(TN&MT) – Hội Bảo vệ môi trường Thanh Hóa phối hợp với Công ty Môi trường Lam Sơn đã nghiên cứu, chế tạo thành công công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng chế phẩm sinh học, được lắp đặt và đưa vào thực nghiệm tại xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Lò đốt không đủ công suất trước lượng rác khổng lồ tại huyện Nông Cống |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa lượng rác thải khổng lồ liên tục gia tăng theo từng năm, dẫn đến sự quá tải trầm trọng tại các bãi rác ở các khu vực Sầm Sơn, Nông Cống, Bỉm Sơn, Đông Nam… Trong khi đó, việc xử lý rác bằng công nghệ đốt và chôn lấp dần trở nên lạc hậu và kém hiệu quả, kéo theo nhiều hệ lụy xấu về môi trường ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân khu vực lân cận.
Do đó, việc áp dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực xử lý rác thải trở nên cấp thiết và quan trọng. Đồng thời, việc áp dụng khoa học công nghệ phải đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế, tính chất rác ở Việt Nam (rác có độ ẩm cao). Theo đó, Hội Bảo vệ môi trường Thanh Hóa phối hợp với Công ty Môi trường Lam Sơn đã nghiên cứu, chế tạo thành công công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng chế phẩm sinh học, được lắp đặt và đưa vào thực nghiệm tại xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân.
Công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng chế phẩm sinh học kết hợp sàng phân loại tại xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân |
Quy trình thực hiện áp dụng các công nghệ xé bao rác; công nghệ ủ vi sinh; công nghệ tách mùn hữu cơ; công nghệ tận thu đối với vật liệu chất dẻo, đốt các thành phần rác không thể tận dụng tái chế và thu hồi chất thải vô cơ không thể đốt làm vật liệu san lấp. Trong đó, công nghệ ủ vi sinh là chìa khóa quyết định yếu tố thành công của công nghệ.
Cụ thể, khi rác được vận chuyển về nơi tập kết, sau công đoạn xé bao do phần lớn rác được chứa trong các túi PP hoặc PE. Lập tức, rác được ủ vi sinh bằng cách phun đều chế phẩm sinh học theo từng lớp, đánh đống ủ trong 20 – 25 ngày. Sau khi được ủ vi sinh từ chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường, nhiệt độ trong các đống rác ủ lên tới 70-80 độ C, do đó nước từ các ụ rác sẽ liên tục bốc hơi, độ ẩm giảm chỉ còn 30%.
Rác sau khi được đưa về sẽ được phun men vi sinh ngay lập tức nhằm tránh mùi hôi và ruồi muỗi phát sinh |
Cuối cùng, rác sau ủ được đưa lên sàng phân loại qua băng tải và được tách thành 3 loại: Mùn hữu cơ; rác thải vô cơ (gạch, đá, thủy tinh…); nilon, nhựa được phân loại riêng để tái chế. Rác hữu cơ không thể tái chế đưa vào lò đốt. Lúc này, khối lượng rác đốt giảm đáng kể sau quá trình sàng phân loại, độ ẩm rác thấp giúp cho việc đốt trở nên dễ dàng, nhanh chóng và hạn chế ô nhiễm không khí.
Ông Nguyễn Quang Thái, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ môi trường Thanh Hóa cho biết: “Thực ra, công nghệ mà chúng tôi nghiên cứu không phải là những công nghệ mới, hiện đại nhất. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nằm ở công đoạn ủ vi sinh được chúng tôi ưu tiên và đưa lên hàng đầu, do đó, khu vực xử lý rác thải sẽ không có mùi hôi, không ruồi muỗi và không có nước rỉ rác. Hy vọng rằng, với những kết quả tích cực đã đạt được, công nghệ sẽ sớm được triển khai rộng rãi trên địa bàn tỉnh”.