CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

“Thiếu hụt nguồn nhân lực vẫn là thách thức lớn với đảm bảo an toàn, an ninh mạng Việt Nam”

0

Chia sẻ tại Security Bootcamp 2019, nhận định nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng hiện vẫn rất lớn, Tổng thư ký VIA Vũ Thế Bình cho biết, thách thức từ lâu với ngành đảm bảo an toàn, an ninh mạng Việt Nam là sự thiếu hụt nguồn nhân lực.

Diễn đàn An toàn thông tin mạng – Security Bootcamp 2019 vừa chính thức được khai mạc hôm nay, ngày 13/9/2019, tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Là sự kiện được Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Phát triển Huế, nhóm cộng đồng chuyên gia Security Bootcamp tổ chức dưới sự bảo trợ của Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế, Security Bootcamp 2019 diễn ra trong 3 ngày từ 13 – 15/9 với 3 hoạt động chính gồm hội thảo, diễn tập an toàn thông tin, hướng nghiệp cho sinh viên ngành an toàn thông tin và chia sẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT. Ngoài ra, còn có chương trình tham quan, kết nối, giao lưu với các tổ chức, doanh nghiệp địa phương.

Với chủ đề “Cyber Security Revolution” (Cuộc cách mạng về an ninh mạng), tại hội thảo Security Bootcamp 2019, các chuyên gia an toàn thông tin, chuyên gia CNTT và các quản trị mạng tập trung trao đổi, chia sẻ về các vấn đề như: An ninh mạng và những thách thức trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0; Ứng dụng công nghệ học máy để phát hiện phần mềm độc hại; Một số kĩ thuật phổ biến của Macro Malware; Giám sát thụ động thông tin an toàn hàng hải sử dụng SDR…

Được biết năm nay, sự kiện Security Bootcamp có sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực CNTT, An toàn thông tin như Viettel Cyber Security, Công ty cổ phần Tin học Mi Mi, NetNam, Incretek, NPCore, CyRadar, HPT, FPT IS, VSEC, Deloitte… cùng sự hưởng ứng của các chuyên gia an ninh mạng đến từ các ngân hàng lớn như BIDV, Sea Bank…

Trao đổi với ICTnews về chủ đề của sự kiện năm nay, đại diện Ban tổ chức, ông Vũ Thế Bình – Tổng thư ký VIA cho hay, trong vài năm gần đây, các cuộc tấn công an toàn an ninh mạng đã có những thay đổi rất nhiều, có tinh chất “thông minh” hơn trước rất nhiều. Do đó, cách tiếp cận và các giải pháp phòng và chống các sự cố an toàn an ninh mạng cũng cần có những thay đổi có tính chất “cách mạng”, ví dụ tiếp cận và áp dụng các công nghệ mới như AI, Big Data cho các hoạt động giám sát, bảo vệ.

Trả lời câu hỏi việc chọn chủ đề Security Bootcamp 2019 là “Cuộc cách mạng an ninh mạng” có liên quan gì đến việc Việt Nam đang nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng 4.0, thực hiện chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử hiện nay hay không, ông Bình thông tin, Security Bootcamp là một sự kiện được tổ chức theo hình thức Bootcamp và cơ bản dành cho các chuyên gia về an toàn an ninh mạng, là nơi để chia sẻ, thảo luận các xu hướng, bài học, trường hợp xử lý mới. Và nội dung sự kiện được xây dựng bởi nhóm cộng đồng chuyên gia Security Bootcamp.

“Dù vậy, chúng tôi cũng thấy sự kết nối, liên quan đến quá trình chuyển đổi số đang diễn ra tại Việt Nam. Những trường hợp được các chuyên gia chia sẻ rất gần với thực tiễn, gắn liền với các vấn để các tổ chức, doanh nghiệp gặp phải khi ứng dụng dữ liệu số và công nghệ số trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Hơn thế, đảm bảo an toàn an ninh mạng luôn là hoạt động đồng hành với các hoạt động chuyển đổi số”, ông Bình chia sẻ.

Đánh giá về tình hình an toàn, an ninh mạng tại Việt Nam, Tổng Thư ký VIA Vũ Thế Bình cho rằng, những năm gần đây, nhận thức về đảm bảo an toàn an ninh mạng ở Việt Nam đã có những bước tiến triển đáng kể, có thể thấy qua sự hình thành hành lang pháp luật như Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và Luật An ninh mạng năm 2018, sự phát triển của các doanh nghiệp và cộng đồng làm nghề đảm bảo an toàn an ninh mạng. Thị trường cũng có những dấu hiệu tích cực, dù chi tiêu cho đảm bảo an toàn an ninh mạng còn khiêm tốn.

Tuy nhiên, theo ông Bình, nguy cơ mất an toàn an ninh mạng ở Việt Nam thì vẫn rất lớn, và Việt Nam vẫn nằm trong các vị trí đứng dầu trong tốp các nước có lượng nhiễm mã độc, botnet… lớn nhất thế giới.

“Một thách thức từ lâu đối với ngành đảm bảo an toàn an ninh mạng của Việt Nam là sự thiếu hụt nguồn nhân lực. Đây là một ngành có tính đặc thù, tính chuyên gia rất cao, và hiện tại rất thiếu về chất và lượng, đồng thời chúng ta còn có nguy cơ bị chảy máu chất xám ra các nước phát triển hơn”, vị đại diện VIA chia sẻ.

Security Bootcamp là một sự kiện thường niên, phi lợi nhuận với sứ mệnh xây dựng và kết nối đội ngũ những người làm về an toàn thông tin trong cả nước để cùng chia sẻ các kiến thức, kỹ năng mới nhất tạo thành một diễn đàn uy tín, chất lượng hàng đầu về an toàn thông tin tại Việt Nam. Được tổ chức lần đầu vào năm 2012 tại thành phố Vũng Tàu, đến nay, cộng đồng đã trải qua 6 kỳ Security Bootcamp thành công, thu hút hàng ngàn lượt người tham dự trên cả nước.

Theo ICTNews

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.