CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Thứ trưởng Lê Công Thành tham dự Cuộc họp đối thoại bàn tròn giữa các nước ASEAN về Không khí sạch, Sức khỏe và Khí hậu

0
Từ ngày 24 đến 25/7, Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam do Thứ trưởng Lê Công Thành làm Trưởng đoàn đã tham dự Cuộc họp đối thoại bàn tròn giữa các nước ASEAN về Không khí sạch, Sức khỏe và Khí hậu được tổ chức tại Manila, Philippines
​Cuộc họp đối thoại do Liên minh về Khí hậu và Không khí sạch (CCAC) tổ chức. CCAC được thành lập năm 2012 nhằm thúc đẩy nỗ lực xử lý các chất ô nhiễm có tác động ngắn đến khí hậu (SLCP). Đây là các chất như cac-bon đen, ô-dôn tầng thấp có nguồn gốc từ khói xe, tàu thủy, nhà máy và từ khói do đun nấu, đốt rác và đốt các phụ phẩm nông nghiệp… Tuy chỉ tồn tại thời gian ngắn trong không khí (khoảng vài ngày đến vài tuần) nhưng SLCP cũng có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu đáng kể (khoảng 1/3 so với CO2) và có tác động lớn đến sức khỏe con người, gây ra nhiều bệnh đường hô hấp. CCAC hiện có trên 300 thành viên đến từ các quốc gia, địa phương, cơ quan liên chính phủ, các định chế tài chính, tổ chức phi chính phủ…

Mục đích của Cuộc họp đối thoại nhằm chia sẻ và thảo luận các nỗ lực và ý tưởng để xử lý vấn đề ô nhiễm không khí, coi đây là các giải pháp đồng lợi ích để vừa bảo vệ sức khỏe cộng đồng, vừa góp phần thực hiện Thỏa thuận Paris. Cuộc họp đối thoại chia làm 2 Phiên: Phiên cấp cao được tổ chức sáng 24/7; Phiên kỹ thuật được tổ chức vào chiều 24 và ngày 25/7.

Tham gia Cuộc họp đối thoại có 03 Bộ trưởng: Bộ trưởng Bộ Môi trường và Tài nguyên; Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng – Chủ tịch Ủy hội Biến đổi khí hậu của Philippines; Thứ trưởng các Bộ về Môi trường của Brunei, Lào, Singapore, Việt Nam và Nhật Bản; đại diện lãnh đạo cấp Cục, Vụ của các nước ASEAN khác và của Hàn Quốc; đại diện Ban thư ký ASEAN, Tổ chức Y tế thế giới, Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), CCAC, một số Viện nghiên cứu và tổ chức phi chính phủ khác.

Tại Phiên đối thoại cấp cao, các đại biểu đã nghe báo cáo về các giải pháp xử lý ô nhiễm không khí tại các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương và nỗ lực của các nước ASEAN thực hiện giảm ô nhiễm không khí và thực hiện Thỏa thuận Paris.

Về các giải pháp xử lý ô nhiễm, các đại biểu đã nghe Đại diện Ban Thư ký CACC giới thiệu về Báo cáo “Ô nhiễm không khí tại Châu Á: Các giải pháp khoa học” do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, Liên minh vì Không khí sạch khu vực châu Á – Thái Bình Dương và CCAC đồng xây dựng. Báo cáo đã nêu bật sự cần thiết cần có hành động mạnh mẽ giải quyết vấn đề không khí sạch; đồng thời đưa ra 25 giải pháp đồng lợi ích để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí và thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, trong đó có: kiểm soát khí thải; ban hành các tiêu chuẩn xử lý khí thải công nghiệp, khí thải giao thông đường bộ; kiểm soát bụi; hạn chế đốt phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch; chống cháy rừng; sản xuất gạch không nung; sử dụng năng lượng sạch để đun nấu… Báo cáo cho rằng nếu thực hiện tất cả các giải pháp này thì có thể giúp nhiệt độ toàn cầu giảm đến 0,30C trong giai đoạn 2040-2050 so với năm 2015, trong đó giảm CO2 là 19%, CH4 là 44%, cac-bon đen là 77%.

Các đại biểu thảo luận nhiều về các giải pháp đưa ra trong Báo cáo; nhưng lựa chọn và áp dụng giải pháp nào còn phụ thuộc vào điều kiện thực tế của mỗi quốc gia.

Phát biểu tại Phiên đối thoại, Thứ trưởng Lê Công Thành đã nêu thực tế tại Việt Nam trong những năm gần đây, khi kinh tế phát triển nhanh nhưng môi trường không khí không được cải thiện. Thực hiện chủ trương nhất quán “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế”, Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế ô nhiễm không khí. Rất nhiều trong số 25 giải pháp ưu tiên được đề cập trong Báo cáo “Ô nhiễm không khí tại châu Á: các giải pháp khoa học” đã được Việt Nam thực hiện từ nhiều năm nay và đã được đưa vào Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) trình UNFCCC năm 2015. Các giải pháp này cũng đang được xem xét kỹ lưỡng để đưa vào Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam dự kiến trình UNFCCC năm 2020.

Tại phiên đối thoại kỹ thuật, các đại biểu đã thảo luận sâu hơn về các giải pháp kỹ thuật để thực hiện giảm ô nhiễm không khí và làm thế nào phản ánh vào bản NDC cập nhật của các quốc gia. Đại biểu Việt Nam cũng đã chia sẻ những nỗ lực và kinh nghiệm của Việt Nam thực hiện rà soát cập nhật NDC từ năm 2017 đến nay, trong đó có các lựa chọn giảm nhẹ phát thải khí nhà kính có đồng lợi ích với giảm ô nhiễm không khí trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông, nông nghiệp.

Ngoài tham dự Phiên đối thoại cấp cao, Thứ trưởng Lê Công Thành cũng đã có các cuộc gặp song phương với Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản và Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào để trao đổi các vấn đề cùng quan tâm và thúc đẩy hợp tác về tài nguyên và môi trường với Nhật Bản và với Lào trong thời gian tới.

 
(Cổng TTĐT Bộ TNMT)
Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.