Tại Tờ trình về dự thảo Luật BVMT của Chính phủ trình Quốc hội 01 phương án là giao các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định báo cáo ĐTM thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của mình để có thể tích hợp giải quyết thủ tục thẩm định báo cáo ĐTM với thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi một số dự án (do các Bộ này được giao thẩm quyền thẩm định theo quy định của pháp luật về xây dựng).
Trong quá trình chỉnh lý Dự thảo Luật, nhiều ĐBQH đã đề nghị giao UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các bộ có liên quan thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành. Trên cơ sở đó, UBTVQH đã đề xuất lấy ý kiến Quốc hội 02 phương án như sau:
Phương án 1: Theo Tờ trình số 252/TTr-CP là giao các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định báo cáo ĐTM thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của mình.
Ưu điểm: Có thể tích hợp giải quyết thủ tục thẩm định báo cáo ĐTM với thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi của một số dự án; Các Bộ này hiện nay đều có bộ phận chuyên môn về môi trường, quá trình thẩm định thời gian qua vẫn đáp ứng được yêu cầu BVMT.
Nhược điểm: Chưa bảo đảm quản lý thống nhất tại địa phương; việc thẩm định ĐTM không đi đôi với kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác BVMT của dự án (gắn với chức năng quản lý địa bàn).
Phương án 2: Đây là phương án được tiếp thu ý kiến của ĐBQH, theo đó giao UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các bộ có liên quan thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành.
Ưu điểm: Bảo đảm quản lý thống nhất tại địa phương, thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát, cấp phép (nếu có) sau này và phù hợp với xu hướng phân cấp cho địa phương hiện nay của Chính phủ.
Nhược điểm: Không tích hợp được quá trình thẩm định báo cáo ĐTM với quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi tại các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành nhằm giảm TTHC cho các doanh nghiệp; Không phát huy được sự tham gia của các cơ quan chuyên môn về môi trường của các Bộ trong thẩm định báo cáo ĐTM.
Tổng hợp kết quả lấy ý kiến các Đoàn ĐBQH có 40 Đoàn đề nghị thực hiện theo phương án 2. Cơ quan soạn thảo và Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội thống nhất đề nghị Chính phủ thực hiện theo phương án 2. Do phương án này có thay đổi với phương án đã được Chính phủ trình Quốc hội tại Tờ trình số 252/TTr-CP nên Bộ TN&MT kính đề nghị Chính phủ chỉ đạo lấy ý kiến Thành viên Chính phủ về việc thay đổi phương án này.
CTTĐT