CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Tham vấn ý kiến hoàn thiện Hướng dẫn thiết kế mạng lưới và xác định vị trí đặt trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục

0
Chiều 27/8, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Hướng dẫn thiết kế mạng lưới và xác định vị trí đặt trạm quan trắc môi trường (QTMT) không khí tự động, liên tục.
Tham dự hội thảo có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức, đại diện Trung tâm Quan trắc môi trường của các tỉnh Bắc Giang, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam và nhiều chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực quan trắc môi trường. Đặc biệt, hội thảo còn nhận được sự quan tâm, tham dự bằng hình thức trực tuyến của nhiều chuyên gia, nhà khoa học tại Thái Lan, Anh Quốc, Hồ Chí Minh, Hà Nội.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức cho biết, bên cạnh mạng lưới trạm trạm quan trắc không khí quốc gia, trong khoảng 5 năm trở lại đây, một số địa phương trên cả nước đã tiến hành đầu tư xây dựng các trạm quan trắc không khí tự động để theo dõi hiện trạng chất lượng không khí của tỉnh/thành phố. Theo thống kê, hiện có trên 50 trạm trên địa bàn 19 tỉnh/thành phố đã được đầu tư xây dựng và vận hành. Bên cạnh đó, một số tỉnh đang tiếp tục đầu tư và vận hành thử nghiệm các trạm quan trắc không khí tự động. Tuy nhiên, việc đầu tư lắp đặt trạm có sự chênh lệch khá lớn giữa các địa phương về số lượng. Các tiêu chí xác định loại hình trạm, vị trí đặt trạm cũng chưa có sự thống nhất do chưa có các hướng dẫn kỹ thuật về thiết kế mạng lưới quan trắc.
Do đó, để có cơ sở thống nhất trong việc đầu tư lắp đặt trạm quan trắc không khí một cách hiệu quả ở Trung ương và địa phương, gắn với quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia, đáp ứng các mục tiêu quan trắc, Tổng cục Môi trường đã dự thảo hướng dẫn thiết kế mạng lưới và xác định vị trí đặt trạm QTMT không khí tự động, liên tục (sau đây gọi tắt là Hướng dẫn).
Tại hội thảo, thay mặt đơn vị đầu mối xây dựng dự thảo Hướng dẫn, bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc cho biết, Hướng dẫn này áp dụng đối với mạng lưới quan trắc tự động, liên tục cho môi trường không khí xung quanh, không bao gồm hệ thống các trạm quan trắc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Nguyên tắc chung của việc thiết kế mạng lưới là phải đảm bảo tính đại diện cho chất lượng không khí của khu vực, gắn với quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia và đáp ứng các yêu cầu về quản lý, kiểm soát, nâng cao chất lượng môi trường không khí, tránh trùng lặp, chồng chéo giữa mạng lưới trạm trung ương và địa phương, hiệu quả đầu tư tối ưu (số lượng trạm, thông số quan trắc của mỗi trạm…), đáp ứng mục tiêu cung cấp số liệu để đánh giá và công bố hiện trạng, diễn biến chất lượng không khí xung quanh; đánh giá sự tuân thủ so với Quy chuẩn chất lượng không khí xung quanh; cung cấp số liệu cho công tác nghiên cứu khoa học…
Trình bày chi tiết của dự thảo Hướng dẫn thiết kế mạng lưới quan trắc không khí tự động tại Việt Nam, bà Ánh cho biết, về phân cấp hệ thống, theo quy định tại Điều 124 của Luật Bảo vệ môi trường 2014 về hệ thống quan trắc môi trường, Hệ thống quan trắc môi trường do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện và quản lý bao gồm quan trắc môi trường quốc gia và quan trắc môi trường cấp tỉnh.
Học tập kinh nghiệm về thiết kế mạng lưới quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục của các nước tiên tiến, hướng dẫn đề xuất thiết kế mạng lưới quan trắc không khí tự động, liên tục tại Việt Nam bao gồm mạng lưới trạm quan trắc môi trường quốc gia và mạng lưới trạm quan trắc môi trường địa phương (cấp tỉnh). Mỗi mạng lưới quan trắc đều gồm nhiều loại hình trạm khác nhau.​
PGS. TS. Nghiêm Trung Dũng phát biểu tại cuộc ​họp
Về phân loại trạm, trên cơ sở tổng hợp kinh nghiệm quốc tế về các loại hình trạm và dựa vào điều kiện thực tế tại Việt Nam, đề xuất một số loại hình trạm trong mạng lưới quan trắc không khí như trạm tổng hợp, trạm đô thị, trạm nông thôn, trạm nền, …
Về số lượng trạm quan trắc tối thiểu đối với mạng lưới quan trắc môi trường không khí tự động quốc gia, theo kinh nghiệm của Nhật Bản và một số nước, số lượng trạm quan trắc được thiết kế theo diện tích khu vực (lưới ô vuông). Đối với Việt Nam, đo điều kiện còn hạn chế về nguồn kinh phí đầu tư và duy trì vận hành hệ thống trạm quan trắc tự động nên dự kiến lưới 100*100 km. Với mật độ trạm quan trắc môi trường quốc gia theo thiết kế lưới này, kết hợp với mạng lưới trạm của các địa phương vẫn đảm bảo cung cấp dữ liệu đủ để đánh giá hiện trạng và diễn biến chất lượng không khí cũng như dự báo ô nhiễm không khí tại Việt Nam.
Về số liệu trạm quan trắc tối thiểu đối với mạng lưới quan trắc không khí địa phương (cấp tỉnh), do mục đích chính của mạng lưới quan trắc không khí cấp tỉnh là đánh giá mức độ ô nhiễm điển hình trong các khu dân cư, mức độ ô nhiễm gần các nguồn thải (nguồn thải điểm và nguồn thải dạng đường) nên mạng lưới quan trắc môi trường cấp tỉnh bao gồm các loại trạm như trạm đô thị, trạm nông thôn, trạm công nghiệp, trạm ven đường. Mạng lưới quan trắc không khí cấp tỉnh chủ yếu bao gồm các trạm tại các khu vực đô thị, nơi có đông dân cư và vấn đề ô nhiễm không khí thường nghiêm trọng hơn so với các khu vực khác. Vì vậy, loại trạm đô thị cần chiếm ít nhất 70% trong tổng số các trạm quan trắc không khí.

Hướng dẫn chung về xác định vị trí đặt trạm, bà Ánh cho biết, để xây dựng được một mạng lưới trạm quan trắc tự động cần phải thực hiện các nghiên cứu đối với từng khu vực cụ thể. Trạm nền đặt tại các khu vực có ít tác động nhất từ các nguồn khí thải; vị trí đặt trạm có thể là các ngọn núi thuộc các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên; ngoài ra, có thể đặt tại các hòn đảo. Trạm tổng hợp có thể đặt tại các khu vực ít chịu tác động của các nguồn thải cục bộ để đánh giá chất lượng không khí của một khu vực rộng lớn, ngoài ra, trạm cũng có thể đặt tại các khu vực có nồng độ ô nhiễm điển hình ….
TS. Hoàng Dương Tùng phát biểu tại cuộc họp

Đối với việc lựa chọn thông số quan trắc, trạm nền và trạm tổng hợp để đánh giá diễn biến chất lượng không khí trên phạm vi toàn quốc, vì vậy, đối với loại trạm này bao gồm đầy đủ các thông số cơ bản. Các thông số tối thiểu đối với trạm nền và trạm tổng hợp bao gồm PM10, PM2.5, CO, SO2, O3, NO-NO2-NOx, nhiệt độ, độ ẩm, áp suất khí quyển, bức xạ mặt trời, lượng mưa, tốc độ gió, hướng gió. Ngoài ra 1 số trạm có thể lựa chọn để lắp đặt các thông số như VOC, BTEX,… Với trạm nông thôn, các thông số quan trắc tối thiểu bao gồm PM10, PM2.5, O3. Trong số các trạm nông thôn có thể lựa chọn 1 trạm để lắp đặt các thông số SO2, NO/NO2/NOx để đánh giá nồng độ các thông số này tại khu vực nông thôn, …
Về tiêu chí đối với vị trí đặt trạm, mạng lưới quan trắc không khí tự động được xây dựng và quản lý bởi hai hệ thống phân cấp Trung ương và địa phương. Do đó, để có được dữ liệu trên quy mô quốc gia, có sự tương đồng một cách tương đối giữa các trạm và đảm bảo tính đại diện của trạm cần phải có các tiêu chí thống nhất về vị trí trạm.
Một số tiêu chí chung xác định vị trí trạm gồm dễ dàng cung cấp nguồn điện, có đường vào dễ dàng để vận chuyển thiết bị, vận hành, vệ sinh định kỳ, kiểm định và hiệu chuẩn, được đảm bảo về an toàn, an ninh, vị trí ổn định giúp trạm tồn tại lâu dài để có thể đánh giá chuỗi dữ liệu theo thời gian nhiều năm.
Các tiêu chí chung liên quan đến vị trí đầu hút mẫu tại trạm gồm vị trí thoáng đãng, không có công trình, vật cản ảnh hưởng đến các luồng khí xung quanh; cách xa 10m từ tán cây (đối với cây cao hơn so với vị trí hút mẫu); cách xa các nguồn thải điểm lớn (trừ trạm công nghiệp)…
Đánh giá cao nỗ lực xây dựng dự thảo Hướng dẫn của Tổng cục Môi trường, các chuyên gia, nhà khoa học tham dự hội thảo đã sôi nổi thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện dự thảo Hướng dẫn. Theo PGS. TS. Vũ Thanh Ca, PGS.TS. Hồ Quốc Bằng, PGS. TS. Nghiêm Trung Dũng, PGS. TS. Hoàng Xuân Cơ, PGS. TS. Trịnh Thị Thanh, TS. Hoàng Dương Tùng và các chuyên gia, nhà khoa học khác, cần phân biệt rõ nguyên tắc chung của việc thiết kế mạng lưới dành cho hệ thống quốc gia và hệ thống địa phương; nên có hướng dẫn đầu tư thiết bị cho các trạm; xác định rõ mục tiêu để xác định đúng loại trạm cần đầu tư; bổ sung, xác định rõ ràng hơn đối với các tiêu chí đặt trạm, phân loại trạm; xác định rõ thông số quan trắc và cách thức quan trắc cho từng trạm,…
Kết thúc cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức trân trọng cảm ơn và đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, gửi góp ý để Tổng cục Môi trường hoàn thiện, trình Bộ trưởng xem xét, sớm ban hành Hướng dẫn thiết kế mạng lưới và xác định vị trí đặt trạm QTMT không khí tự động, liên tục nhằm góp phần thực thiện tốt chỉ đạo xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia./.

Theo VEA
Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.