã có sự kiểm soát chặt chẽ nước thải công nghiệp nên có thể nhận định, tỷ trọng nước thải công nghiệp tác động đến lưu vực không phải là nguyên nhân chính gây ô nhiễm. Vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay là tác động của nước thải sinh hoạt của các khu dân cư tập trung, các khu đô thị… ở lưu vực sông, tỷ trọng rất lớn (trên 50 – 70% nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý thải ra lưu vực sông).
Bên cạnh đó, nước thải sinh hoạt, rác thải cũng là tác nhân lớn gây ô nhiễm lưu vực sông. Khảo sát thực tế một số tỉnh trên LVS cho thấy, rất nhiều khu dân cư rác thải không được thu gom, thói quen của người dân là vứt xuống sông. TCMT đã bố trí 4 đoàn kiểm tra đến 63 tỉnh thành phố về công tác quản lý, xử lý rác thải trên địa bàn các địa phương. đề nghị phía tỉnh tiếp tục quan tâm.
Đối với các làng nghề Phong Khê và Cụm công nghiệp giấy Phong Khê Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo, tỉnh Thái Nguyên, TCMT đã thành lập Tổ Giám sát công tác BVMT, đã có công văn gửi các sở đề nghị cử đại diện tham gia.
Phải chủ động phòng ngừa, không để bị động ứng phó
Trước những kiến nghị của tỉnh Hải Dương, ông Nguyễn Hưng Thịnh cho biết, về rà soát, thống kê nguồn thải, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án theo quyết định 140 về tổng điều tra nguồn thải trêm phạm vi cả nước, trong đó có trách nhiệm của Bộ TN&MT và các địa phương. TCMT đã tham mưu Bộ có văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai nội dung này, trong đó nêu, nếu địa phương có khó khăn ngân sách về điều tra nguồn thải, có thể gửi hồ sơ về TCMT để Tổng cục tham mưu cho Bộ báo cáo Thủ tướng hỗ trợ thêm ngân sách.
Về xây dựng hệ thống quan trắc tự động, hiện có 55/63 tỉnh đã có hệ thống tiếp nhận dữ liệu tự động của doanh nghiệp cũng như trạm quan trắc xung quanh. Tuy nhiên, trong 55 có 20 tỉnh có kết nối về Tổng cục. Tới đây, Hải Dương cũng phải kết nối truyền dữ liệu về TCMT.
Về kinh phí, nếu có khó khăn kinh phí xử lý các hỗ trợ bãi rác, điểm ô nhiễm nghiêm trọng theo 64 và 1788 có thể đề xuất Trung ương hỗ trợ. Hiện TCMT đang tổng hợp phương địa phương khó khăn về kinh phí nhưng không thấy có hồ sơ của Hải Dương.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh: Hải Dương ở cuối nguồn là một trong những địa phương hứng chịu ô nhiễm nếu không được xử lý kịp thời sẽ xảy ra những sự cố đáng tiếc. Do đó, chúng ta phải chủ động phòng ngừa chứ không phải là bị động ứng phó. Những kiến nghị của tỉnh Hải Dương sẽ được Bộ xem xét đáp ứng. Về vấn đề văn bản pháp luật, hiện nay Bộ đang được giao sửa Luật BVMT, sửa Nghị định 155, ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 40, thực hiện triển khai 3 quy hoạch: quy hoạch BVMT, quy hoạch về đa dạng sinh học, quy hoạch về công tác môi trường… Tuy nhiên, các tỉnh trong LVS Cầu nói chung và Hải Dương nói riêng cũng cần có quy hoạch tổng thể địa phương, chiến lược bảo vệ môi trường, trong đó phải có nội dung quy hoạch BVMT quan trắc môi trường, đa dạng sinh học và chất thải rắn. Phải lựa chọn được mô hình điển hình trong thu gom xử lý nước thải, rác thải.
“Rác thải đang là vấn đề nóng của cả nước. Chính phủ cũng đã phát hiện vấn đề, trong cơ chế chính sách và quản lý có nhiều chồng chéo, chưa thống nhất nên đã giao Bộ TN&MT là đầu mối thống nhất quản lý Nhà nước về chất thải rắn. Điều này sẽ tạo nên những thuận lợi để chúng ta giải quyết vấn đề rác thải. Tới đây, sẽ có Hội nghị toàn quốc chất thải rắn, sau khi hội nghị diễn ra Bộ TN&MT sẽ xây dựng danh mục công nghệ khuyến cáo ứng dụng, xây dựng cơ chế chính sách với một khung giá xử lý môi trường đi đôi với công nghệ” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.
Thứ trưởng cũng ghi nhận Hải Dương đã có nhiều giải pháp quản lý, xử lý ô nhiễm môi trường nước, chất thải rắn, rác thải sinh hoạt, ô nhiễm môi trường không khí trước hết là việc lắp đặt hàng trăm trạm quan trắc tự động cả môi trường nước và không khí. Đồng thời hoan nghênh Đoàn công tác kiểm tra tình hình triển khai Đề án ở tất cả các tỉnh trong lưu vực đã kịp thời cảnh báo những vấn đề bức xúc về bảo vệ môi trường trên địa bàn các tỉnh, đề xuất giải pháp trong việc quản lý. Tuy nhiên, các tỉnh trong lưu vực sông Cầu cần đẩy mạnh kết nối giữa các tỉnh, phối hợp các ngành, các địa phương với nhau trong ngăn chặn, xử lý ô nhiễm môi trường.
Sau buổi làm việc, Thứ Trưởng Võ Tuấn Nhân đã đi khảo sát Nhà máy xử lý nước thải TP Hải Dương do Công ty Công trình Quản lý đô thị Hải Dương làm chủ đầu tư; khảo sát Nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ mới trong Khu đô thị Ecorivers Hải Dương.