CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Tập trung giải quyết các vấn đề môi trường khu vực phia Nam

0

Tại hội nghị giao ban công tác quản lý tài nguyên và môi trường các tỉnh phía Nam năm 2018, đã nêu ra các định hướng, giải pháp tập trung giải quyết tốt những vấn đề môi trường hiện nay, đặc biệt là công tác quản lý nhà nước về BVMT đối với KKT, KCN; làng nghề và ô nhiễm môi trường nông thôn, ô nhiễm môi trường không khí; KSON xuyên biên giới; kiểm soát phát thải hóa chất và sức khỏe môi trường; ứng phó với biến đổi khi hậu; phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường; quản lý nhập khẩu phế liệu; túi ni lông thân thiện môi trường….

Đối với vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại:

Các cơ quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp chặc chẽ với địa phương nhằm triển khai tốt nhiệm vụ rà soát, đánh giá công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn cũng như đánh giá thực trạng xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn cả nước trong đó có khu vực miền Nam trên tinh thần của Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ về Phiên họp thường kỳ chính phủ tháng 01 năm 2019;

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành của tỉnh tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch quản lý CTR phù hợp với các mục tiêu quản lý chất thải rắn theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 (thay thế cho Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17/12/2009 trước đây). Trên cơ sở đó, xây dựng danh mục đầu tư, kêu gọi các nguồn lực đầu tư các cơ sở xử lý CTR. Tuy nhiều địa phương trong khu vực đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư nhưng hiện còn khó khăn trong việc kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư hệ thống tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để CTR bằng những công nghệ tiên tiến và phù hợp. Bên cạnh đó, do địa bàn vùng kinh tế xã hội còn khó khăn trong thu hút đầu tư và giá thành xử lý CTR vượt quá khả năng ngân sách của các địa phương cấp huyện trên địa bàn các tỉnh do đó cần sự hỗ trợ nguồn lực của Trung ương.

Bên cạnh đó là quan tâm xây dựng quy hoạch khu vực xử lý CTNH tập trung cho cả khu vực Tây Nguyên với các điểm trung chuyển đặt tại các tỉnh hoặc đầu tư hoàn chỉnh khu xử lý CTNH tại mỗi địa phương nhằm tăng cường hiệu quả quản lý CTNH tại khu vực Tây Nguyên. Đặc biệt, ưu tiên đầu tư cơ sở xử lý chất thải nguy hại bằng công nghệ phù hợp yêu cầu bảo vệ môi trường. Về nguồn lực cần có cơ chế việc kêu gọi đầu tư nhằm tăng tỷ lệ xã hội hóa trong thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải. Tiếp tục hướng dẫn các nhà đầu tư về các chính sách ưu đãi của nhà nước đối với các dự án đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại. Ban hành quy chế, cơ chế và các hướng dẫn thực hiện thu hồi lại một số loại chất thải và sản phẩm đã hết hạn sử dụng theo quy định của Điều 87 Luật Bảo vệ môi trường và Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22 tháng 05 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.

Hoàn thiện các QCVN đối với một số ngành nghề đặc thù:

Thứ nhất, hiện nay Bộ TNMT đã ban hành một số Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải đối với một ngành đặc thù như: chế biến mủ cao su thiên nhiên, ngành giấy bột giấy, chế biến thủy sản, dệt nhuộm, sản xuất cồn nhiên liệu,… tuy nhiên chỉ yêu cầu giới hạn một số thông số trong nước thải là chưa thỏa đáng bởi vì nguồn nước thải phát sinh từ các cơ sở sản xuất này không chỉ có riêng nước thải sản xuất mà còn có cả nước thải sinh hoạt, nước thải vệ sinh mặt bằng kho chứa, xưởng sửa chữa máy móc thiết bị,… việc khống chế số lượng giám sát một số thông số theo QCVN sẽ không kiểm soát được các thành phần ô nhiễm khác.

Thứ hai, giá trị giới hạn các thông số trong nước thải của một số ngành đặc thù “thoáng” hơn so với ngành nghề khác như vậy là chưa công bằng và chưa khoa học. Cách tiếp cận xây dựng QCVN phải xuất phát từ yêu cầu nguồn nước (nguồn tiếp nhận nước thải) được dùng cho mục đích nào, nguồn nước này đang phục vụ nhu cầu sử dụng cho sinh hoạt thì phải cột A của QCVN 40 hay mục đích khác sẽ áp dụng cột B. Đối với những loại hình đặc thù như đã nêu thì hầu hết đều có lưu lượng xả nước thải lớn, mức độ ô nhiễm cao nếu xét về mặt khoa học thì cần phải siết chặc hơn chứ không thể “dể dãi” như hiện nay.

Ngược lại một số ngành nghề khác với lưu lượng thải rất ít nhưng có đặc tính nguy hại cao như ngành xi mạ điện, gia công sang chai đóng gói thuốc bảo vệ thực vật,.. khi xây dựng QCVN riêng cho ngành này vẫn buộc phải áp dụng QCVN nghiêm ngặt hơn.

 Vì vậy, đề nghị xây dựng hoàn thiện các QCVN đối với một số ngành nghề đặc thù mang tính nghiêm ngặt, siết chặt hơn với một số thông số đặc thù có yếu tố nguy hại và các thông số khác còn lại phải tuân thủ theo QCVN về nước thải công nghiệp chung cho các ngành.

Tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho việc nghiên cứu công nghệ xử lý nước thải một số ngành nghề đặc thù thuộc lĩnh vực chế biến sản xuất nông lâm thủy sản thực phẩm để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Tiếp tục rà soát các điểm tồn lưu chất độc hóa học sau chiến tranh trên cả nước và có cơ chế chính sách cũng như đầu tư nguồn lực để triển khai xử lý dứt điểm, hạn chế rủi ro cho con người và môi trường.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, kiên quyết tạm đình chỉ hoạt động hoặc cấm hoạt động theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng; thực hiện tốt việc công khai thông tin các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. UBND các tỉnh, thành phố cần thực hiện tốt việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Tăng cường phối hợp giám sát ô nhiễm môi trường có tính chất liên vùng, liên tỉnh như: quản lý chặt chẽ các nguồn nước thải xả thải ra đoạn sông giáp ranh giữa các tỉnh, quản lý chặt chẽ nguồn thải khí từ các cơ sở tại các khu vực giáp ranh.

Tăng cường đầu tư cho mạng lưới quan trắc môi trường tự động, nhất là mạng lưới quan trắc không khí xung quanh. Đối với các trạm quan trắc phát thải, cần tăng cường sự giám của Sở Tài nguyên và Môi trường, trong đó cần chú ý các vấn đề như: Giám sát quá trình đánh giá chất lượng hệ thống quan trắc, kiểm soát đo lường, kiểm soát chất lượng số liệu và quá trình vận hành trạm quan trắc của doanh nghiệp.

Xây dựng cơ chế phối hợp giữa Trung ương và địa phương trong việc chia sẻ số liệu quan trắc môi trường của địa phương và trung ương để có thông tin và bức tranh tổng thể của từng địa phương, nhằm tập trung giải quyết tốt những vấn đề môi trường cấp bách của địa phương.

Địa phương cần chủ động đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để kết nối, chia sẻ và trao đổi thông tin giữa các địa phương và giữa địa phương với trung ương; thực hiện nghiêm túc việc kết nối dữ liệu từ Sở Tài nguyên và môi trường về Bộ Tài nguyên và môi trường theo quy định.

Thực hiện nghiêm túc việc kết nối dữ liệu từ Sở Tài nguyên và môi trường về Bộ Tài nguyên và môi trường.

Theo Monre.gov.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.