Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 7 triệu người tử vong do các bệnh liên quan tới ô nhiễm không khí. Ngoài cuộc sống của con người bị mất đi, ước tính còn thiệt hại 225 tỷ đô la về sức lao động, và hàng nghìn tỷ cho chi phí y tế. Ô nhiễm không khí đang lấy đi sinh kế và tương lai của chúng ta, nhưng chúng ta có thể thay đổi điều đó…
Ô nhiễm không khí gây ra nhiều bệnh tật
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia Việt Nam chỉ rõ, ô nhiễm môi trường không khí gây ra những tác động trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng. Tỷ lệ người dân ở các đô thị lớn mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí chiếm tỷ lệ khá cao, trẻ em là nhóm đối tượng chịu tác động lớn nhất. Trong đó, bụi mịn (PM 2.5) là những hạt bụi nhỏ li ti mà mắt thường không nhìn thấy được coi là tác nhân có ảnh hưởng nhất đối với sức khỏe. Phơi nhiễm lâu dài với bụi mịn cũng có thể tăng tỷ lệ viêm phế quản mạn tính, suy giảm chức năng phổi và tăng tỷ lệ tử vong do ung thư phổi và bệnh tim.
Tại Hội thảo “Môi trường không khí và các bệnh có liên quan” do Hội Y học TPHCM tổ chức, các chuyên gia đều khẳng định, ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng đến đường hô hấp mà còn ảnh hưởng đến tất cả cơ quan như da, tim mạch, hệ thần kinh… Đặc biệt, nó còn là tác nhân gây dẫn đến ung thư, điển hình là ung thư phổi. Các nghiên cứu dịch tễ học mô tả, phân tích cho thấy tỷ lệ ung thư phổi nhiều hơn các vùng có mật độ ô nhiễm không khí cao. Số liệu thống kê, mỗi năm nước ta ghi nhận hơn 20.000 người mắc bệnh ung thư phổi, khoảng 56 người mắc mỗi ngày, trong đó có đến 17.000 người đã tử vong. Ước tính đến năm 2020 có tới 34.000 người mắc mỗi năm, mỗi ngày có thêm 90 người phát hiện mắc bệnh.
Một số nghiên cứu của các chuyên gia môi trường cũng chỉ ra rằng, trong hơn 20 năm qua, ô nhiễm không khí tại Việt Nam luôn tăng và có thể nhận thấy xu hướng sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Số người tử vong do ô nhiễm không khí có thể tăng gấp đôi hoặc thậm chí cao hơn so với hiện nay vào năm 2035.
Ô nhiễm không khí tại Việt Nam có chiều hướng gia tăng
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm, trên thế giới có khoảng 7 triệu người tử vong do các bệnh liên quan tới ô nhiễm không khí như các bệnh về tim, phổi và đột quỵ. Hàng ngày có khoảng 93% trẻ em trên thế giới dưới 15 tuổi (tương đương với 1,8 tỷ em) phải hít thở bầu không khí ô nhiễm khiến cho sức khỏe và sự phát triển của các em bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tại Việt Nam, trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất tại Việt Nam có 6 bệnh liên quan đến đường hô hấp có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí và chất lượng không khí. Trong cơ cấu bệnh tật, các bệnh về đường hô hấp cũng là 1 trong 5 nhóm bệnh bị mắc phải cao nhất.
“Ô nhiễm không khí thực sự là một cú sốc lớn cho toàn cầu. Vấn nạn này khiến những người mắc bệnh hô hấp thêm khó thở, trẻ con và người già phải vào viện, bỏ học, bỏ việc và gây ra những cái chết sớm cho con người” –ông Bob O’Keefe, Phó Chủ tịch WHO chia sẻ.
Thiệt hại 225 tỷ USD
Ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn khiến nảy sinhhàng loạt những vấn đề kinh tế – xã hội bất ổn. Ấn độ điêu đứng khi ô nhiễm không khí cao hơn 50 lần mức độ cho phép; Thái Lan phải đóng cửa hơn 400 trường học… Tại Trung Quốc, ô nhiễm không khí từ khói bụi, trong đó có ôzôn và các hạt mịn đã tiêu tốn 267 tỷ NDT (38 tỷ USD) mỗi năm.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), thiệt hại kinh tế toàn cầu do ô nhiễm không khí là khoảng 225 tỷ USD. Đối với Việt Nam, ô nhiễm không khí gây thiệt hại về kinh tế khoảng 10 tỷ đô la mỗi năm (chiếm từ 5 – 7% GDP).
Chỉ tính riêng Hà Nội, ước tính chi phí khám, chữa bệnh về hô hấp, thiệt hại kinh tế do nghỉ ốm với người dân nội thành là 1.500 đồng/người/ngày. Với khoảng 3,5 triệu dân nội thành, quy đổi tổng thiệt hại kinh tế do mắc các bệnh đường hô hấp khoảng 2000 tỷ đồng/năm.
Điều đáng nói là người dân đóng vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết “gánh nặng” ô nhiễm không khí. Nhưng cho đến nay, hầu hết còn chưa nắm rõ được những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí cũng như những hiểm họa sức khỏe về lâu dài. Vì thế, nhiều người vẫn còn rất thờ ơ và dường như đứng ngoài cuộc.
Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới Việt Nam cần có những báo cáo, đánh giá cụ thể, chi tiết về tác hại của ô nhiễm không khí, tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe con người; từ đó tuyên truyền, hướng dẫn, chỉ rõ các hành động cụ thể (tránh khẩu hiệu chung chung và mang tính hô hào) mà người dân nên thực hiện để góp phần làm trong sạch không khí và bải vệ sức khỏe của mình và người thân. Đơn cử như vận động người dân đẩy nhanh chuyển đổi sang các công nghệ và nhiên liệu nấu nướng và sưởi ấm sạch, thúc đẩy việc sử dụng các phương tiện vận tải sạch hơn, nhà ở tiết kiệm năng lượng… Đồng thời tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động bảo vệ không khí.
“Khi chúng ta hiểu được ảnh hưởng của chất lượng không khí đến cuộc sống của mình, chúng ta sẽ hành động để bảo vệ những gì quan trọng nhất” – Giám đốc điều hành của Greenpeace Đông Nam Á nhấn mạnh.
Theo Monre.gov.vn