CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Tập trung giải quyết các vấn đề môi trường theo các phản ánh, kiến nghị của đại biểu Quốc hội, cử tri

0

Từ năm 2016 đến nay, Chính phủ đã nhận được hàng trăm ý kiến chất vấn, phản ánh, kiến nghị của đại biểu Quốc hội, cử tri về bảo vệ môi trường, tập trung vào các vấn đề bức xúc, nổi cộm như: các vướng mắc, bất cập trong thể chế, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường; các điểm nóng, sự cố về môi trường; tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, lưu vực sông (sông Cầu, Nhuệ – Đáy, Bắc Hưng Hải..), làng nghề, khu vực đô thị, nông thôn; vấn đề quản lý chất thải rắn, đặc biệt là rác thải nhựa…

 Chính phủ đã tập trung chỉ đạo giải quyết các vấn đề nêu trên, qua đó đạt được một số kết quả nổi bật sau đây:

Tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường: từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg, trong đó chỉ đạo xây dựng và đang xem xét sửa đổi Nghị định sửa đổi các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường. Hoàn thành hồ sơ, trình Quốc hội xem xét, bổ sung dự án Luật sửa đổi bổ sung Luật Bảo vệ môi trường vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội tại Kỳ họp này. Ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 17/9/2018  nhằm chỉ đạo, giải quyết kịp thời vấn đề nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Xây dựng danh mục và tổ chức kiểm soát chặt chẽ các dự án, cơ sở có nguồn thải lớn, thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Đặc biệt, sau sự cố môi trường tại 04 tỉnh miền Trung năm 2016, Chính phủ đã tổ chức thanh tra toàn diện các cơ sở nguồn thải lớn; yêu cầu Công ty Formosa Hà Tĩnh đầu tư bổ sung các công trình cải thiện, bảo vệ môi trường, tổ chức giám sát chặt chẽ để Công ty đi vào vận hành chính thức lò cao số 1, đang vận hành thử nghiệm lò cao số 2, có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Nhiều cơ sở có nguồn thải lớn khác cũng đã được giám sát chặt chẽ về môi trường. Từ năm 2017, đã thiết lập, duy trì hiệu quả đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường từ trung ương đến địa phương. Năm 2018 đã xử lý tăng 476 vụ so với năm 2017, tỷ lệ vụ việc được xử lý tăng từ 25,4% lên 47,4% và các vụ việc còn lại đều đã được các địa phương khẩn trương triển khai các giải pháp xử lý; góp phần giúp các nhà quản lý, người dân, doanh nghiệp tiếp cận nhanh, đầy đủ, chính xác các thông tin về những vấn đề môi trường bức xúc; tăng cường trao đổi thông tin giữa người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý; nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi ứng xử đối với môi trường.

Công tác bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề bước đầu có chuyển biến tích cực. Công tác phòng ngừa, kiểm soát nguồn ô nhiễm đã chuyển từ bị động sang chủ động phòng ngừa, có trọng tâm trọng điểm, đã kiềm chế được mức độ gia tăng ô nhiễm, sự cố môi trường. Các dự báo tác động xấu tới môi trường từ các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội đã được ngăn ngừa thông qua việc nâng cao chất lượng thực thi các cơ chế, công cụ quản lý môi trường như đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường. Trong năm, tỷ lệ các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 88,05%, đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; tỷ lệ các cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 15,8% (tăng 8,9% so với năm 2017); các khu công nghiệp có hệ thống quan trắc tự động, liên tục được tăng lên so với năm 2017.

Hoạt động thu gom, xử lý chất thải được quan tâm đầu tư và có nhiều chuyển biến.  Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp tăng, đồng thời tỷ lệ chôn lấp giảm. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trung bình đạt 86% (tăng 1% so với năm 2017 và 4% so với năm 2010). Tỷ lệ xử lý chất thải y tế thông thường tiếp tục bảo đảm tỷ lệ 100%, tỷ lệ chất thải y tế nguy hại được xử lý chiếm 99,1% tổng số chất thải y tế nguy hại phát sinh. Tỷ lệ thu gom xử lý chất thải nguy hại tăng cao hơn (năm 2018 tăng 05 cơ sở xử lý chất thải nguy hại so với năm 2017, xử lý được thêm 500 nghìn tấn/năm). Số lượng nhà máy xử lý nước thải tập trung đô thị, khối lượng nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý tăng lên (từ 40 nhà máy/trạm xử lý năm 2017 lên 45 nhà máy/trạm xử lý vào năm 2018, xử lý thêm được 30.000 m2/ngày đêm).

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 phê duyệt điều chỉnh Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050, trong đó phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp đạt tỷ lệ dưới 30% so với lượng chất thải được thu gom; không đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%, đến năm 2025, sử dụng 100% túi nilon thân thiện với môi trường tại các Trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân hủy; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi nilon khó phân hủy kể từ năm 2026 tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt … Chiến lược mới cũng đã giao nhiệm vụ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 11/4/2013 về phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy đến năm 2020. Triển khai thực hiện Chiến lược, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức các hội thảo phổ biến, tuyên truyền tác hại của việc sử dụng một lần túi nilon khó phân hủy, khuyến khích cộng đồng tăng cường tái sử dụng túi ni lông, sử dụng sản phẩm thân thiện hơn như túi ni lông phân hủy sinh học, gần đây nhất là việc phát động phong trào toàn dân tham gia chống rác thải nhựa. Các hoạt động nêu trên đã bước đầu đạt được những kết quả khả quan trong việc quản lý chất thải nhựa và túi nilon, nhất là thay đổi nhận thức và ý thức của người dân về giảm thiểu rác thải nhựa.

Trong năm, nhiều vấn đề xung đột, ô nhiễm môi trường tại các lưu vực sông đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương phối hợp, tìm phương án giải quyết; kiểm soát chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường trên hệ thống kênh Bắc Hưng Hải; làm việc trực tiếp với một số địa phương trên lưu vực sông Cầu, Nhuệ – Đáy để đôn đốc thực hiện các giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường lưu vực sông. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu quản lý các nguồn thải trên lưu vực sông Nhuệ- sông Đáy. Các tỉnh đã triển khai nhiều dự án, công trình hạ tầng, mô hình quản lý, bảo vệ môi trường trong lưu vực, như dự án trồng rừng đầu nguồn sông Nhuệ – sông Đáy tại tỉnh Hòa Bình; mô hình xử lý môi trường làng nghề của tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và Thành phố Hà Nội; đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế cho Bệnh viện tại các tỉnh, thành phố trên lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy; đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ tiến tiến để xử lý rác thải của Thành phố Hà Nội; khuyến khích các hộ gia đình ứng dụng chế phẩm vi sinh, hóa sinh để xử lý nước thải trước khi thải ra cống chung đổ ra sông Tô Lịch trên địa bàn Hà Nội.

Đặc biệt để kiểm tra, làm rõ ý kiến phản ánh của đại biểu Quốc hội, cử tri, một số cơ quan báo chí về tình trạng một số cơ sở sản xuất xả nước thải chưa qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường sông lưu vực sông, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát, tiến hành thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường của các cơ sở trên lưu vực sông. Cụ thể, trong năm đã thanh tra đột xuất đối với 34 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao và có hoạt động xả nước thải với lưu lượng lớn hơn 200 m3/ngày.đêm ra sông Bắc Hưng Hải; đồng thời kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và UBND cấp huyện tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với các cơ sở còn lại có hoạt động xả thải vào sông Bắc Hưng Hải. Đến nay, đã hoàn thành việc thanh tra, xử lý vi phạm, hoàn thành báo cáo

Nhìn chung, các chất vấn, phản ánh, kiến nghị của đại biểu Quốc hội, cử tri về bảo vệ môi trường đã được Chính phủ quan tâm, giải quyết kịp thời, qua đó đã tạo được những chuyển biến tích cực, góp phần giảm các điểm nóng về môi trường trong năm 2018.

CTTĐT

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.